Báo cáo hạt nhân của IAEA: Chưa ra đã gây sóng gió
Dự kiến ngày 8 hoặc 9-11, IAEA cung cấp cho các thành
viên báo cáo về những chỉ số mới liên quan cố gắng của Iran để phát
triển đầu đạn hạt nhân và số lượng lớn tên lửa có thể chuyên chở số đầu
đạn này, theo thông báo của các nhà ngoại giao. Thông báo đưa ra trước 1
tuần diễn ra cuộc họp thường quý của 35 quốc gia thành viên ở Áo.
Tuy vậy, ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc IAEA, phát
biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, còn quá sớm để rút kết luận;
báo cáo có thể làm gia tăng căng thẳng vùng Trung Đông. Nhưng nhiều quốc
gia trông đợi báo cáo này, hứa hẹn gia tăng tiếng nói thành viên IAEA
nhiều năm qua, cáo buộc Iran tiến hành chương trình phát triển uranium,
thử nghiệm chất nổ hạng nặng và thay đổi đầu tên lửa để mang đầu đạn hạt
nhân.
Có nguồn tin cho hay, báo cáo này cũng bao gồm những
thông tin trước và sau năm 2003 - thời điểm điệp viên Mỹ đưa ra trong
đánh giá gây tranh cãi năm 2007, rằng Iran hoàn toàn tạm dừng công việc
phát triển vũ khí hạt nhân. Khi ấy, nhiều chuyên gia bảo thủ chỉ trích
Mỹ công bố những nghiên cứu không chính xác, ngây thơ khi tin các lãnh
đạo Iran.
“Những thông tin mới có khả năng làm rõ các hành động
của Iran sau năm 2003… Iran được xem là tiếp tục hoặc tái khởi động vài
nghiên cứu và phát triển chương trình kể từ đó”, Peter Crail của Hiệp
hội Giám sát Vũ khí nói. Nguồn tin thân cận với IAEA cho rằng, nhiều
thông tin càng tăng thêm cáo buộc Iran xây dựng kho bằng thép để thực
hiện thí nghiệm với chất nổ hạng nặng áp dụng với vũ khí hạt nhân.
Tài liệu sẽ cung cấp những bằng chứng mới về nghiên cứu
và các hoạt động khác liên quan chế tạo bom nguyên tử như phát triển
kích nổ bom nguyên tử, mô hình máy tính về vũ khí hạt nhân…
Nhiều cường quốc phương Tây muốn có được bản báo cáo
của IAEA để gia tăng trừng phạt Iran. Nhưng Nga và Trung Quốc lo ngại,
kết quả công bố của IAEA làm tổn thương những nỗ lực ngoại giao từ lâu
chống lại cuộc chạy đua hạt nhân, đồng thời phản đối các biện pháp trừng
phạt mới của Liên Hợp Quốc dành cho Iran.
“Báo cáo này dẫn đến việc Mỹ, Liên minh châu Âu đòi
thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới dành cho Iran tại Hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc, nơi nhận được sự phản đối mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc”,
Trita Parsi, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ - Iran, nói.
Về phía Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Ali Akbar Salehi
ngày 6-11 nói rằng, báo cáo đó dựa trên tài liệu giả. “Chúng tôi khẳng
định những văn bản này không đúng và chúng tôi nhắc lại tài liệu vô căn
cứ. Nhưng nếu IAEA vẫn khăng khăng muốn sử dụng số tài liệu này, chúng
tôi sẵn sàng đối mặt một lần nữa”, ông Salehi nói.
Tổng thống Israel Shimon Peres hôm 5-11 thêm dầu vào
lửa, cho rằng ngày càng có thể khẳng định Iran phát triển vũ khí hạt
nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Avigdor Liebermann nhận định, báo cáo
của IAEA làm sáng tỏ mục đích chương trình hạt nhân của Iran. Teheran
thời gian qua vẫn phủ nhận đang phát triển vũ khí hạt nhân, khẳng định
chỉ dùng hạt nhân để sản xuất điện.
Một quan chức quân đội cấp cao Mỹ cuối tuần qua nói,
Iran trở thành hiểm họa lớn nhất của Mỹ, trong khi chính quyền Israel
thông báo trước khả năng một cuộc tấn công quân sự dành cho Iran. Israel
từng ném bom lò phản ứng hạt nhân Iraq năm 1981, phát động cuộc tấn
công tương tự nhằm vào Syria năm 2007.
Tuy nhiên, các nhà phân tích độc lập cho rằng, Israel
khó lòng thực hiện nhiệm vụ này một mình, bởi nước này thiếu các máy bay
ném bom tầm xa. Nhưng Mỹ có thể xem phản ứng của Israel như là chiến
thuật buộc Liên minh châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn
về kinh tế, chính trị dành cho Iran.
(Theo Tienphong.vn)