Công tác cải cách chính sách tiền lương được nhiều người quan tâm. Ảnh: Đàm Duy
Bảy lần điều chỉnh, lương vẫn không đủ sống
Tính chung từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7
lần (từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng). Việc điều chỉnh mức
lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu
dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của
CBCCVC. Mức tăng tiền lương thấp nên đời sống của người hưởng lương còn
gặp nhiều khó khăn. So sánh mức lương tối thiểu chung với kết quả tính
toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo phương pháp nhu cầu
tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) cho thấy: mức lương tối thiểu chung do
Chính phủ quy định chỉ đáp ứng được khoảng 50% mức lương tối thiểu tính
theo phương pháp nhu cầu tối thiểu. Cụ thể, năm 2003, CBCCVC được hưởng
lương 290.000 đồng/tháng trong khi nhu cầu tối thiểu phải chi tiêu là
576.000 đồng/tháng; năm 2008 hưởng lương 540.000 đồng/tháng, nhu cầu tối
thiểu là 1.048.000 đồng/tháng và năm 2011 là 830.000 đồng/tháng và nhu
cầu tối thiểu là 1.410.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu của CBCC cũng
thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng từ 1,4 triệu (vùng IV -
vùng thấp nhất) đến 2 triệu đồng (vùng I - vùng cao nhất) của khu vực
doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của
Chính phủ. Với mức lương tối thiểu 830.000 đồng từ tháng 5-2011 áp dụng
với CBCC chỉ bằng 59,3% vùng IV - vùng thấp nhất (vùng có thị trường lao
động kém phát triển nhất như các huyện nghèo) và bằng 41,5% vùng I -
vùng cao nhất (vùng có thị trường lao động phát triển nhất như TP Hồ Chí
Minh, Hà Nội).
Bên cạnh đó, quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa theo Đề
án tiền lương giai đoạn 2003-2007 còn thấp hơn nhiều so với các mức
lương trên thị trường, dẫn đến hệ thống thang, bậc lương còn bình quân,
mức lương xác định đối với các chức danh tương ứng chưa phản ánh đúng
mức độ phức tạp công việc, chưa bảo đảm cho công chức sống được bằng
lương nên hạn chế khả năng giữ và thu hút người giỏi vào làm việc trong
cơ quan nhà nước. Theo đề án tiền lương giai đoạn 2008-2012 thì đến năm
2011 tiếp tục thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình
- tối đa, trên cơ sở đó tiếp tục thu gọn thang, bảng, ngạch, bậc lương
và hoàn thiện các chế độ phụ cấp, khuyến khích người tài giỏi. Song, đến
nay, nhiệm vụ này chưa thực hiện được do tình hình KT-XH có nhiều biến
động.
Giảm công chức hay tăng cơ chế?
Bộ Nội vụ vừa đưa ra dự thảo định hướng cải cách chính sách tiền lương
đối với CBCCVC giai đoạn 2012-2020. Theo đó, tiền lương phải được coi là
giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản
lý của Nhà nước; kiên quyết khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và
trợ cấp xã hội; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao
chất lượng đội ngũ CBCC của hệ thống chính trị; bảo đảm cho CBCC sống
được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội để họ gắn bó với bộ
máy nhà nước và làm tròn trách nhiệm công vụ của mình, góp phần phòng,
chống tham nhũng… Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra đề xuất cải cách chính
sách tiền lương phải trên cơ sở hình thành cơ chế riêng đối với từng khu
vực (hành chính, lực lượng vũ trang, sự nghiệp, doanh nghiệp, bảo hiểm
xã hội và ưu đãi người có công) và thay đổi kết cấu mục lục ngân sách
nhà nước cho phù hợp. Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội
vụ): "Giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tính lại khu vực, xác định
khu vực cho đúng rồi xét bộ máy biên chế, con người nào xứng đáng được
hưởng lương ngân sách. Chúng ta đã thực hiện giảm biên chế rồi nhưng
thực tế là những người thực sự cần giảm thì không giảm được". Bà Nguyễn
Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ LĐ,
TB&XH) thì cho rằng: "Vướng mắc trong việc cải cách chính sách tiền
lương là do cơ chế, do tạo nguồn, do nhận thức. Trên thế giới, không
nước nào dùng lương tối thiểu áp dụng cho khu vực nhà nước vì lương tối
thiểu chỉ áp dụng cho những người không có trình độ. Cần phải có một mức
lương áp dụng riêng cho khu vực nhà nước vì đây là tinh hoa của một nền
công quyền. Trong khu vực này, CBCC được trả theo trình độ chuyên môn,
nhưng xứng đáng được hưởng ở mức trung bình khá (tương đương 1,4 triệu
theo tính toán của Viện Khoa học Lao động và Xã hội)". Ông Đặng Như Lợi
nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có quan
điểm không xác định mức lương tối thiểu trong khu vực quản lý Nhà nước,
Đảng, đoàn thể mà chỉ xác định mức lương cho người có trình độ chuyên
môn nghiệp vụ từ thấp nhất đến cao nhất. Đặc biệt, ông Đặng Như Lợi đề
xuất, giao toàn bộ quyền quyết lương cho người lao động và người sử dụng
lao động ở khu vực tự chủ, Nhà nước chỉ quyết đối tượng hưởng lương
ngân sách. "Cải cách tiền lương gắn với chất lượng CBCC nên cần giảm 40%
số CBCCVC không đủ chất lượng theo yêu cầu hiện nay".
Các giải pháp tạo nguồn cũng đã được Bộ Nội vụ đề xuất như thực hiện
đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước để bảo đảm nguồn thu ngân
sách hằng năm; phân cấp cho chính quyền địa phương về sử dụng biên chế
gắn với ngân sách trả lương đối với CBCC trên địa bàn; đẩy nhanh lộ
trình xã hội hóa các loại hình sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục với mức
độ cao hơn để các đơn vị sự nghiệp tự lo trang trải tiền lương và một
phần chi phí hoạt động…
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo "Định hướng cải
cách tiền lương" để trình Chính phủ vào tháng 4-2012. Hy vọng rằng, với
sự đóng góp đầy nhiệt huyết của các chuyên gia, cải cách chính sách tiền
lương sẽ được điều chỉnh mang lại hiệu quả thực sự, bảo đảm được nhu
cầu tối thiểu CBCCVC chứ không "thê thảm" như tình trạng 7 lần điều
chỉnh vẫn… không đủ sống như thời gian qua.