Theo đó, Hà Nội thống nhất chia làm 3 nhóm đối tượng chính để tiến hành
điều chỉnh, thay đổi giờ làm giờ học, gồm học sinh, sinh viên các trường
Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các
trường phổ thông trung học (nhóm 1); Các trung tâm thương mại, cơ quan
dịch vụ, tài chính ngân hàng (nhóm 2); Các đối tượng công chức, viên
chức, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở... (nhóm
3).
Từ sự phân nhóm trên, sau khi cân nhắc lợi, hại giữa các nhóm phải điều
chỉnh, Hà Nội đã quyết định điều chỉnh thời gian làm việc, học tập cụ
thể đối với từng nhóm như sau: Với nhóm 1, thời gian vào lớp 7 giờ, thời
gian tan trường 18 giờ; Nhóm 2, thời gian mở cửa sau 9 giờ, thời gian
đóng cửa sau 19 giờ; nhóm 3 thời gian làm việc và học tập giữ nguyên
khung giờ như hiện tại, sáng làm việc từ 8 giờ, chiều tan ca 17 giờ.
Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện của từng trường, đơn vị soạn thảo cũng
yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội điều chỉnh cục bộ giờ vào học, tan
học của từng trường để đảm bảo ít ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh.
Phối hợp với Công an thành phố, Sở GTVT và UBND các quận huyện có phương
án đảm bảo giao thông tại khu vực các trường học.

Hà Nội vừa thống nhất sẽ không thay đổi giờ của cán bộ, công chức.
Cùng với phương án trên, đề xuất cũng đưa ra phương án điều chỉnh giờ,
tuần suất hoạt động của nhiều tuyến buýt. Cụ thể, vào các khung giờ cao
điểm khi thực hiện việc đổi giờ sẽ được kéo dài thêm một giờ so với hiện
tại.
Mục đích chính để tăng cường khả năng phục vụ các đối tượng tham gia
giao thông, đồng thời góp phần giải toả về lưu lượng phương tiện, nghiên
cứu điều chỉnh lưu lượng xe buýt trong giờ cao điểm nhằm giảm mật độ
trong khoảng thời gian trong khung giờ cao điểm, sáng từ 6 đến 9 giờ,
chiều từ 4 đến 19 giờ.
Như vậy, theo phương án dự tính ban đầu tại cuộc họp lấy ý kiến các ban
ngành của Sở Giao thông vận tải, phương án được lãnh đạo thành phố thống
nhất phê duyệt không có sự thay đổ so với dự kiến của Sở Giao thông vận
tải.
Hiện phương án này đang được Hà Nội hoàn thiện thành đề án riêng để
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo lãnh đạo Hà Nội, đề án này sẽ
hoàn toàn độc lập với đề án của Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó, không chờ Hà Nội đề xuất ý kiến, Bộ Giao thông vận tải đã có
văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án điều chỉnh giờ làm, giờ
học tại Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông.
Theo đó phương án thứ nhất được đề xuất là: Cán bộ công chức các cơ quan
Trung ương thời gian làm việc buổi sáng sẽ bắt đầu từ 9h-12h, chiều từ
13h-18h; CBCC Hà Nội sáng từ 8h30 – 12h, chiều từ 13h-17h30; Học sinh
mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h sáng đến 17h30 chiều; Học sinh THPT
sáng từ 7h – 11h, chiều từ 12h30-16h30;
Sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân học sáng từ
6h-11h, chiều từ 12h-17h; Sinh viện đại học khu vực quận Đống Đa, Hai Bà
Trưng sáng học từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; các Trung tâm thương mại mở
cửa từ 9h30 – 23h.
Ở phương án thứ 2, các đối tượng cán bộ công chức các cơ quan Trung
ương, Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm kinh
doanh thương mại giữ nguyên như phương án 1. Riêng đối tượng sinh viên
đại học 4 quận nội thành được điều chỉnh như sau: Quận Cầu Giấy và Thanh
Xuân sáng từ 7h-12h, chiều từ 13h-18h; Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng
sáng từ 8h-13h, chiều từ 14h -19h.
Hiện đề xuất của Bộ Giao thông đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.