Bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Do
ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; các
tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ do chịu ảnh hưởng kết hợp với rãnh áp thấp
qua Trung Trung Bộ nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Gió chuyển
hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4- 5. Vịnh Bắc
Bộ và vùng biển phía bắc Biển Ðông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió
đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa rào và dông rải
rác. Biển động mạnh.
Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh tiếp tục lên nhanh. Tối
7-11, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 5,0 m, ở mức BÐ2; sông
Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 4,7 m, trên BÐ2: 0,7 m; sông Bồ tại Phú Ốc: 4,2
m, dưới BÐ3: 0,3 m; sông Hương tại Huế: 3,5 m, ở mức BÐ3; sông Vu Gia
tại Ái Nghĩa: 9,2 m, trên BÐ3: 0,2 m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,5 m,
trên BÐ2: 0,5 m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 5,5 m, trên BÐ2: 0,5
m; sông Vệ lên mức 4,0 m, dưới mức BÐ3: 0,5 m; sông Kôn tại Thạnh Hòa:
7,6 m, dưới BÐ3: 0,4 m. Do đó các địa phương trong khu vực này cần phải
đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi và ngập lụt ở vùng
trũng, đồng bằng.
Tại khu vực miền trung, các hồ chứa nước thủy lợi đang hoạt động bình
thường, một số hồ chứa đã đầy và đang xả tràn như: hồ Hòa Trung, huyện
Hòa Vang vượt mực nước dâng bình thường 30cm và đang xuống. Các hồ thủy
điện Sê San, An Khê, KaNak và Sông Tranh 2 có thông báo về việc xả lũ,
trong đó hồ Sông Tranh 2 dự kiến xả với lưu lượng từ 2.000 đến 4.000
m3/s (lưu lượng đến hồ khoảng 2.200 m3/s).
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiếp tục
triển khai các biện pháp đối phó tình hình thời tiết xấu trên biển và
mưa, lũ trên đất liền theo nội dung Công điện số 42/CÐ-T.Ư ngày
5-11-2011 của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBT.Ư. Tại Thừa Thiên - Huế, có
mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được sáng 7-11 tại Thượng Nhật trên sông
Tả Trạch là 669 mm, Khe Tre (Nam Ðông) là 787 mm. Hiện nay lũ ở hầu hết
các con sông ở Thừa Thiên- Huế đều dao động ở mức báo động 3. Mực nước
các hồ chứa thủy điện Bình Ðiền, Hương Ðiền đạt đỉnh; riêng hồ Truồi đạt
38,2 m, vượt tràn 2,2 m; hồ Hòa Mỹ 35,73 m, vượt tràn 0,73 m. Ở thành
nội Huế, nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Các tuyến tỉnh lộ 4 (km6+400),
(km13+100) ngập sâu 1 m; tỉnh lộ 8A, 8B qua địa phận các huyện Quảng
Ðiền, Phong Ðiền, Hương Trà ngập sâu từ 0,5 m đến 1 m; giao thông ách
tắc, người dân phải sử dụng thuyền làm phương tiện đi lại chủ yếu. Ðoạn
bờ sông Hương qua thôn Long Hồ Thượng bị sạt lở trên tổng chiều dài 30
m, uy hiếp sản xuất và đời sống của khoảng 100 hộ dân. Ðến sáng 7-11 đã
tổ chức di dời khẩn cấp năm hộ dân.
Ngày 7-11, tại Ðà Nẵng có mưa rất to, kéo dài từ sáng đến đêm khuya.
Hầu hết các tuyến phố chính đều bị ngập nước, đường Trần Cao Vân, Hà Huy
Tập, Ðiện Biên Phủ nhiều đoạn ngập hơn 1 m. Ðường Nguyễn Văn Linh, đoạn
giao nhau với Lê Ðình Lý kéo dài đến đường Hùng Vương bị nước hồ Vĩnh
Trung tràn lên hơn 1 m.
Nhiều khu dân cư cũng bị ngập sâu do triều cường, mưa lớn khiến nước
không thể thoát. Tại tổ 9 phường An Hải Bắc chỉ cách cầu Sông Hàn gần
300 m, một số nhà dân bị nước tràn vào hơn 1 m, đường bê-tông trong khu
dân cư ngập hơn 1,5 m. Các tổ 51, 52, 53, 54 phía sau Nhà máy giày da
Quốc Bảo (quận Sơn Trà), hàng trăm ngôi nhà trong vùng chờ giải tỏa bị
ngập nước.
Ðể bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn có thể xảy ra, từ sáng 7-11,
huyện Hòa Vang đã cho học sinh tất cả các trường nghỉ học cho đến khi
nước rút.
Hiện ở một số khu vực có nguy cơ ngập sâu kéo dài đã tạm thời được
cắt điện đề phòng nguy hiểm tính mạng cho người dân. Trong đêm, các lực
lượng cứu hộ của chính quyền địa phương, công an, quân đội đã xuống địa
bàn giúp người dân vận chuyển, di dời đồ đạc đến nơi khô ráo.
Tại Quảng Nam, nước sông dâng cao, nhiều khu dân cư đã bị ngập nước,
người dân phải tạm sơ tán đi nơi khác. Tại các huyện miền núi: Bắc Trà
My, Nam Trà My, Tây Giang... mưa lũ đã làm cho nhiều tuyến đường đi các
xã vùng núi cao bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông; khu dân cư ở
nhiều nơi bị cô lập. Huyện Nam Trà My đã thực hiện di dời khẩn cấp 12
hộ dân đến nơi an toàn. Mưa lũ đã cuốn chết hai người, một người tại xã
Ðại Minh, huyện Ðại Lộc và một người trú tại thôn Lãnh Thượng 1, thị
trấn Ðông Phú, Quế Sơn.
Tại Quảng Ngãi, có mưa vừa đến mưa to gây ra lũ cục bộ. Nhiều hồ chứa
nước hiện nay đang ở mức gần vượt cao trình. Riêng mực nước ở hồ Liệt
Sơn, huyện Ðức Phổ đã vượt cao trình 39,4 m. Ðể tránh tình trạng lũ tràn
bờ, chiều 7-11 hồ Liệt Sơn bắt đầu tiến hành xả lũ, với lưu lượng là
290 m3/giây. Hiện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã
phối hợp huyện Ðức Phổ thông báo cho hàng trăm hộ dân ở vùng hạ lưu biết
để có các biện pháp ứng phó, tránh bị động khi nước dâng. Thời gian xả
lũ dự kiến từ 3 đến 7 ngày.
Tại Bình Ðịnh một số tuyến đường nội thành Quy Nhơn bị ngập úng cục
bộ do mưa to trưa 7-11. Một số xã khu đông như Phước Hòa, Phước Thắng,
Phước Sơn, Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng,
huyện Phù Cát bị chia cắt. Nhiều tuyến giao thông liên xã và tỉnh lộ
DT640, DT 636B Gò Bồi đi Bình Ðịnh... nước ngập sâu từ 0,5 đến 0,7 m, bà
con phải dùng thuyền để lưu thông. Các ngành chức năng và nhân dân các
địa phương đang tăng cường ứng trực và vận dụng phương châm "bốn tại
chỗ" nhằm hạn chế thiệt hại.
Tại Bình Thuận, khoảng 1 giờ ngày 7-11, tại khu vực vùng biển xã Bình
Thạnh, huyện Tuy Phong đã xảy ra gió giật mạnh và đổi hướng làm 21 tàu
cá đang neo đậu bị đứt neo, trôi dạt vào bờ, va đập vào kè chắn sóng gây
thiệt hại gần một tỷ đồng. Trong số này, có 11 tàu cá bị vỡ vỏ, chìm,
mới tổ chức trục vớt được sáu chiếc.
UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Thú y tỉnh
triển khai cấp bách và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch lở mồm
long móng gia súc trên địa bàn tỉnh. Tại Gia Lai, dịch lở mồm long móng
gia súc đã tái phát tại xã Ia Ðrăng, huyện Chư Prông từ ngày 25-10 đến
nay đã làm 38 con bò của 24 hộ bị mắc bệnh. Tỉnh yêu cầu các địa phương
đang xảy ra dịch lở mồm long móng phải tiến hành cắm biển báo vùng dịch,
tổ chức chốt chặn không cho vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch; đồng
thời, triển khai các biện pháp khử trùng tiêu độc, nuôi nhốt cách ly gia
súc bệnh để chữa trị.
Động đất yếu, nhẹ (3,5 độ rích-te) tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần -
Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào hồi 23
giờ 25 phút (giờ GMT) tức 6 giờ 25 phút (giờ Hà Nội) ngày 7-11, một trận
động đất có cường độ 3,5 độ rích-te đã xảy ra tại khu vực huyện Vĩnh
Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,05 độ vĩ
bắc, 105,68 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, gây nên rung
động cấp IV. Trận động đất này thuộc đới đứt gãy Sơn La. Đây là đới đứt
gãy từng xảy ra trận động đất Tuần Giáo (Lai Châu) vào năm 1983 với
cường độ lên tới 6,8 độ rích-te. Nhiều người dân tại khu vực chấn tâm
động đất cảm thấy được rung động nhẹ. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là
một trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại.
|
(Theo Nhandan.org.vn)