Phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng
Việc nghiên cứu QH, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của đất Kinh kỳ
xưa được kết nối đến ngày nay cùng các yếu tố hiện tại, cả tính đặc thù,
đã "vẽ" ra Hà Nội trong tương lai. Đây là QH tổng thể phát triển đầu
tiên của Thủ đô trên một bình diện mới (sau khi được điều chỉnh, mở rộng
địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII). Chính
phủ, nhân dân cả nước, nhất là người Hà Nội đang kỳ vọng rất nhiều vào
tương lai của Thủ đô - nơi hội tụ và đi lên bằng tinh hoa, bản lĩnh, trí
tuệ và nguồn lực dồi dào...
Cầu Vĩnh Tuy, một trong những cây cầu lớn của Thủ đô. Ảnh: Đàm Duy
Riêng về kinh tế, Hà Nội sẽ phát huy
tối đa nguồn lực về vốn, vị trí đầu tàu kinh tế - thương mại, đầu mối
giao thương, trình độ công nghệ để bứt phá. Thủ đô sẽ phát triển theo
hướng đồng bộ, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, với mục tiêu phù
hợp, như hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
thiết lập nền kinh tế dựa trên lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp có hàm
lượng chất xám cao, phát triển mạnh về giáo dục, công nghệ để phát triển
bền vững, tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ
lực, như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp điện
tử, cơ khí chính xác... Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ triển khai 9 khu
công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt. Đến năm 2020, định hướng đến năm
2030, Thủ đô sẽ xây dựng mới và mở rộng 15 KCN; phát triển các cụm công
nghiệp ở ngoại thành, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp không gây ô
nhiễm môi trường. Việc hình thành, phát huy tác dụng của các KCN sẽ
thúc đẩy quá trình CNH-HĐH Thủ đô, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế và
cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, từng bước đưa Hà Nội
trở thành trung tâm công nghiệp lớn, nổi bật trong không gian kinh tế
khu vực Đông Nam Á. Cùng với việc phát triển KCN, sẽ tăng số lượng người
lao động được giải quyết việc làm qua từng năm. Dự kiến, mỗi năm Hà Nội
sẽ tạo việc làm mới cho khoảng 140.000 lao động giai đoạn 2011-2015, sẽ
tăng lên khoảng 160.000 người giai đoạn 2016-2020...
Sẽ có những bước tiến dài, vững chắc
Trong tương lai gần, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, khẳng định vị thế
của một đô thị lớn, có mức sống và sức mua hàng đầu cả nước. Thu nhập
bình quân của người Hà Nội sẽ đạt 3.300 USD/năm vào năm 2015 và 5.300
USD/người vào năm 2020. Dự báo, năm 2015 loại hình dịch vụ bán lẻ hiện
đại sẽ chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại và tỷ lệ này sẽ tăng lên
60% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và
dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 đạt mức 18-20%/năm; giai đoạn
2016-2020 đạt 17-18%/năm. Tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ đạt khoảng 19
tỷ USD vào năm 2015 và sẽ tăng lên hơn 45 tỷ USD năm 2020… Hà Nội hình
thành 4 chợ đầu mối bán buôn nông sản-thực phẩm tổng hợp, quy mô diện
tích 50-100ha/chợ ở những khu vực giáp ranh nhằm thu hút các nguồn nông
sản từ các tỉnh, vùng vệ tinh về TP. Hà Nội cũng xây dựng 23 đại siêu
thị, 111 siêu thị hạng II và 865 siêu thị hạng III. Trong đó, phần lớn
đại siêu thị và siêu thị hạng II sẽ hiện diện ở trung tâm, những cơ sở
còn lại lan tỏa đến khu vực ngoại vi và các huyện. Xây mới trung tâm
thương mại quốc tế ở tây Hồ Tây và trung tâm thương mại cấp vùng ở khu
đô thị Long Biên phục vụ giao lưu hàng hóa với các tỉnh Đồng bằng Bắc
bộ, cùng 51 trung tâm mua sắm, 5 trung tâm bán buôn tổng hợp hàng tiêu
dùng cấp vùng... TP cũng triển khai mạnh các biện pháp phát triển du
lịch, kêu gọi khách quốc tế đến với Hà Nội - Thăng Long. Dự báo, lượng
khách quốc tế sẽ vượt con số 1,5 triệu lượt người/năm và Hà Nội còn đóng
vai trò cầu nối, trung chuyển khách đi các địa phương trong nước và các
nước khác. Thương mại và du lịch được xác định là hai chân kiềng, đưa
ngành dịch vụ này chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP Thủ đô.
Thực tế cho thấy, Hà Nội nghìn năm tuổi nay vẫn là một "đại công trường"
với tốc độ mở rộng và phát triển diễn ra sôi động, bằng sự ra đời của
những cây cầu mới, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, những khu đô thị
mới, những tòa nhà cao tầng, cùng nhiều con đường hiện đại, vành đai
mới mở. Khách thăm Hà Nội cũng chứng kiến công trình xây dựng cầu Nhật
Tân, Đông Trù, đường 5 kéo dài khẩn trương, hối hả. Sông Hồng còn đón
thêm cầu Tứ Liên và nhiều cây cầu hiện đại qua sông cùng việc hoàn thiện
đường Vành đai 2, 3 và 4. Trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
mới đây, lãnh đạo TP đề nghị tăng cường hợp tác và đẩy nhanh việc tìm,
bố trí vốn để xây dựng, hoàn thành nhiều dự án lớn, như dự án nâng cấp
QL1A với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, riêng nhu cầu của kế
hoạch năm 2012 là 837 tỷ đồng.
Hội nghị lần thứ 6 BCH Đảng bộ TP Khóa XV vừa bế mạc đã nêu rõ một số
thành tựu đáng tự hào của Thủ đô, cũng là dịp điểm lại kết quả phát
triển kinh tế 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân gần
11%/năm (cao gấp 1,5 lần cả nước); bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện,
nâng cao mức sống nhân dân; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích
cực… Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức huy động vốn,
khuyến khích xã hội hóa đầu tư và phát huy thế mạnh về tiềm năng chất
xám "đậm đặc" - chất riêng của Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của cả nước để
tiến những bước dài, vững chắc…