Cuốn sách
tập hợp 120 câu nói thông dụng, cửa miệng hiện nay của giới trẻ như
"Ngất ngây con gà tây", "Phi công trẻ lái máy bay bà già", "Thuận vợ
thuận chồng, con đông mệt quá", "Tào lao bí đao", "Tự nhiên như cô
tiên", Xấu nhưng biết phấn đấu", "Đói như con chó sói", “Một con ngựa
đau, cả tàu được thêm cỏ”, “Bộ đội thì phải chơi trội”, “Một điều nhịn
là chín điều nhịn”, “Cái khó ló cái ngu”... Đi kèm mỗi câu nói là một
biếm họa do Thành Phong thực hiện. Sát thủ đầu mưng mủ vừa được phát
hành trong tháng 10-2011.
Ngay khi sách phát hành, nhiều ý kiến tranh cãi đã
diễn ra trên các diễn đàn. Một số độc giả trẻ lên tiếng ủng hộ, hưởng
ứng còn số đông thì phản đối, thắc mắc vì sao sách này được xuất bản?
Trả lời trên một trang báo mạng, họa sĩ Thành Phong
nói rằng cuốn sách chủ yếu là để vui thôi. Còn với ông Vũ Hoàng Giang,
Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất
bản cuốn sách này trả lời trên VTC News đã biện dẫn rằng: “...vô số
những thành ngữ, tục ngữ dân gian cổ truyền của cha ông ta là “nhảm nhí”
và “không có lợi” và “sốc”. Tôi đơn cử: “L… đẹp vì lụa, lúa tốt vì
phân” hay “Văn chương chữ nghĩa bề bề/Thần l… ám ảnh vẫn mê mẩn đời” có
lẽ cũng gây sốc cho không ít người đâu".
Ông Giang cho rằng riêng câu “Đã xấu mà lại còn xa”
thậm chí còn có cả mẫu trong tục ngữ. Đó là “Đã gian lại còn ngoan/Đã đi
làm đĩ lại toan cáo làng!”… Thế còn chê là nhảm thì “Im ỉm như gái ngồi
phải cọc”, “uống rượu ngồi dai, d… mài xuống đất” hẳn cũng khá là nhảm;
rồi những câu như “Không ăn được thì đạp đổ” hay “Không chồng mà chửa
mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường” đều có thể quy là không
lợi cho giáo dục được!...
"Thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của xã hội, của nhiều
người, bao gồm nhiều cái nhìn của nhiều giai tầng. Không thể đơn giản
lấy cái nhìn chủ quan của cá nhân mình để áp đặt mà được. Cuốn “Sát thủ
đầu mưng mủ” rõ ràng là tập hợp của những thành ngữ mới ấy, có phủ nhận
cuốn sách cũng không thể phủ nhận được sự thông dụng và thực tế sử dụng
phong phú và thông dụng của chúng của cả giới trẻ lẫn người lớn ở ngoài
kia! Các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”
hầu hết đều có tần suất sử dụng rất lớn", ông Giang kết luận.
Những lời biện luận của ông Giang như thêm dầu vào
lửa. Có nhiều ý kiến chỉ trích ông Giang đã cố tình xuyên tạc câu tục
ngữ "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" theo nghĩa tục tĩu để biện hộ
cho cách nhìn lệch lạc của mình.
Rõ ràng dù có biện luận thế nào chăng nữa, người đọc
vẫn không thể chấp nhận những câu nói chỉ lưu truyền trong sinh hoạt đời
thường của một bộ phận giới trẻ được xuất bản thành sách. Cũng
như chuyện tiếu lâm có nội dung dung tục vẫn được lưu truyền trong dân
gian từ đời này qua đời khác nhưng không vì thế mà xuất bản thành
sách được.
(Theo nld.com.vn)