Nhiều doanh nghiệp cho biết hàng đang bị “giam” tại cảng thêm 3-4 ngày so với thông thường.
 |
Nhiều doanh nghiệp cho biết đường truyền hải quan điện tử thường
xuyên bị nghẽn mạch khiến thủ tục xuất nhập hàng hóa kéo dài - Ảnh:
THUẬN THẮNG |
Tình trạng này đang diễn ra ở cảng Cát Lái (Q.2,
TP.HCM) - cảng container lớn nhất cả nước. Các doanh nghiệp xuất nhập
khẩu phản ảnh nguyên nhân do đường truyền hải quan điện tử bị nghẽn và
máy móc làm hàng tại cảng “có vấn đề”.
Trục trặc tứ phía...
Ngày 6-10, tại cảng Cát Lái, nhiều doanh nghiệp đang
làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho biết quy trình làm hàng
của doanh nghiệp đang bị chậm lại rõ rệt. Thay vì đưa hàng lên tàu
ngay, giải phóng hàng nhanh gọn khi tàu cập cảng thì nay hàng phải nằm
tới vài ngày, còn nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu phải đi lại năm lần
bảy lượt. Ghi nhận tại cảng cho thấy hàng hóa chất chồng. Anh Bùi Ngọc
Tú, nhân viên khai báo hải quan một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối
hàng gia dụng ở TP.HCM, cho biết không chỉ bị ứ lại bên trong cảng mà xe
cộ vào cảng cũng khó khăn. Theo anh Tú, bị kẹt nặng nhất từ ngày 3-10,
muốn đưa hàng từ trong cảng ra ngoài phải nhích từng chút một. Trưa
6-10, nhiều đoạn đường vào cảng Cát Lái xe container phải xếp hàng dài
dằng dặc.
“Cảng không cố tình làm khó khách hàng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Minh Thuấn - phó tổng
giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho biết cảng Cát Lái (thuộc
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) mỗi ngày thông quan khoảng 10.000 TEU nên
sẽ có trục trặc. “Các dịch vụ cảng có lúc nhanh lúc chậm và có những
khách hàng gặp vấn đề này nọ. Tuy nhiên, cảng không cố tình làm khó
khách hàng. Dịch vụ là như vậy nên doanh nghiệp sử dụng phải chấp nhận
và có quyền lựa chọn”, ông Thuấn nói. Theo ông Thuấn, nếu gặp trục trặc
trong quá trình làm hàng doanh nghiệp có thể báo lại với lãnh đạo công
ty, hoặc trung tâm chăm sóc khách hàng để được giải quyết. |
Ông
H. - lãnh đạo một công ty làm dịch vụ khai báo hải quan - cho biết đơn
vị này đang bị các chủ hàng hối thúc liên tục vì để chậm tiến độ làm
hàng. Công ty đang làm dịch vụ cho bốn chủ hàng thì cả bốn lô bị trục
trặc. Có lô hàng bắt đầu làm từ chiều 3-10, nhưng đến hôm qua 6-10 mới
đưa ra khỏi cảng, trong khi trước đây chỉ trong một ngày là có thể lấy
hàng. “Chúng tôi làm thủ tục nhập hơn 50 tấn nguyên liệu cho doanh
nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng do chậm 1-2 ngày nên họ sốt
ruột gọi cả chục cuộc điện thoại đòi hàng” - ông H. than thở.
Tương tự, ông Nguyễn Thông, phó giám đốc Công ty dịch
vụ vận tải biển Liên Anh (TP.HCM), cho biết khoảng một tuần trở lại đây,
mỗi lần mở tờ khai điện tử là nhân viên công ty lại khốn khổ. Trước đây
quá trình này chỉ hết một buổi sáng, nay phải mất hai ngày mới xong một
tờ khai. Khi công ty nhập dữ liệu vào tờ khai điện tử, gửi đi, mạng
luôn báo không được.
Nhưng vấn đề chưa nằm ở đó, khi đã làm xong tờ khai,
tiến độ làm hàng lại tiếp tục bị chậm trễ vì cầu cảng bị kẹt, xe nâng,
hạ container bị trục trặc. Khâu này mất thêm 2-3 ngày. “Có hôm nhân viên
làm việc 24/24 giờ để canh được thời điểm truyền dữ liệu không bị
nghẽn, rồi ban ngày lại toát mồ hôi tại cảng mới kịp”, ông Thông cho
biết.
Đăng ký ba ngày mới được làm hàng
Trước các phản ảnh về tình trạng khó khăn trong khâu
làm thủ tục hải quan điện tử khiến thời gian làm hàng của doanh nghiệp
bị kéo dài, một cán bộ lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn
khu vực I (tại cảng Cát Lái) thừa nhận khoảng 2-3 ngày gần đây đường
truyền hải quan điện tử bị nghẽn mạch, mạng Internet có vấn đề. Ngay cả
cán bộ hải quan đăng ký, in tờ khai, các chứng từ khác cũng rất chậm
chạp. Do bị trục trặc đường truyền nên có thể khi doanh nghiệp gửi dữ
liệu đi, hệ thống sẽ báo không gửi được, hoặc tờ khai không được chuyển
đến trung tâm dữ liệu mà lại bị “treo” lơ lửng ở đâu đó và tờ khai của
doanh nghiệp khác chèn lên đi trước.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khách quan, nằm ngoài khả năng
kiểm soát của chi cục. Theo vị cán bộ này, hiện tại Cát Lái đã thông
quan điện tử 100%. Tuy nhiên, nghẽn mạng không phải vì quá nhiều tờ khai
cùng gửi đến một lúc. Trong tháng 9-2011, lượng hàng thông quan qua
cảng thậm chí còn thấp hơn hồi đầu năm. Trung bình mỗi ngày có khoảng
450-550 tờ khai được thông quan. Do đó, nghẽn đường truyền là do vấn đề
kỹ thuật và thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng này.
Theo các chủ hàng, còn một lý do khác khiến hàng hóa bị
“giam” tại cảng thêm 3-4 ngày so với thông thường là trang thiết bị làm
hàng tại cảng gần đây không đáp ứng được nhu cầu. Tại cầu cảng, xe
chuyển container không kịp và máy nâng, hạ container thỉnh thoảng lại
“nghỉ ngơi” tới nửa ngày, doanh nghiệp liên hệ làm hàng không được. Ông
H., người thường xuyên làm hàng tại cảng Cát Lái, cho biết khâu bốc xếp
tại cảng thường làm chậm quy trình. Việc đưa container qua máy soi,
chuyển container sang bãi chuyển hóa, nâng/hạ container... làm rất chậm.
Thậm chí doanh nghiệp đăng ký tới ba ngày sau mới làm được!
Một cán bộ hải quan làm việc tại cảng Cát Lái cho biết
khi nghe thông tin từ doanh nghiệp, ông đã phản ảnh lại với phía cảng và
được biết là do thiếu trang thiết bị. “Ngay trong sáng 6-10 đội kiểm
hóa của hải quan họp, anh em trong đội cũng phản ảnh khi yêu cầu xe xúc,
xe nâng để lấy hàng ra khỏi container phục vụ kiểm tra hàng hóa thì rất
chậm. Điều này kéo dài thêm thời gian kiểm hóa khiến hàng lấy ra chậm
hơn”, vị cán bộ này nói.
Chiếm 40% thị phần container cả nước
Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện sản lượng làm
hàng container của công ty (chủ yếu ở cảng Cát Lái) đang chiếm tới 83%
thị phần tại TP.HCM. Trên quy mô cả nước, công ty đang nắm hơn 40% thị
phần. Công ty có trang bị 25 cẩu bờ, hơn 100 cẩu khung, gần 300 xe đầu
kéo, 25 sà lan, 10 tàu lai dắt... phục vụ hoạt động sản xuất tại các
cảng Cát Lái, Tân Cảng, Tân Cảng - Cái Mép... Theo các doanh nghiệp xuất
nhập khẩu, do chiếm giữ thị phần quá lớn nên cảng Cát Lái nắm được thế
chủ động, doanh nghiệp và các cảng khác bị phụ thuộc. Vì vậy, dù có bị
ách nhưng doanh nghiệp cũng không có lựa chọn khác mà vẫn phải làm hàng
qua cảng này. |
(Theo Tuoitre.vn)