 |
Hệ thống đèn THGT đặt không hợp lý ở chân cầu Chánh Hưng (quận 8) là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn. |
Đèn THGT gây tắc đường, tai nạn
Thời gian qua, báo chí và dư luận liên tục phản ánh tình trạng đèn THGT
trên địa bàn TP được đặt không đúng chỗ đã gây tắc đường hoặc tai nạn
giao thông. Đáng kể là hệ thống đèn THGT ở chân cầu Chánh Hưng (quận 8)
đoạn giao lộ đường 12 với đường Phạm Hùng. Không ít chuyên gia trong
lĩnh vực giao thông cho rằng, cầu Chánh Hưng sai về thiết kế kỹ thuật,
vì theo nguyên tắc, dốc cầu chỉ được cao khoảng 15o so với mặt đường,
nhưng thực tế ở cầu Chánh Hưng dốc cầu cao hơn nhiều so với quy định,
không những thế ở chân dốc lại có một ngã tư đèn đỏ. Anh Hùng, một người
dân sống ở chân cầu nói: "Khi có tín hiệu đèn đỏ, dòng xe tải, xe buýt,
xe con, xe máy hướng từ đường Nguyễn Văn Linh về quận 5 phải dừng giữa
dốc cầu. Nhiều xe không phanh kịp đã gây ra tai nạn giao thông, nhất là
với xe ba gác chở nặng, cồng kềnh. Khổ nhất là vào giờ cao điểm khi
lượng người tham gia giao thông qua cầu quá tải, cực kỳ nguy hiểm!".
Theo thống kê của CSGT Công an quận 8, từ khi cầu được đưa vào sử dụng
(tháng 9-2003) đến nay, mỗi năm tại "điểm đen" này đều có vài người chết
vì tai nạn giao thông.
Không chỉ đặt "nhầm" chỗ, nhiều tuyến đường ở TP đèn THGT "chết" cả năm
mà chẳng thấy cơ quan nào đứng ra sửa chữa. Tại một số ngã ba, ngã tư
trọng điểm ở trung tâm TP như Cách mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân, Trần
Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, Lê Thánh Tôn - Thái Văn Lung (quận 1), hay
một số nút giao thông khác như Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh)... thường
xuyên tắc đường giờ cao điểm do hệ thống đèn THGT không "làm việc". Tại
đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ Bưu điện quận 5 đến Bến xe Chợ Lớn có
nhiều điểm giao cắt, lưu lượng xe qua lại rất đông nhưng cũng tuyệt
nhiên không có bất cứ một hệ thống đèn THGT nào.
Ai chịu trách nhiệm?
Trong khi nhiều nơi rất cần nhưng không có, một số nơi đèn THGT lại chỉ
như vật trang trí. Ví dụ như nút giao thông hai đầu cầu Chà Và thuộc
quận 5 và quận 8. Theo quy hoạch phân luồng giao thông ban đầu, hai đầu
cầu Chà Và sẽ là những nút giao thông quan trọng. Tuy nhiên, việc bố trí
nút giao thông ngay hai đầu cầu khiến cho tình trạng tắc đường nghiêm
trọng hơn. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng buộc phải
đóng hai nút giao thông này lại. Sự điều chỉnh khiến cho những cột đèn
THGT ở đây vừa "khai sinh" đã vội "khai tử".
Thống kê mới đây của Sở GTVT, toàn TP có hơn 1.400 giao lộ nhưng chỉ 590
giao lộ có đèn THGT, đã cho thấy thực trạng thiếu trầm trọng đèn THGT
hiện nay. TP hiện tồn tại 2 hệ thống đèn THGT hoạt động độc lập gồm: 400
đèn THGT do các Khu Quản lý giao thông đô thị quản lý và 159 đèn do
Công an TP quản lý, khai thác thông qua Trung tâm điều khiển THGT (thuộc
Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng công cộng TP). Song, toàn bộ 159
đèn THGT do Công an TP quản lý đều trục trặc. Cụ thể, trong 159 đèn có
tới 48 chốt (lắp đặt từ năm 1998 bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp,
đưa vào khai thác năm 2000) hiện… "đắp chiếu" vì bị mất tần số, còn 111
chốt đèn lắp đặt từ năm 2002 (bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đưa
vào khai thác tháng 6-2005) cũng hư hỏng do các đơn vị thi công đào
đường làm đứt hệ thống cáp nối từ chốt đèn về trung tâm điều khiển. Điều
đáng nói hai hệ thống này hoạt động riêng rẽ, không thống nhất, tạo nên
sự khó chịu cho người tham gia giao thông.
Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng công cộng TP là đơn vị duy nhất
được lựa chọn quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng,
đèn THGT… của TP. Song, khi đề cập những thắc mắc trên thì đại diện
công ty cho hay: "Chúng tôi chỉ là người làm thuê, việc đèn THGT hỏng
hay không hoạt động là do các Khu Quản lý giao thông đô thị TP". Phóng
viên Hànộimới liên lạc với đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 1
và nhận được câu trả lời: "Việc đặt đèn THGT không đúng chỗ là chuyện
bình thường, không đúng thì đặt lại có sao đâu? Đèn hỏng thì sửa chữa
dần dần". Phải chăng sự đùn đẩy "quả bóng" trách nhiệm giữa các cơ quan
hữu quan đã khiến cho nhiều cột đèn THGT chỉ dùng để… làm cảnh?