Tự nhận là "có duyên" với Hà Nội, ông P.Chaplain chia sẻ, lần đầu tiên
ông đến Việt Nam vào năm 2002 ở TP Hồ Chí Minh và lần thứ hai trở lại
Việt Nam, ông chọn Hà Nội. Quả thật sự giao hòa đan xen giữa truyền
thống và hiện đại đã ngay lập tức "thôi miên" du khách 55 tuổi này. "Hà
Nội có sức níu chân tôi đến lạ kỳ. Cứ mỗi lần rời xa Hà Nội, trái tim
tôi lại thổn thức và mong sao sớm có ngày trở lại".
 |
Một trong những bức ảnh cũ về Nhà hát Lớn Hà Nội trong sưu tập của Philippe Chaplain. |
Với P.Chaplain, Hà Nội là thành phố duy
nhất mà ông có thể đắm mình trong sự tĩnh lặng, có thể thả mình bên Hồ
Gươm ngắm nhìn mây trời, hàng cây bình lặng rủ xuống mặt nước, những đôi
vợ chồng già tay trong tay hạnh phúc đi bên nhau. Philippe Chaplain đặc
biệt ấn tượng với những gia đình Hà Nội có ba thế hệ chung sống. Ông
nói: "Trong những gia đình đó có truyền thống, có tình yêu thương ấm áp
đến kỳ lạ. Đó là điểm khác biệt về văn hóa mà người Pháp hay rất nhiều
quốc gia khác không có".
Ý tưởng sưu tầm những bức ảnh cổ về Hà Nội hình thành khi ông tình cờ
mua được tấm bưu thiếp về làng giấy ở Hà Nội trên một đường phố gần sông
Seine (Pháp). Ngay sau đó ông lao vào cuộc sưu tầm những bức ảnh cổ về
Hà Nội. Sau 7 năm, được bạn bè và các tổ chức khác nhau trên thế giới
giúp đỡ, P.Chaplain có trong tay hơn 1.000 bức. Với ông, mỗi bức ảnh là
một câu chuyện, một số phận riêng, mà nếu được biết về nó, người ta sẽ
hiểu về Hà Nội hơn.
Với kinh nghiệm của một nhà sử học, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Di
sản quốc gia Pháp, ông P.Chaplain cho rằng, để bảo tồn giá trị các di
tích văn hóa của Hà Nội, Chính phủ Việt Nam cần phải giúp cho mọi người
biết đến Hà Nội nhiều hơn, cần có quan hệ tốt với các doanh nghiệp lớn,
với các nhà tài trợ, vận động họ hỗ trợ việc bảo tồn di tích. Ông cũng
cam kết sát cánh cùng với người dân Hà Nội giữ gìn, bảo tồn các di tích
cổ. "Tôi không chỉ muốn làm cho các bạn, mà làm cùng các bạn. Hà Nội
luôn ở trong trái tim tôi và tôi muốn cùng giữ gìn và bảo tồn thành phố
này".