Năm 2011 này, Vịnh Hạ
Long - di sản hai lần được UNESCO vinh danh - một lần nữa trở thành niềm
tự hào của Việt Nam khi lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của
thế giới.
Trước
đó, Thành nhà Hồ (tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được Ủy ban Di
sản Thế giới chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hồ sơ Hát
Xoan Phú Thọ có nhiều triển vọng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại tại hội nghị của UNESCO tổ chức ở Bali (Indonesia) tháng 11 này.
 |
Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận |
Trước
đó, năm 2009, Dân ca quan họ Bắc Ninh được ghi danh là Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca trù là Di sản văn hóa phi vật
thể cần được bảo vệ khẩn cấp...
Năm
2010, nhiều di sản của Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế. UNESCO
chính thức công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa vật thể;
Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) là di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
được công nhận là di sản tư liệu thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là Công viên Địa
chất Toàn cầu thứ hai tại Đông Nam Á.
Đến nay, cả nước đã có 12 di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Những
sự kiện trên cho thấy những tiến bộ rõ rệt trong công tác lập hồ sơ các
di sản của Việt Nam để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những
di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của nước ta được UNESCO công nhận là
di sản văn hóa thế giới đã góp phần quảng bá và nâng tầm "thương hiệu"
văn hóa Việt Nam trong cộng đồng nhân loại, thu hút khách du lịch đến
tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.
Tuy
nhiên, đằng sau niềm vui và tự hào, chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở về
sự bất cập trong việc giữ gìn và phát huy vốn di sản văn hóa giàu có của
Việt Nam.
Theo
thống kê của cơ quan chức năng, đến nay cả nước có trên 4 vạn di tích
và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và xếp hạng, trong đó 10 di tích và
danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt, trên 3.000 di tích và danh lam
thắng cảnh cấp Quốc gia. Các di tích và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh
được xếp hạng cũng ở con số trên 5.000. Số lượng di sản phi vật thể thì
vô cùng phong phú, đa dạng, khó có thể liệt kê hết được vì nó gắn bó với
phong tục, tập quán, với nếp sống của cộng đồng.
Nhưng
không ít di sản quốc gia đang có nguy cơ hạ xuống tầm, tại nhiều địa
phương đã xảy ra việc tôn tạo không đúng quy chuẩn, quy cách, dẫn đến
mất dấu ấn di tích, mất tính lịch sử và do đó mất giá trị văn hóa, lịch
sử. Tuy nhiên đó mới chỉ là di sản vật thể mà sự mất mát có thể nhìn
thấy được, còn các di sản phi vật thể - hồn cốt của văn hóa truyền
thống, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, hiện nay cũng
đang có chiều hướng mai một, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều di sản
phi vật thể qúy giá đang ngày ít người tiếp nối, bị thất truyền, mà dù
đầu tư nhiều tiền cũng chưa chắc đã bảo tồn được.
7 năm qua, ngày 23/11 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá qúy giá trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Ngày này cũng được chọn là Ngày về nguồn
để khuyến khích giới trẻ tìm hiểu về các giá trị di sản văn hoá dân
tộc. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đòi hỏi
những người làm công tác văn hóa phải đổi mới nhận thức, cách thức bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời tăng cường tuyên
truyền, giáo dục để đông đảo công chúng hiểu biết và có trách nhiệm
trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Hiện
nay, nước ta còn rất nhiều di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, đặc biệt là
các di sản văn hóa phi vật thể. Do đó, cần có sự nghiên cứu hệ thống và
bài bản để xác định những giá trị căn bản của di sản tiêu biểu và triển
khai ngay những biện pháp khẩn cấp để gìn giữ di sản. Việc trùng tu,
tôn tạo, nâng cấp các di sản cần có sự nghiên cứu khoa học, với cách làm
bài bản để đảm bảo gìn giữ được những giá trị gốc của di tích, tránh
làm biến dạng các di sản văn hóa. Cần có sự tuyên truyền rộng rãi để
cộng đồng hiểu rõ về các giá trị quí báu của di sản mà họ đang nắm giữ,
tạo cơ chế cho cộng đồng phải được hưởng lợi từ việc bảo tồn, phát huy
các giá trị di sản để họ mới gắn bó lâu dài với công việc này. Cạnh đó,
cần có các giải pháp đưa nội dung bảo tồn di sản vào chương trình học
các cấp; có các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, phù hợp với tâm lý tiếp
nhận của thế hệ trẻ; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, thi viết về di sản
văn hóa Việt Nam; biểu dương những gương thế hệ trẻ trong việc bảo tồn
và phát huy giá trị di sản./.
(Theo cpv.org.vn)
|