GS Phan Huy Lê: Hội Sử học sẽ đối thoại với Bộ GD-ĐT
GS Phan Huy Lê.
Tại buổi họp báo về công bố Quỹ Phát
triển sử học Việt Nam, Giáo sư cho biết Hội khoa học Lich sử đang chuẩn
bị buổi đối thoại với Bộ GD-ĐT về tình trạng học sử hiện nay?
Đó là mộttrong những chương
trình giải quyết tình trạng dạy sử xa sút hiện nay của Hội Khoa học lịch
sử chúng tôi dự kiến có rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan
trọng nhất là tổ chức Hội thảo mang tính chất chuyên gia cùng với những
người có trách nhiệm là Bộ GD-ĐT và Viện khoa học giáo dục để nhìn nhận
lại một cách thật khách quan tình trạng học Sử hiện nay, nguyên nhân từ
đâu? Và đặc biệt tìm ra giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản để chấm
dứt tình trạng học Sử hiện nay chuyển sang giai đoạn phát triển tốt đẹp
hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức nhiều buổi giao lưu về sử học.
Chúng tôi muốn đưa vấn đề này ra trước công luận để mọi người cùng chia
sẻ trách nhiệm của mình và thúc đẩy việc học sử nhanh chóng hơn.
Theo giáo sư giải pháp trước mắt cải thiện tình trạng học sử hiện nay là gì?
Trong lúc chờ đợi thay đổi cơ bản toàn diện thì không thể để tình
trạng này kéo dài mãi. Trên thực tế, với kiến nghị của Hội Sử học và
nhiều ngành khác, người có trách nhiệm dạy sử phổ thông cũng đã có cố
gắng. Chúng tôi đánh giá cao các thầy giáo, cô giáo dạy sử đã cố gắng
rất nhiều nhưng không thay đổi được bao nhiêu.
Hay như vừa rồi giảm tải trong sách giáo khoa, tôi thấy đó cũng chỉ
là giải pháp trước mắt cải thiện phần nào đó thôi chứ chưa giải quyết
triệt để, cơ bản. Dạy sử phổ thông phải giải quyết một cách cơ bản có hệ
thống chứ không chỉ bằng giải pháp nhỏ giọt như thế này được.
Vậy đâu là giải pháp căn bản nhất để nâng cao chất lượng dạy – học môn sử, thưa giáo sư?
Theo ý kiến cá nhân tôi phải thay đổi nhận thức về môn Sử trên 2 phương diện cơ bản: Thứ nhất,
là vị thế của môn Sử phổ thông phải coi như những môn học cơ bản trong
trang bị kiến thức giáo dục bản lĩnh con người Việt Nam chứ không thể
như hiện nay coi môn Sử là môn học tầm thường, năm thi năm không.
Thứ hai, là yêu cầu dạy học
sử phổ thông nhằm mục tiêu gì? Theo tôi chương trình dạy sử hiện nay là
của người lớn và tóm lược lại bắt các em học. Sự kiện la liệt, nặng nề,
kiến thức khái quát chung chung. Yêu cầu nặng về tư duy, cao xa, mênh
mông không hợp với tuổi trẻ. Trong khi đó những cái bình dị nhưng cực kỳ
cơ bản và có tính chất nền tảng là trước hết phải làm cho các em yêu
môn sử thì mới đến yêu kiến thức môn sử thì lại không quan tâm. Do vậy,
yêu cầu về dạy môn sử phải thay đổi cơ bản chứ không để như hiện nay
được.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa, chương trình học sử phải thay đổi và
nhất là cách dạy sử phải thay đổi, không thể truyền thụ như hiện nay mà
phải giao lưu, đối thoại giữa giáo viên với học sinh.
GS Phan Huy Lê: “Quan trọng nhất trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là vấn đề nhận thức”.
Thực trạng sa sút về dạy - học sử đã
kéo dài nhiều năm. Vậy Hội khoa học lịch sử đã có những động thái nào
để ngành GD-ĐT thay đổi?
Chúng tôi cũng đã nói nhiều rồi. Chúng tôi quan niệm, tình trạng dạy
sử phổ thông ngày càng xa sút trong đó có trách nhiệm của các nhà sử
học. Chúng tôi tự coi đây là phần trách nhiệm của mình cho nên đã có
nhiều đóng góp tích cực.
Chúng tôi đã có 2 hội thảo lớn về tình trạng học sử và thường xuyên
góp ý kiến, thậm chí cử 2 chuyên gia trong Hội là GS Đinh Xuân Lâm và GS
Vũ Dương Ninh thay mặt Hội thường xuyên theo dõi tình hình dạy sử ở phổ
thông và góp ý kiến thường xuyên cho Viện khoa học giáo dục. Tình trạng
dạy sử ngày càng xấu đi, chậm khắc phục trong đó có một phần trách
nhiệm của Hội lịch sử chúng tôi nhưng trách nhiệm chính vẫn là Bộ GD-ĐT.
Những góp ý của Hội sử học, Bộ GD-ĐT tiếp thu như thế nào thưa giáo sư?
Nói chung là Bộ vẫn tiếp thu nhưng thay đổi chậm quá nhưng tôi có
phần thông cảm vì căn bệnh này không phải vài vết thương nhỏ mà nó nằm
trong hệ thống. Môn sử không thể tách ra khỏi hệ thống giáo dục hiện nay
được. Cho nên tôi mừng là Nghị Quyết ĐH XI lần này đưa ra một điểm là
đổi mới toàn diện căn bản toàn diện giáo dục. Chúng ta thực sự đã đến
lúc phải có cuộc cải cách toàn diện về giáo dục để phát triển đất nước.
Để giáo dục chậm chễ cực kỳ nguy hại vì đây là nguồn đào tạo nhân lực
trước yêu cầu CNH – HĐH, hội nhập quốc tế của đất nước mà coi nhẹ giáo
dục và tiến hành chậm chễ không đạt yêu cầu về chất lượng thì ảnh hưởng
đến toàn bộ sự phát triển.
Theo giáo sư trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì cần nhấn mạnh đến yếu tố nào nhất?
Nếu nói giáo dục thì nhiều vấn đề nhưng vấn đề cơ bản nhất là vấn đề
nhận thức mà nhiều người gọi là triết lý giáo dục. Cần xác lập lại một
cách rõ ràng, giáo dục cần mục tiêu như thế nào? Từng lứa tuổi như thế
nào? Để từ đó hoạch định chương trình, kế hoạch đào tạo từng cấp độ như
thế nào trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD-ĐT cần tổ chức nhiều hội thảo chuyên gia để nghe ngóng ý kiến
đầy đủ của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học trên từng lĩnh vực, tôi
tin rằng trí tuệ Việt Nam có đầy đủ khả năng để đưa ra giải pháp căn
bản và có hiệu lực, chấm dứt tình trạng giáo dục hiện nay và đưa giáo
dục bước sang giai đoạn mới thực sự đáp ứng yêu cầu sự phát triển của
đất nước.
Xin cảm ơn giáo sư!
(Dantri.com.vn)