
Giá vàng đóng cửa ở vùng 1.610 USD/oz khi kết thúc phiên giao dịch
ngày 20/10, đánh dấu phiên giảm giá mạnh nhất trong 2 tuần qua. Nguyên
nhân đẩy giá vàng giảm trong phiên này chủ yếu do áp lực bán kỹ thuật
tăng mạnh và những lo ngại chưa có lời giải đáp xung quanh việc liệu các
nhà lãnh đạo châu Âu có thể đồng thuận đưa ra giải pháp giải quyết vấn
đề nợ công của khu vực.
Cùng với thị trường chứng khoán và hàng
hóa, giá vàng phiên này tiếp tục giảm trước sự bế tắc giữa Pháp và Đức
trong việc làm thế nào để tăng nguồn quỹ giải cứu nợ công châu Âu. Trong
khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu vẫn còn bất đồng trong
cách thức giải quyết nợ công ở Hy Lạp.
Diễn biến phiên giao
dịch này cho thấy mức độ biến động của giá vàng là khá lớn khi có lúc
xuống tới 1.602,7 USD/oz và có thời điểm ở mức 1.631 USD/oz.
Kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 1.610,09
USD/oz. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 34,1 USD
xuống 1.612,9 USD/oz.
Như vậy, trong 4 phiên giảm giá liên tục
qua, giá vàng đã mất 4% giá trị, đánh dấu sự tương đồng về biến động
giá giống như các tài sản kém an toàn khác như cổ phiếu.
Hiện
biểu đồ kỹ thuật cho thấy, vàng đã kiểm định lại vùng giá nằm dưới đường
trung bình động 150 ngày tại 1.605 USD/oz, vốn đứng vững trong 3 tuần
qua. Do đó, áp lực bán kỹ thuật tăng mạnh khi giá vàng ở dưới ngưỡng hỗ
trợ.
Trong phiên ngày 20/10, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế
giới SPDR Gold Trust đã không giao dịch, vẫn nắm giữ 1.227,51 tấn vàng,
tương đương 39.465.715,88 ounce, trị giá 63,919 tỷ USD.
Chuyển
qua tin tức về giá dầu, giá dầu thô phiên này đã có diễn bến trái chiều
khi giá dầu Brent đạt được mức tăng trưởng mạnh, còn giá dầu tại thị
trường Mỹ lại giảm nhẹ.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 12
phiên này đã tăng 1,54 USD (1,42%) lên 109,93 USD/thùng, sau khi dao
động trong vùng giá 107,1-110,17 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI tại thị trường New York giảm 22 cent xuống 86,07 USD/thùng.