Nhiều ngành "trắng" hồ sơ
Mặc dù chưa có số liệu tổng kết chính thức, song "thất bát" là từ quen
thuộc dùng để chỉ tình trạng tuyển sinh khó khăn của nhiều trường trong
năm 2011. Năm nay, cả nước có 97 trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng 3.
Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, ngoài một
số trường đóng tại các thành phố lớn, có nguồn tuyển dồi dào như ĐH
Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Phương Đông... cơ bản
tuyển đủ sau đợt xét tuyển thứ 3, còn lại các trường ngoài công lập
khác, hay các trường công lập vùng đều thiếu thí sinh trầm trọng.
 |
Thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển tại Trường ĐH dân lập Phương Đông. Ảnh: Khánh Nguyên |
ĐH Thái Nguyên có gần 1.800 chỉ tiêu xét
tuyển nguyện vọng 3, chỉ nhận được khoảng 150 hồ sơ và điều đó khiến cho
nhiều ngành học có nguy cơ không thể mở lớp đào tạo. ĐH Đà Nẵng có hai
ngành phải đóng cửa do "trắng" thí sinh là Kinh tế chính trị và Thống kê
tin học. Trường ĐH Đà Lạt đã phải đóng cửa 4 ngành vì không có thí sinh
nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, đó là Công nghệ sau thu hoạch, Văn hóa
học, Việt Nam học, Công nghệ sau thu hoạch (khối A), Đông phương học
(khối D1). Trường ĐH Đồng Tháp cũng phải tuyên bố đóng cửa 4 ngành là Sư
phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư
viện và Công nghệ thiết bị trường học. Thậm chí, với những trường sư
phạm có ngành không phải đóng học phí và là ngành học chính của trường
cũng không thu hút được thí sinh. Còn nhiều ngành khác, do số lượng thí
sinh đăng ký học quá ít nên các trường đã phải chuyển thí sinh sang học
những ngành có cùng khối thi.
Ông Văn Đình Ưng, Trưởng ban Thông tin tuyên truyền Hiệp hội Các trường
ngoài công lập cho biết: Mùa tuyển sinh năm ngoái, trước tình trạng
thiếu nguồn tuyển trầm trọng, Hiệp hội cùng các trường đã kiến nghị Bộ
GD-ĐT gia hạn thời gian tuyển sinh, cho phép chuyển chỉ tiêu từ ĐH sang
CĐ để tuyển đủ lượng thí sinh. Song, sang năm 2011, các trường ngoài
công lập vẫn không có thí sinh để tuyển.
Trước sự thiếu hụt thí sinh có thể lường trước sau nhiều kỳ tuyển sinh,
các trường đã tung ra nhiều "chiêu" thu hút người học. Thí sinh được
chào mời bằng đủ cách, từ tặng học bổng, laptop cho tới tặng... điểm,
rồi trả tiền hoa hồng cho người giới thiệu... Trước thực trạng này, lần
đầu tiên Bộ GD-ĐT phải chính thức yêu cầu các trường không thông tin,
quảng bá về việc áp dụng các biện pháp thu hút thí sinh bằng mọi giá,
dưới mọi hình thức, thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong dư
luận xã hội.
Có ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục?
Giải thích về những khó khăn trong nguồn tuyển, lý do quan trọng mà
nhiều trường đưa ra là Bộ GD-ĐT đã ấn định điểm sàn một cách cứng nhắc.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ
đã tính toán kỹ khi quyết định điểm sàn, theo đó, tỷ lệ thí sinh đạt từ
điểm sàn trở lên gấp 1,5 lần tổng số chỉ tiêu tuyển của các trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo một trường ĐH dân lập cho rằng, mức điểm sàn cùng
lượng thí sinh nói trên chỉ là kết quả của sự tính toán cơ học chứ không
tính tới nhiều yếu tố khác như tâm lý thí sinh hay đặc trưng vùng
tuyển. Rất nhiều thí sinh tại các thành phố lớn có điểm trên điểm sàn,
song đa số chấp nhận sang năm thi lại chứ không đăng ký vào học các
trường ĐH ở vùng xa. Số khác, do tâm lý nên không muốn học ở trường
ngoài công lập. Trong khi đó, nhiều thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa
không đủ điều kiện học tập để với tới điểm sàn của Bộ.
Trước thực trạng trên, nhiều trường tỏ ý băn khoăn về định hướng tuyển
sinh và điểm căn bản mà nhiều trường đề nghị cần có sự điều chỉnh là
giải pháp thi "3 chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển).
Thậm chí có trường lo ngại "tan trường" nếu vẫn tiếp tục áp dụng giải
pháp này. Theo ông Văn Đình Ưng, năng lực đào tạo của các trường đang bị
lãng phí khi nhiều ngành học phải đóng cửa vì thiếu người học. Chủ
trương xã hội hóa với mục tiêu có 40% sinh viên ngoài công lập vào năm
2020 đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chủ trương về điểm
sàn vẫn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm chất lượng đầu
vào. Ngoài ra, việc các trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh
không phải hoàn toàn do điểm sàn cao, mà bởi các trường này chưa gây
dựng được uy tín cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo đủ để
thu hút người học.
Trước câu hỏi liệu các trường ngoài công lập đứng trước nguy cơ giải thể
do thiếu thí sinh có làm ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa giáo dục
hay không, Chủ tịch UB Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Tình huống dẫn đến việc giải
thể chính là dấu hiệu tốt của chất lượng xã hội hóa. Đây là dấu hiệu của
sự sàng lọc tự nhiên một cách tích cực, lành mạnh, không làm ảnh hưởng
tới chủ trương nói trên.
Tuy nhiên, lĩnh vực tuyển sinh đòi hỏi sự đổi mới quyết liệt để không
tái diễn tình cảnh nguồn tuyển vẫn thiếu trong khi ở nhiều nơi người có
nhu cầu học vẫn không thể vào trường.