Đến nay, qua điều tra xã hội học, đại bộ phận người dân phố cổ nói riêng
và nhân dân Thủ đô nói chung khẳng định sự đồng tình, ủng hộ chủ
trương, nhưng cũng bày tỏ lo ngại xung quanh việc tổ chức giao thông, vệ
sinh môi trường và nhất là việc tổ chức các tuyến phố đi bộ mới sao cho
không phải là "bản sao" của tuyến chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân...
Không gian đi bộ sẽ mở rộng thêm nhiều tuyến phố, trong đó có Mã Mây và Lương Ngọc Quyến. Ảnh: Bảo Lâm
Tạo lập không gian đi bộ
Khu bảo tồn cấp I nằm trong quần thể khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn 4
phường của quận Hoàn Kiếm, gồm Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đồng Xuân.
Theo đề án do Công ty CP Đồng Xuân xây dựng, việc mở rộng KGĐB sẽ tập
trung vào các tuyến phố Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến,
Tạ Hiện và Đào Duy Từ. Đề án chọn các tuyến phố này bởi một số yếu tố.
Thứ nhất, khu vực này hiện còn lưu giữ được những công trình kiến trúc
xây dựng từ thế kỷ XVIII-XIX như đền Bạch Mã, đền Hương Tượng, đình Quán
Đế, nhà cổ 87 Mã Mây và 28 Hàng Buồm... tạo nên bản sắc riêng của KGĐB
mở rộng. Thứ hai, nét đặc trưng của các khu phố này là các món ẩm thực
mang đậm nét tinh tế của người dân Hà thành, đã trở thành thương hiệu
nổi tiếng, đi vào tiềm thức của người dân Hà Nội cũng như du khách
trong, ngoài nước. Qua khảo sát, trong 5 phố có 47/159 cửa hàng mặt phố
kinh doanh ăn uống; 45 hàng ăn uống chỉ bán vào buổi tối. Thứ ba, kết
nối thuận lợi với chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, phù hợp với chủ trương
của TP về mở rộng KGĐB trên địa bàn quận Hoàn Kiếm...
Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, từ các
yếu tố nói trên và từ kinh nghiệm sau 8 năm triển khai chợ đêm Hàng Đào -
Đồng Xuân, công ty đề xuất tạo những không gian ẩm thực tại đây. Để tạo
điểm nhấn, quận khuyến khích các gia đình hai bên mặt phố bán hàng theo
từng cụm nhỏ. Các cụm này không bố trí sát nhau như ở chợ đêm. Đây
chính là cách tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho các nghệ nhân,
các hộ gia đình phát huy nghề ẩm thực, qua đó phát huy các giá trị văn
hóa phi vật thể của di sản này. Ngoài ra, từ kinh nghiệm của một số
nước, KGĐB chỉ hấp dẫn du khách nếu hội đủ 4 yếu tố: chơi-xem-mua
sắm-thưởng thức ẩm thực. Do đó, ngoài bố trí các khu ẩm thực theo chủ
đề, công ty đang nghiên cứu các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc
trưng của Hà Nội. Trên các phố sẽ tổ chức các khu biểu diễn văn hóa
truyền thống ngoài trời không thu tiền như hát chầu văn, ca trù, hát
xẩm... Đồng thời, khôi phục và phát triển làng nghề kim hoàn Hàng Bạc
với các nghệ nhân tham gia trình diễn. Còn nhiều ý tưởng khác nữa, song
trước mắt chỉ nên tập trung vào một số khu vực lõi của phố cổ, từ đó lan
tỏa sang các khu vực khác.
Không đi sao thành đường?
Đó là quan điểm của đại diện các cơ quan quản lý của TP, quận Hoàn Kiếm
và của người dân phố cổ. Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm
nhấn mạnh, 8 năm trước thời gian đầu mới làm chợ đêm Hàng Đào - Đồng
Xuân, cũng nhiều ý kiến bàn ra tán vào, thậm chí phản đối. Hay như khi
triển khai xe ô tô điện phục vụ khách du lịch xung quanh Hồ Gươm và khu
vực phố cổ, ngay cả một số cơ quan nhà nước còn lo ngại ảnh hưởng đến an
toàn giao thông, vệ sinh môi trường, loại xe sử dụng không phù hợp...
Tuy nhiên, đến bây giờ chợ đêm và xe ô tô điện đã trở thành một trong
những sản phẩm du lịch hấp dẫn của phố cổ. Từ thực tiễn đó, quận khẳng
định, đề án mở rộng KGĐB sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận
theo hướng phát triển kinh tế du lịch - thương mại văn minh, hiện đại,
thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua bán và
thưởng thức các món ăn truyền thống. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển
của các ngành nghề dịch vụ -thương mại khác trên địa bàn quận.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, nhiều người dân phố cổ cũng bày tỏ sự ủng
hộ với chủ trương của TP. Bà Nguyễn Thị Huyền (phường Hàng Buồm) cho
rằng, phố cổ Hội An (Quảng Nam) và một số nơi khác ở nước ngoài không
phong phú như phố cổ Hà Nội, nhưng vẫn thành công, thu hút đông du
khách. Phố cổ Hà Nội có bề dày cả ngàn năm tuổi, nếu không làm được sẽ
là lãng phí. Nhưng, để làm được lại đòi hỏi một đề án khoa học, tâm
huyết và một quyết tâm mạnh mẽ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể
và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.
Sở GTVT cũng đang đề xuất cấm đường để tạo lập KGĐB vào 3 ngày cuối tuần
như trong đề án do Công ty CP Đồng Xuân xây dựng (chỉ cấm đường vào
buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, mùa hè từ 19-24h, mùa
đông từ 18-24h). Nhằm giảm tải sức ép giao thông, nhất là chỗ đỗ xe,
ngoài 8 điểm trông giữ xe đã được cấp phép, Công ty CP Đồng Xuân đề nghị
bố trí thêm một số điểm tại phố Đào Duy Từ, Hàng Chĩnh, Phùng Hưng,
Hàng Cá và Nguyễn Hữu Huân. Việc phân luồng giao thông sẽ được UBND quận
phối hợp cùng các ngành liên quan lên phương án chi tiết.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Thủy, không nên quá cầu toàn mà hãy dũng cảm đột
phá trong việc mở rộng KGĐB. Vẫn biết là còn nhiều khó khăn, nhưng khi
bắt tay vào làm, ý thức người dân sẽ có những chuyển biến tích cực, từ
chuyện tham gia giao thông cho đến có ý thức đóng góp vào sự phát triển
chung của Thủ đô. Khi đó, người dân Thủ đô sẽ dần hình thành một thói
quen mới, đó là khám phá KGĐB vào cuối tuần.