Cậu bé 10 tuổi viết tiểu thuyết: “Truyện tự đến trong đầu cháu”
Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Hồng Bàng sắp cho ra mắt bộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng dành cho thiếu nhi Cuộc chiến với hành tinh Fantom do tác giả nhí Nguyễn Bình mới 10 tuổi sáng tác. Thông tin này lập tức gây chú ý cho dư luận. Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng cậu bé.
“Cháu thấy viết cũng không khó lắm…”
. Chào Nguyễn Bình, ý tưởng viết bộ tiểu thuyết này bắt đầu như thế nào? Viết tiểu thuyết có khó lắm không?
+ Tác giả Nguyễn Bình: Cháu cũng không biết
nữa, truyện nó tự đến trong đầu cháu. Cháu thấy viết cũng không khó lắm,
cháu viết theo cái gì cháu nghĩ trong đầu thôi ạ.
. Có khi nào cháu thấy bí, không viết tiếp được
như những người lớn làm nghề viết văn thường gặp phải? Được biết bộ
truyện dài đến tám tập, cháu viết được mấy tập rồi?
+ Cháu cũng chưa gặp tình huống đó - là không viết
tiếp được. Cháu đã viết được một phần tư bộ truyện và hình dung ra được
hơn một nửa truyện, tức là bốn tập rồi ạ.
. Trẻ con bây giờ phải đi học rất nhiều, cháu viết
sách lúc nào? Cháu có chơi thể thao, có nhiều bạn không? Cháu thích học
môn gì? Lớn lên cháu muốn làm nghề gì?
+ Cháu thường viết vào thứ Bảy và Chủ nhật. Cháu
thích ở nhà đọc sách hơn chơi thể thao. Cháu biết chơi cờ. Cháu không có
nhiều bạn nhưng cháu chơi với bạn thân. Cháu thấy môn học nào cũng như
nhau thôi ạ, cũng chưa nghĩ lớn lên sẽ làm gì.
. Cháu thường đọc sách gì, có hay đọc sách thiếu nhi và xem phim không?
+ Cháu đọc nhiều sách, có sách văn minh Ai Cập, văn minh phương Tây… Sách thiếu nhi cháu chỉ đọc truyện Harry Potter, Animorphs, Percy Jackson. Truyện cháu viết giống thể loại phiêu lưu giả tưởng khoa học như Animorphs đấy ạ. Cháu cũng xem phim hoạt hình, phim phiêu lưu.

Nguyễn Bình trong phòng đọc sách của gia đình, nguồn cung cấp kiến thức cho cậu bé viết sách.
Ảnh: HOA NGUYỄN
“Cháu nghĩ sách mình sẽ được in”
. Sao cháu ở Việt Nam mà lại viết về chuyện ở bên Mỹ? Cháu có sợ viết sai không?
+ Công nghệ ở Việt Nam chưa tiên tiến lắm nên cháu
chọn bối cảnh cho truyện của mình tại Mỹ mới viết được truyện. Cháu cũng
không biết nữa, có lẽ cháu không sợ sai ạ.
. Cháu bắt đầu viết truyện này từ khi nào? Nghe
nói cháu đã giấu bố viết sách và còn dự tính tự đem đi in? Cháu có biết
rằng để in được một quyển sách rất khó không và không phải người lớn nào
cũng làm được điều đó?
+ Cháu bắt đầu viết truyện từ tháng 2 năm nay. Cháu
không nói với bố nhưng đang viết thì bố phát hiện. Cháu biết in sách rất
khó nhưng vẫn nghĩ là sách của mình sẽ được in.
. Có phải cháu đã soạn nhiều từ Anh-Việt trên Từ
điển Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) không? Cháu học tiếng Anh ở đâu
và cháu biết cả tiếng Hán nữa phải không?
+ Cháu không soạn từ trên Từ điển Bách khoa toàn thư
mở ạ. (Sau khi được hỏi kỹ thì: “À, đó có phải là Wikipedia không ạ?
Vâng, cháu có soạn từ trên Wikipedia. Tự cháu làm thôi. Cháu tự học
tiếng Anh. Tiếng Hán cháu cũng tự học nhưng quên nhiều rồi ạ)...
. Cảm ơn Nguyễn Bình.
Viết sách để… mua kính thiên văn
Nguyễn
Bình là con trai út, bên cạnh hai chị đều là học sinh Trường chuyên
Amsterdam Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về nghiên cứu văn
chương, học thuật. Bố cậu bé luôn cười khà khi kể về con trai. Ông bảo
Nguyễn Bình biết đọc, biết viết khi mới ba tuổi. Đi học tiếng Anh, cậu
phát hiện cô giáo nói sai và nhắc cô nên… bị cô mắng trước lớp. Kiểm tra
lại biết mình sai thật, cô giáo đã xin lỗi cậu bé. Trò Nguyễn Bình
thích nhất là đọc sách và vào mạng tìm tòi. Sáu, bảy tuổi cậu bé đã soạn
từ gửi đến Wikipedia và hiện đang có rất nhiều từ Bình soạn được sử
dụng trên đó. Năm Bình sáu tuổi, ban quản trị Wikipedia đã gửi một thư
điện tử đến “ông Nguyễn Bình” để báo rằng từ ông soạn bị sai mà không
biết rằng “ông” này mới hơn sáu tuổi.
Giá
sách nhà Bình được phân chia: một bên dán chữ Hán tên bố, một bên là
tên con. Đó là “thành phẩm” của Nguyễn Bình mà theo lời cậu bé thì “nhằm
giúp khách đến nhà phân biệt rõ đâu là sách của bố, đâu là của con”.
Thỉnh thoảng, Nguyễn Bình còn viết chữ Hán tặng mọi người. Hiện Nguyễn
Bình là thành viên lâu năm của một diễn đàn dịch phụ đề phim nước ngoài,
bên cạnh các thành viên khác hơn Bình nhiều tuổi.
Vài
tháng trước, vì máy tính riêng bị hư nên Nguyễn Bình phải gửi nhờ tư
liệu cá nhân vào máy tính của bố. Cách đây hai tháng, do tìm tư liệu cũ
nên bố cậu bé mới phát hiện ra bản thảo Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Ngoài ra còn có một bản thảo là tiền đề của bộ truyện này được viết khá lâu với tựa đề Cuộc chiến Tom và Jerry.
Lúc ấy bố hỏi mãi mới biết cậu bé muốn viết sách và in sách để làm bố
bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi người bố biết rằng con mình muốn tự đem in
quyển sách ấy để kiếm tiền mua kính thiên văn nghiên cứu vũ trụ!
Có khả năng làm việc như người lớn song Nguyễn Bình vẫn là một cậu bé hồn nhiên, đi ngủ vẫn ôm con chó bông yêu thích… |
9
giờ ngày 20-11-2011, tại hội trường Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM sẽ diễn ra
cuộc giao lưu cùng tác giả nhí Nguyễn Bình nhân dịp ra mắt quyển sách
đầu tay của em - Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Đây là bộ
truyện khoa học giả tưởng dài tám tập, kể về chuyến phiêu lưu của một
nhóm trẻ người Mỹ với người ngoài Trái đất thuộc hành tinh Fantom vào
năm 2015…
Dù
mới 10 tuổi nhưng sức viết và sự tưởng tượng của cậu bé Nguyễn Bình được
các biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Hồng Bàng đánh
giá là rất chắc tay và phong phú.
_________________________________________
Đây
là quyển sách của một tác giả 10 tuổi nhưng văn rất gọn gàng, súc tích.
Tôi không cho là có sự giúp đỡ của người lớn trong trường hợp này mà
đây là quá trình rèn luyện tiếng Việt của tác giả. Những đối thoại trẻ
con trong truyện đúng là suy nghĩ và tưởng tượng của một đứa trẻ. Tác
giả nhỏ tuổi này cũng đã tự thiết kế ra một hệ thống logo cho truyện của
mình…

Bìa tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom sẽ ra mắt ngày 20-11 tới.
Tôi
không có sự quan tâm nào đến độ tuổi của tác giả khi biên tập bộ sách
mà chỉ xem nó như một tác phẩm bình thường. Theo tôi, bộ sách hội đủ yếu
tố của một quyển tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Truyện hấp dẫn, cung
cấp cho người đọc nhiều kiến thức về các nền văn minh thế giới, cũng như
đưa ra những yếu tố khoa học trong tương lai với cách lý giải gần gũi.
Tôi cho đây là quyển sách đầu tiên trong nước biểu hiện cho một công dân
toàn cầu. Độc giả nước nào đọc truyện cũng đều có thể hiểu nó.
Nhà văn PHẠM SĨ SÁU, người biên tập bộ tiểu thuyết
Cuộc chiến với hành tinh Fantom |
(Theo phapluattp.vn)