 |
Chú trọng đến việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho NLĐ, giúp DN có được nguồn lao động chất lượng. Ảnh: Ngô Mỹ |
Theo ông Cao Văn Sâm, cần những cơ chế,
chính sách nhằm chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của
thị trường lao động từ việc tuyển sinh, xây dựng chương trình tới hình
thức đào tạo... dạy nghề theo cơ chế đặt hàng của DN. Đối với những nghề
khó thu hút NLĐ cần thực hiện cơ chế chỉ định đào tạo, hỗ trợ kinh phí
nhằm thu hút học sinh học nghề; phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề tại
DN XKLĐ. Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế cần có trường cao đẳng nghề; DN
XKLĐ lớn cần có trường trung cấp nghề. Các trường này tập trung đào tạo
phục vụ tạo nguồn lao động cho xuất khẩu. DN phải có trách nhiệm cung
cấp thông tin cho cơ sở dạy nghề nhu cầu về lao động như quy mô, cơ cấu
ngành, nghề, trình độ đào tạo, kỹ năng nghề... Có thể coi đây là trách
nhiệm pháp lý của DN. Các cơ sở dạy nghề phải chủ động xác định số lượng
nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của cơ sở và nhu cầu
của DN cũng như của thị trường lao động. Tiên phong trong việc đào tạo
theo chu trình khép kín, Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực (LOD) đã
xây dựng Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ LOD đào tạo phát triển
nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các đối
tác XKLĐ và các KCN trong nước. Đại diện Công ty LOD cho biết việc xây
dựng mô hình chuẩn về XKLĐ sẽ giúp DN có được nguồn lao động chất lượng,
chú trọng đến việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ
LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến hết tháng 9-2011, cả nước đã đưa được
67.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan dẫn đầu với
hơn 27.000 người, Malaysia 7.500 người... Trước đây, số lao động đi làm
việc tại Libya chỉ khoảng 5.000 người/năm và đây vẫn là một thị trường
tiềm năng nhưng để khôi phục lại thị trường này còn phụ thuộc vào nhiều
yếu tố. Với Hàn Quốc, Chính phủ VN đang cùng bạn triển khai các biện
pháp để tháo gỡ khó khăn. Rõ ràng, các thị trường lao động truyền thống
dù thực tế nảy sinh nhiều khó khăn nhưng vẫn cho kết quả khả quan. Hiện
nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai các chính sách đào
tạo, giáo dục định hướng cho lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng
thời, cục chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với các trường đẩy mạnh đào tạo
nghề theo cơ chế đấu thầu, để đào tạo đúng địa chỉ, cấp kinh phí đúng
nơi, tập trung vào các nghề công nghệ cao như đốc công; điều dưỡng viên;
hàn 3G, 6G; xây dựng để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế...
Các ý kiến khác cũng cho rằng để cải thiện tình hình XKLĐ hiện nay, cần
thiết phải nâng cao chất lượng DN và người lao động để tăng sức cạnh
tranh. Hoạt động XKLĐ trong những năm tới sẽ diễn ra trong bối cảnh nền
kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng nhưng vẫn còn
nhiều khó khăn. Cùng với đó là những biến động ở các thị trường nước
ngoài sẽ tạo nên sự cạnh tranh lớn về XKLĐ. Do vậy, hoạt động XKLĐ phải
đáp ứng ngày một tốt hơn cả về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực
cũng như cơ cấu nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực mà thị trường lao động
đòi hỏi. Bên cạnh đó những năm tới, áp lực giải quyết việc làm trong
nước và mức thu nhập của NLĐ phải được cải thiện, hoạt động XKLĐ phát
triển theo hướng từng bước nâng cao tỷ lệ lao động có nghề.
Như vậy, với hai mũi nhọn là nâng cao chất lượng lao động và chất lượng
hoạt động của DN, chúng ta sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh
khó khăn của thị trường hiện nay.