 |
Một cơ sở khai thác dầu của Eni ở Libya - Ảnh: AP |
“Những nước như Pháp, Ý, Anh và Mỹ sẽ cạnh tranh việc
thăm dò và khai thác các mỏ dầu”, trang mạng Trend dẫn lời nhà kinh tế
Ahmed al-Sayed Al-Nagger thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính
trị Ai Cập bình luận.
“Trong chiến dịch quân sự, NATO đã cố tình không kích
vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ khiến Libya cần đầu tư nước ngoài và viện
trợ từ phương Tây để khôi phục sản xuất của ngành kinh tế xương sống này
sau chiến tranh. Chính quyền mới có lẽ sẽ không duy trì ngành dầu mỏ
trong tay nhà nước như trước kia, vì họ không có đủ năng lực khai thác.
Libya sẽ cần đầu tư nước ngoài”.
Libya xếp thứ tám về sản lượng dầu thô trong số 12 nước
thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đứng thứ ba ở châu Phi về sản
lượng dầu, sau Nigeria và Angola, theo Trend. Trước chiến tranh, những
nước nhập khẩu dầu chính của Libya là Ý, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Trữ
lượng hiện tại của nước này ước tính 45 tỉ thùng với mức khai thác trước
chiến tranh là 1,5 triệu thùng/ngày.
Mức khai thác giảm mạnh do chiến sự và theo lời người
đứng đầu Công ty dầu khí quốc gia mới được bổ nhiệm Nuri Beruin, phải
mất sáu tháng nữa Libya mới đạt lại mức khai thác từ 800.000-1 triệu
thùng/ngày.
Các công ty phương Tây đang háo hức nhảy vào cuộc bao
gồm Eni của Ý, Total của Pháp, Conoco Phillips, Marathon, Hess và
Occidental đều của Mỹ, với Eni được dự báo là nhân tố chủ chốt. Ngoài
ra, BP của Anh và Royal Dutch Shell cũng đã cam kết hàng tỉ USD các dự
án thăm dò với chính quyền cũ.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo kinh
tế Libya đã mất 50% trong năm 2011 sau tám tháng chiến tranh khiến ngành
dầu mỏ, chiếm hơn 70% GDP và 95% kim ngạch xuất khẩu, tê liệt.
(Theo Tuoitre.vn)