Một số ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Thăng đúng là dám
nói dám làm, nhưng đôi khi tỏ ra nóng vội, gần đây nhất là chuyện đề
nghị tiêu hủy xe đua. Bây giờ, ông Thăng đề xuất thay đổi giờ làm, hạn
chế xe cá nhân… nhưng nhiều người lo ngại đời sống sẽ bị ảnh hưởng. Quan
điểm của ông như thế nào?
Ông Vũ Mão:
Tôi thấy cũng có nhiều người đề cập tới vấn
đề này rồi. Đầu tiên, tôi ủng hộ với chủ trương thay đổi giờ làm và giờ
học để chống kẹt xe, nhưng tất nhiên để phát huy được tính hiệu quả cao
và đảm bảo những năm sau này không bị tái diễn cảnh tắc đường như hiện
nay thì cần nhiều giải pháp khác nữa. Đó là tính toán và điều chỉnh lại
hạ tầng, phát triển mạnh các phương tiện giao thông công cộng, đẩy mạnh
tốc độ phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm gánh nặng cho Hà Nội…
Như tôi đã nói, chủ trương tốt chưa chắc khi đi vào thực hiện đã tốt,
bởi chủ trương chỉ là một ý tưởng lớn, chúng ta cảm nhận được thành quả,
mà vấn đề ở đây rõ ràng là hơn 7 triệu dân ở Hà Nội không đi học, đi
làm vào cùng một giờ thì sẽ bớt đi rất nhiều cảnh ùn tắc. Tuy nhiên,
chúng ta cần nhiều ý tưởng nhỏ để đảm bảo hoàn thành ý tưởng lớn ấy,
không phải cứ nói làm là làm được ngay, mà còn phải tính toán xem đời
sống của nhân dân có ảnh hưởng lớn không.
Lâu nay, người ta đã quen với nếp sống ấy thì cũng phải có thời gian làm
quen lại, nói ví von thì giống như khi bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh cho
bệnh nhân cũng phải thử trước.
Chúng ta cần sự phối hợp, sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của thành phố, của
các cơ quan khác nữa thì nhiệm vụ này mới hoàn thành. Và còn một điều
quan trọng nữa, hãy tính toán cẩn thận để không phải đổi giờ nhiều lần,
gây ra những “phản ứng phụ” với đời sống của hàng triệu người dân. Tôi
tin tưởng và ủng hộ Bộ trưởng Thăng, vì những việc làm của anh ấy đã thể
hiện rõ trách nhiệm ở vị trí lãnh đạo của mình.
 |
Ông Vũ Mão: Chúng ta cần có nhiều cán bộ lãnh đạo dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm như
Bộ trưởng Đinh La Thăng
|
Theo ông thì chiếc ghế của Bộ trưởng Bộ Giao thông “nóng” hay những vấn đề thuộc Bộ này quản lý mới là “nóng”?
Ông Vũ Mão: Nếu nói
là ghế Bộ trưởng Giao thông “nóng” thì Bộ nào không nóng? Tôi cho rằng ở
vào các vị trí của Bộ trưởng thì trách nhiệm của họ đều nặng nề chứ
không phải là người này nặng, người khác thì nhẹ. Bộ Tài chính cũng
“nóng” chứ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng rất “nóng” – tiền của đổ vào
đâu, đầu tư vào đâu, cắt giảm chỗ nào, đầu tư chỗ nào? Bộ Tài Nguyên
& Môi trường cũng “nóng” quá đi chứ, đất đai vốn là tâm điểm của báo
chí nhiều năm qua, Nhà nước thì bị thất thoát, người dân cũng bị mất
đất (được đền bù quá thấp, không giúp họ tạo dựng nghề nghiệp mới), tiền
của lại chảy vào túi của một số người… nhưng những cái đó, người dân
không nhìn thấy hàng ngày như là chuyện kẹt xe, tai nạn giao thông đấy
thôi.
Vậy ông có lời khuyên gì dành cho Bộ trưởng Thăng không?
Ông Vũ Mão: Nhân đây, tôi cũng gửi lời tới anh Đinh La Thăng
rằng, chủ trương tốt nhưng cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, phải rất
cẩn trọng trước mỗi quyết định để xem xét hệ lụy kéo theo là cái gì? Cái
được và cái mất là gì để có quyết sách cho đúng đắn.
Bản thân tôi và nhiều người khác cũng ủng hộ việc phải tập trung chống
nạt kẹt xe, giảm tai nạn giao thông và quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng
để đáp ứng tình hình phát triển, nhưng dùng biện pháp gì, tính toán ra
sao thì hiện tại chưa được rõ ràng cho lắm. Lúc này, tôi nghĩ cần phải
phát huy sức mạnh tập thể, kêu gọi các nhà khoa học đóng góp ý kiến,
thậm chí có thể tổ chức các cuộc thi để chọn ra giải pháp.
 |
Chống ùn tắc giao thông cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức. |
Cũng có ý kiến nói rằng, ông Thăng vốn không phải người của ngành giao thông, có lẽ sẽ rất khó thành công ở vị trí này?
Ông Vũ Mão:
Tôi không nghĩ vậy, vì điều quan trọng nhất
với người làm lãnh đạo cấp cao là tầm tư duy chiến lược, vì họ là chính
khách. Ở các nước, từ lâu rồi, người ta đã quan niệm và làm như thế.
Tất nhiên, khối lượng công việc ở Bộ Giao thông – Vận tải là quá lớn,
những khó khăn vướng mắc trong cơ chế quản lý từ hời bao cấp vẫn còn
vương vất đây đó, cơ chế quản lý mới chưa được trọn vẹn, tình trạng “nửa
nạc nửa mỡ” vẫn còn khá phổ biến.
Những bất cập to lớn ấy là rào cản không dễ gì một sớm một chiều thay
đổi được. Chính vì vậy mới đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy ở tầm
chiến lược, có năng lực của chính khách, phải có tâm huyết, tính chiến
đấu cao giống như khi ra chiến trường vậy. Có thể là phải “một mất một
còn” may ra mới xoay chuyển được tình thế.
Anh Đinh La Thăng là người từng trải. Ai cũng biết anh Thăng vốn là “dân
tài chính” mà đã lãnh đạo tốt Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, được là
một trong 5 Doanh nghiệp Nhà nước có “chân” trong Quốc hội Khóa XI. Anh
Thăng đã làm tròn nhiệm vụ của Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, rồi
làm tốt vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Tôi nghĩ anh
Thăng có đủ năng lực, có đủ kinh nghiệm để xử lý các tình huống, hoàn
thành nhiệm vụ ở cương vị mới này.
Lâu nay, chúng ta đã nghe quá nhiều lời hứa của các Bộ
trưởng, nhưng kết quả thì không được như mong muốn. Theo ông thì có cần
phải giám sát thật chặt chẽ lời hứa của các Bộ trưởng cũng như kế hoạch
đề ra của nhiệm kỳ?
Ông Vũ Mão:
Thực tế chúng ta có quy định về công tác
giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm, hai cái đó rất quan trọng, cần phải làm.
Tuy nhiên, tôi thấy mức độ giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội, có
những việc chưa sâu sát, hiệu quả giám sát chưa cao.
Quy định bỏ phiếu tín nhiệm cũng chưa thực hiện được vì chưa thống nhất
được nhận thức, cho nên chưa thể làm được. Đó là nỗi buồn day dứt trong
tôi từ nhiều khóa nay. Theo tôi, Khóa XIII này phải chấn chỉnh lại cách
làm và phải làm thật.
Làm việc ở Quốc hội lâu năm, tôi rút ra, công tác ở Quốc hội có thể là
khó mà cũng có thể là dễ bởi vì lâu nay Quốc hội giám sát các cơ quan
khác chứ có ai giám sát Quốc hội đâu! Vì thế, các cơ quan của Quốc hội
cần làm tốt hơn nữa chức năng giám sát của mình. Ước vọng của nhân dân
là các Luật và các Nghị quyết của Quốc hội đi thẳng vào cuộc sống. Ước
vọng của nhân dân là các Bộ trưởng hứa ít làm nhiều. Nhân dân là người
trực tiếp được thụ hưởng những thành quả ấy, niềm tin của nhân dân với
Đảng và Nhà nước cũng được tăng dần lên từ chính những điều thiết thực
ấy.
Nói tóm lại, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Trân trọng cảm ơn ông!