Trước hết, ngành thép đang chịu tác động mạnh từ sự suy giảm nhu cầu
tiêu thụ của sản phẩm thép cán xây dựng. Nhìn chung, mức tiêu thụ 10
tháng qua đã giảm so với cùng kỳ năm trước do thị trường trong nước bị
thu hẹp vì các công trình xây dựng chưa thể đẩy nhanh tiến độ dưới ảnh
hưởng của thời tiết (các tỉnh miền Bắc, miền Trung và vùng Đồng bằng
sông Cửu Long đang bị mưa lũ) cũng như do ảnh hưởng từ việc thực hiện
Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công. Lượng thép xây dựng
tồn kho tính đến đầu tháng 10 tiếp tục tăng, lên tới khoảng 400 ngàn
tấn thép xây dựng và khoảng gần 500 nghìn tấn phôi thép.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
Ngành dệt may tuy vẫn là "anh cả đỏ"
trên mặt trận xuất khẩu nhưng đang phải đối phó với một số bất lợi trên
diện rộng. Theo đó, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị
giảm đơn hàng 15% - 20% so với cùng kỳ năm trước do sức tiêu thụ của thị
trường quốc tế thu hẹp. Mặt khác, đến nay ngành dệt may vẫn phụ thuộc
nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu, chưa chủ động được nguồn cung nên
không đạt được giá trị gia tăng cao. Đây là tồn tại từ lâu, đến nay tình
hình vẫn chưa được cải thiện.
Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu hàng dệt may các tháng cuối năm sẽ khó
khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu… từ hai thị
trường chính là Mỹ và EU. Diễn biến sẽ còn phức tạp hơn khi các nước như
Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá nên các DN Việt Nam sẽ chịu sự
cạnh tranh quyết liệt.
Ngành giấy cũng bị chao đảo vì từ đầu quý III buộc phải tiết giảm sản
xuất do sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho tăng. Các DN chủ trương tính
phương án "chắc", tức là nhận được hợp đồng mới sản xuất, thay vì chủ
động sản xuất trước để dự trữ, tiêu thụ. Kim ngạch xuất khẩu giấy tháng
10 giảm 1,9% so với tháng 9.
Xuất khẩu đang đà thuận lợi
Tại cuộc giao ban tháng 10 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành
Biên cho biết, tình hình xuất khẩu 10 tháng qua tiếp tục đạt kết quả khả
quan, nhờ sự tăng giá trên thị trường quốc tế và mặt hàng thủy sản đang
vào mùa tiêu thụ cho các dịp lễ, tết cuối năm tại thị trường EU, Mỹ;
hoạt động xuất khẩu gạo diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho Việt
Nam; giá xuất khẩu dầu thô tăng đột biến... Tính chung 10 tháng, kim
ngạch xuất khẩu đạt hơn 78 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ xuất khẩu tăng cao nên mức nhập siêu đã được khống chế rõ nét chỉ là
8,4 tỷ USD, bằng 10,75% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức rất thấp so với
ngưỡng 16% cho phép của cả năm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, theo thông lệ, hoạt động xuất khẩu sẽ
gia tăng nhanh, bứt phá trong thời gian cuối năm-khi các DN chạy đua để
giải quyết hết hợp đồng đã ký cũng như để hoàn thành kế hoạch và dự báo
thực tế khả năng có thể diễn ra. Đó cũng là kỳ vọng của nền kinh tế
trong hoàn cảnh vượt khó suốt năm 2011 đầy thách thức. Nhiều chuyên gia
cho rằng, tính trung bình mỗi tháng tới các DN đạt kim ngạch xuất khẩu
hơn 8 triệu USD, tổng kim ngạch cả năm sẽ đạt khoảng 95 tỷ USD và thực
tiễn sẽ diễn ra theo "kịch bản" này. Đây sẽ là một kỷ lục mới của nền
kinh tế.
Theo Bộ Công thương, những tháng cuối năm các DN, cơ quan quản lý phải
kết hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin để phục vụ phân tích tình hình
sản xuất và đưa ra nhận định, hỗ trợ xuất khẩu. Đặc biệt, cần theo dõi
những biến động giá trên thị trường thế giới, khả năng tác động từ một
số quốc gia dẫn đầu trong xuất khẩu gạo để có thể tận dụng thời cơ, đưa
ra quyết định vào thời điểm có lợi nhất về giá...