Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 03/11/2011 08:33
Thảm họa “thành ngữ” trong sách “Sát thủ đầu mưng mủ”
Sách "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa ra mắt đã bị nhà xuất bản Mỹ Thuật yêu cầu dừng phát hành. Cục trưởng Cục xuất bản đã chỉ đạo NXB Mỹ Thuật giải trình về bộ sách tranh "Sát thủ đầu mưng mủ".
Sau đó, NXB Mỹ Thuật đã yêu cầu đơn vị đối tác, công ty Nhã Nam ngừng phát hành cuốn sách này. 
Sách này có lời mào đầu "rất kêu", rằng đây là cuốn sách "độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu", trong lịch sử xuất bản nước ta chưa có cuốn nào như cuốn này, chưa có cuốn nào "bén gót" cuốn này.

Bìa sách "Sát thủ đầu mưng mủ"

Sách này dành cho lứa tuổi từ 15 trở lên, được in 5000 cuốn (trong đó có 50 bản in đặc biệt, chất lượng giấy tốt hơn), sách bán với giá 45.000đ/cuốn. Cần nói thêm, có lẽ những người làm sách sớm ý thức được rằng, bỏ ra số tiền 45.000đ là không rẻ để rước thứ… "tào lao" này về. Nên họ đã rất "cáo" khi đánh vào "sĩ diện" của các bạn trẻ, và thổi phồng lên rằng sách này thực sự là một món "hàng hiệu", mất 45.000đ cho một món "hàng hiệu" chất lượng "vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị" thì… "phải quá rồi", lăn tăn gì nữa. Ăn chơi sợ gì mưa rơi???

Mặc dù đã bị cấm lưu hành nhưng đến ngày 29-10-2011 PV báo PL&XH vẫn thấy sách này bán tràn lan trên các của hàng sách tại phố Đinh Lễ. Một chủ cửa hàng sách tại đây cho biết: "Sách này đã bị cấm lưu hành, cấm bán, tôi chỉ còn một ít… bán nốt. Định lấy thêm nhưng không được, anh mua đi về làm… kỷ niệm".


Tranh minh họa "thành ngữ" trong sách "Sát thủ đầu mưng mủ"

Thấy người bán hàng nói "bùi tai" quá, tôi "tặc lưỡi" bỏ ra 45.000đ (không được giảm giá như thường lệ), để rước "kỷ niệm" này về, cũng muốn xem cụ thể ra sao, hay sách bị người ta nói oan.

Quả thật tôi không thể tưởng tượng nổi những điều nhảm nhí như thế lại được… in thành sách, có quyết định xuất bản hẳn hoi. Hài hước hơn là những câu nói tào lao vô bổ và liến láo cũng được gọi là "thành ngữ", hơn nữa lại không dừng lại ở mức bình thường đâu nhé, đây là "thành ngữ sành điệu" cơ.

Tôi được biết Thành ngữ (và cả Tục ngữ) là những sáng tác dân gian, thường không diễn đạt ý nghĩa thông thường (nghĩa đen), đó là những câu ngắn gọn có vần điệu, đúc kết tri thức kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân, hoặc mang ý nghĩa khuyên răn mọi người.


Dù vậy tôi vẫn kiên nhẫn đọc hết những câu mà các nhà làm sách "Sát thủ đầu mưng mủ" gọi là "thành ngữ". Đa phần trong sách này là những câu nói vần vè theo kiểu vô bổ, vô thưởng vô phạt thậm chí hết sức nhảm nhí tào lao. Không rõ những "thành ngữ" kiểu này mang ý nghĩa gì: "Chảnh như cá cảnh; Buồn như chuồn chuồn; Bực như con mực; Bó tay con gà quay; Bét nhè con gà què; Tào lao bí đao"… còn rất nhiều những câu khác, kiểu như vậy nhưng bài báo có hạn, tôi xin phép không trích dẫn thêm.

Công bằng mà nói, cuốn sách này có mang hơi hướng giải trí, thông qua những nét vẽ hài hước, qua những câu nói vần vè ngây ngô để chọc lét. Cũng phải nói rằng có một vài câu tiếp cận được đến mức độ thành ngữ (dù chưa hay), ví như: "Sáng soi, trưa đánh, tối chờ, cầm tờ kết quả cứ đờ mặt ra"; hoặc "cố quá thành quá cố". Đáng tiếc cả cuốn sách gồm 119 câu, chỉ có vài câu như vậy, phần nhiều hơn là những câu nói vần vè, cố tình xuyên tạc thành ngữ tục ngữ một cách sống sượng, như những ví dụ sau: "Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ; Một điều nhịn là chín điều nhục; Hận đời cắt tóc đi tu nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn; Không mày đố thày dạy ai; Tôi yêu Việt Nam… đồng; Yêu nhau trong sáng phang nhau trong tối; Thuận vợ thuận chồng con đông mệt quá…".


Những câu được gọi là "thành ngữ" kiểu như trên có minh họa bằng tranh… "rất ngầu". Trước hết là chân dung của "Sát thủ đầu mưng mủ", đó là một thanh niên mang phong cách "xã hội đen", quần áo đen, kính đen, trên đầu có nhiều cao dán (chắc bị người ta đập), tay cầm khẩu súng đang bốc khói, bước đi bỏ lại sau lưng một nạn nhân người lỗ chỗ vết đạn, mắt trợn trừng, không rõ đang run rẩy hay hấp hối.

Hoặc tranh minh họa một võ sĩ Samurai mình trần trùng trục đang… viết di chúc trước khi thực hiện nghi thức "mổ bụng". Dưới tranh này được minh họa bằng câu: "chuẩn không cần chỉnh". Phải chăng người làm sách muốn khuyến khích người ta tự tử??? Câu "không mày đố thày dạy ai" được minh họa bằng hình ảnh thầy giáo khóc sướt mướt trước lớp học không có một học sinh nào. Câu "lính mà phải tính" là hình ảnh một người đang xả súng ào ào về phía trước. Chưa hết, câu "Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ", minh họa một đàn ngựa vui sướng cúi đầu trong máng đầy cỏ, trong khi một con ngựa khác bị què chân tỏ ra rất rầu rĩ. Đặc biệt câu "nhan sắc có hạn thủ đoạn vô biên" vẽ cảnh một chàng trai đang đỡ một cô gái ngất xỉu, không biết ngất vì rượu hay thuốc mê?

Không rõ những người làm sách có dụng ý gì, khi đến trang cuối cùng lại cho nhân vật "sát thủ đầu mưng mủ" tay cầm súng giấu sau lưng, đứng trước một cánh cửa, và không quên "nhắn nhủ, nhắc nhở" độc giả bằng câu nói: "Đây là trang cuối cùng. Gập sách lại và mở cửa ra".

Nhìn các tranh minh họa cho những "thành ngữ" như trên quả thật tôi không hiểu…

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất bản cuốn sách này trả lời trên báo chí rằng: "...vô số những thành ngữ, tục ngữ dân gian cổ truyền của cha ông ta là "nhảm nhí" và "không có lợi" và "sốc" (???)

Dù gì thì cuốn sách đã ra thị trường. Tuy nhiên rất nhiều người chung ý kiến phản đối việc ra đời của cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ", trong đó có không ít phụ huynh bức xúc về cuốn sách này. "Không thể chấp nhận được, phải cho cấm phát hành và thu hồi toàn bộ lại, xử lý những người có liên quan. Không thể để thế hệ trẻ học thêm những câu chữ như vậy. Ca dao Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam hay là thế sao lại bóp méo nó đi cơ chứ" - Rất nhiều người có chung quan điểm như trên.

Sỹ Hào
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)