Lo ngại nước nhiễm Asen tại Hà Nội
Cơ quan chức năng cho biết cả hai hiện tượng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan trong tương lai.
 |
Bà Trần Thị Huệ. |
Bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác Tài nguyên nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước, trao đổi với Tiền Phong.
Tại khu vực phía Bắc, mực nước ngầm ở tầng holocen thấp
hơn trung bình nhiều năm từ 0,23 - 0,35m. Tầng nước ngầm ở tầng khai
thác nước chủ yếu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,31 đến 1,47m.
Mực nước hạ thấp sâu tại một số điểm như Hà Nội, Nam
Định, Thái Bình. Một số nơi như Hải Hậu (Nam Định), Quỳnh Phụ (Thái
Bình), mực nước hạ thấp tối đa 50m, được cảnh báo nguy cơ xâm nhập mặn.
Với đà này, cư dân Thủ đô liệu có phải đối mặt nguy cơ thiếu nước?
Tại Hà Nội, những khu vực xa sông, khai thác nhiều thì
thường rơi vào tình trạng này. Có thể kể bãi giếng Hạ Đình, Tương Mai là
các bãi giếng xây dựng lâu, lại xây quá gần nhau và ở xa sông. Một
trong hai bãi giếng chặn dòng chảy từ sông vào nên bãi giếng phía trong
không có nguồn bổ cập nước, khiến mực nước càng bị hạ thấp.
May mắn là Hà Nội hiện vẫn là khu vực giàu có về nước.
Nhưng không thể vì thế mà chủ quan, khai thác bừa bãi. Phải tìm cách
khai thác và bảo vệ cho hợp lý.
Tốt nhất nên xây dựng hai hệ thống: nước ngầm và nước
mặt. Khi nước sông xuống thấp, vẫn có nước ngầm dự trữ và ngược lại.
Ngoài ra cần phân chia việc sử dụng nước cho các mục đích khác nhau. Khi
cần nước chất lượng không cao, có thể dùng nước mặt. Còn lại dùng nước
ngầm. An ninh nguồn nước cần phải có hệ thống dự phòng.
Hàm lượng asen trong nước ngầm tại Thủ đô đặc biệt cao có thể gây ra những hậu quả gì cho sức khỏe người dân?
Asen của Hà Nội đúng là vấn đề lớn. Hàm lượng asen cao
gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép ở Quốc Oai (Hà Nội), hàm lượng amoni trung
bình vượt tiêu chuẩn cho phép tới 233 lần tại Đan Phượng (Hà Nội).
Đánh giá chung của các nhà khoa học và quốc tế là do
nhiều nguồn gây ra. Nguyên nhân cục bộ do con người như sử dụng quá mức
phân bón, thuốc trừ sâu, đốt than, xỉ…. Nhưng trên toàn vùng thì chủ yếu
do địa chất, trong đất chứa quặng sắt.
Theo các nhà khoa học, sử dụng nước nhiễm asen có thể
gây ra các bệnh ngoài da như biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hoá, ung thư
da... Về lâu dài, cũng có thể gây hại nhiều hệ cơ quan thần kinh, đái
tháo đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai...
Cảm ơn bà.
(Theo Tienphong.vn)