Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 19/10/2011 08:23
Ứng phó với nợ công bằng cơ chế minh bạch
(VEF.VN) - Nếu tỷ lệ nợ công là 70% GDP, Việt Nam cũng có thể rơi vào cảnh "vỡ nợ" và khủng hoảng. Việc đảm bảo nợ công an toàn cần đặt ra như một mục tiêu tất yếu của tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, minh bạch thông tin, giảm đầu tư công và đổi mới DNNN là ba vấn đề căn cơ nhất.

Tại hội thảo bàn về những ứng phó của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái hôm 18/10, các chuyên gia kinh tế của các tổ chức nước ngoài đều đồng loạt cho rằng, nợ công đang là điểm nóng trung tâm của các vấn đề kinh tế hiện nay trên toàn cầu.

Khả năng thanh toán trả nợ của Việt Nam đang yếu đi

Tại Việt Nam, nền kinh tế đang "đạt" nhiều cái nhất: lạm phát cao nhất khu vực, dự trữ ngoại hối thấp nhất khu vực, dư địa tài khóa không còn nhiều, lãi suất thực rất thấp. Ở một nền kinh tế mong manh và có độ nhạy cao bởi các cú sốc bên ngoài như vậy, tỷ lệ nợ công tới hơn 57-60% GDP tiềm ẩn quá nhiều rủi ro đáng lo ngại.

Thống kê lại tình hình nợ công của Việt Nam trong 10 năm qua, số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nếu như năm 2001, nợ công của Việt Nam chỉ bằng 31,7% GDP thì năm 2010, đã là 52,75 GDP. Theo cách tính của Bộ Tài chính,  năm 2007, nợ công mới chỉ là 33,8% GDP nhưng đến năm 2010, đã là 56,6%, trong đó nợ nước ngoài bằng 42,2%.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, đó là chưa tính đến các khoản tự vay của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước mà Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ dự phòng và các khoản nợ lương hưu tiềm ẩn.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2010, đến cuối năm 2009, khoản nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ cho khu vực DNNN lớn hơn rất nhiều và lên tới 36,2% GDP. Trong đó, dư nợ của các ngân hàng cho DNNN vay vào khoảng 33% GDP, dư nợ trái phiếu do DNNN phát hành vào khoảng 3,2% GDP.

Nhìn lại 3 năm gần đây, dù theo cách tính của tổ chức nào thì đều chung một ngưỡng là tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP là trên 40%, nợ công nước ngoài trên 30% GDP và tỷ lê nợ công /GDP là trên 50%.

"Nếu xét chỉ tiêu qui mô khoản nợ so với GDP thì khả năng thanh toán nợ của Việt Nam đang giảm rất nhanh kể từ năm 2008. Nếu thâm hụt ngân sách hàng năm không được điều chỉnh giảm và vẫn giữ nguyên mức bình quân 5,6%/năm như giai đoạn vừa qua thì tỷ lệ nợ công sẽ vượt qua mức 70% GDP vào năm 2020. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới an toàn tài chính của Việt Nam", ông Nghĩa phân tích.

Bóc tách thêm về các con số năm 2010 như thu ngân sách đạt 559.170 tỷ đồng, tổng nợ công tương đương 1.103 nghìn tỷ đồng, ông Nghĩa cho rằng, tổng nợ công của Việt Nam đã gấp 2 lần tổng thu ngân sách. Tỷ lệ nợ công nước ngoài so với tổng giá trị xuất khẩu ước tính xấp xỉ 44%.

Các so sánh trên cho thấy, khả năng thanh toán của Việt Nam đang giảm dần. Điều này đặt ra yêu cầu chính sách tài khóa phải kiên quyết thắt chặt hơn, bằng mọi giá, giảm thâm hụt ngân sách hàng năm dưới 5% GDP, ông Nghĩa khẳng định.

Chưa hết, Việt Nam còn phải đối mặt với rủi ro về tính thanh khoản của nợ công và rủi ro tỷ giá. Khi khủng hoảng xảy ra, các quốc gia lớn đều khó khăn, việc đảo nợ các khoản trung và dài hạn có thể xảy ra dẫn tới thời hạn trả nợ sẽ bị xáo trộn. Vì vậy, quản lý nguồn vốn ODA cần phải được tăng trưởng.

Riêng với các khoản nợ nước ngoài trong ngắn hạn, ông Nghĩa cảnh báo, Việt Nam đang nằm ở mức báo động nguy hiểm và có thể ảnh hưởng về xếp hạng tín nhiệm nợ công cho Việt Nam sắp tới. Nếu như năm 2007, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gấp 100 lần so với tổng dư nợ ngắn hạn thì năm 2008 chỉ còn 28 lần; năm 2009 còn 3 lần; năm 2010 chỉ còn 2 lần. Đây là mức thấp kỷ lục của giai đoạn 5 năm qua.

Trong khi đó, trong vòng 3 năm tới, đến kỳ đáo hạn các khoản nợ nội địa (như phát hành trái phiếu Chính phủ) sẽ là con số rất lớn, tương đương 36% dự toán thu ngân sách Nhà nước năm nay và khoảng 20% thu ngân sách Nhà nước năm 2014.

Thêm nữa, 10 năm qua, tiền đồng của Việt Nam đã mất giá tới 57,7% so với 19 đồng tiền được sử dụng để vay nợ. Rủi ro tỷ giá cho các khoản vay bằng ngoại tệ chắc chắn đang gây áp lực không nhỏ lên đồng nội tệ. Tình hình này càng thêm khó khăn chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam.

Với xu hướng nợ công hay tổng dư nợ các DNNN ngày càng gia tăng, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điều cơ bản để tránh khủng hoảng là phải giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách mỗi năm và giảm nợ công. Trong đó, việc cắt giảm chi tiêu công, giảm đầu tư công là giải pháp khả thi nhất vì có thể đảm bảo được sự ổn định vĩ mô.

Minh bạch nợ của các DNNN hàng năm

Một cách biện chứng, tình trạng gia tăng nợ công ở Việt Nam bắt nguồn từ những bất hợp lý trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua. Mô hình tăng trưởng là dựa vào việc mở rộng vốn đầu tư, trong khi tính hiệu quả lại thấp đã góp phần gây ra lạm phát cao.

Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của toàn xã hội lớn, cần phải bù đắp lại bằng việc gia tăng các khoản vay từ bên ngoài và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Khi các nguồn vốn đầu tư trên ngày càng tăng cao liên tục, Việt Nam rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài. Hậu quả tất yếu là tỷ lệ nợ trong nước, nợ nước ngoài và nợ công tăng nhanh.

ThS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình thạc sỹ về chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá, nhiều ý kiến yêu cầu phải giảm ngay tỷ lệ nợ công/GDP xuống. Song, trước xu hướng tái cấu trúc hiện nay, cần phải chấp nhận một thực tế là nợ công sẽ gia tăng, ít nhất là trước mắt.

Vấn đề là Chính phủ phải cải cách lại cơ chế quản lý nợ công theo hướng, phải giám sát từng dự án, có đánh giá tác động đầy đủ và mạnh tay cắt ngay những dự án kém hiệu quả. Nếu vốn công sử dụng cho các dự án đúng, có hiệu quả thì nguồn thu từ các dự án này sẽ quay trở lại giúp trả nợ cho Chính phủ.

Ông Deepal Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, một cuộc khảo sát đối với người dân Việt Nam của chúng tôi cho thấy, 90% người dân trả lời Việt Nam chưa có chính sách công bố thông tin nhất quán.

Thời gian tới, chính sách tài khóa phải đẩy mạnh vấn đề minh bạch hóa ngân sách Nhà nước, có cơ chế công bố toàn diện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp Nhà nước, giám sát chủ động sự yếu kém trong cổ phần hóa DNNN, tăng cường năng lực lành mạnh hóa khu vực tài chính.

"Chính phủ phải khuyến khích phát triển văn hóa minh bạch phổ biến trong DNNN" ông Mishra nói.

Với cái nhìn đầy cảm thông, chia sẻ, chuyên gia kinh tế của ADB, ông Dominic Patrick Mellor nói, vấn đề là Việt Nam có 7% GDP phải hướng vào các dự án cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển nhưng nguồn lực quốc gia không nhiều. Vì vậy, Chính phủ cần tìm các kênh tài chính khác nhau, các phương án để tài trợ cho nhu cầu lâu dài của mình. Nên chăng, Chính phủ có thể tăng cường chức năng các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, khối các DNNN, một nơi tiềm ẩn rủi ro các khoản nợ cho Chính phủ thì cần áp dụng tính kỷ luật, tính cạnh tranh để buộc các DNNN này phải giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.

(Theo Vef.vn)


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)