Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 23/11/2011 12:04
Xuất bản cuốn sách “Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”
Để phục vụ cho việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa cho xuất bản cuốn sách "Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta".

 

 Bìa cuốn sách

Cuốn sách do tập thể tác giả nghiên cứu, biên soạn với sự chủ biên của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng trong quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Nội dung cuốn sách đề cập nhiều vấn đề phong phú cả về lý luận và thực tiễn, có giá trị tham khảo quý trong việc làm rõ một số mối quan hệ cơ bản cần nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là các mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;…

Nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đến nay đã hơn 25 năm. Nhờ nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, phức tạp, phù hợp với quy luật khách quan và tình hình, đặc điểm cụ thể của đất nước trong từng thời kỳ, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn. Trong những năm tới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ tùy thuộc rất nhiều vào việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ này.

Chẳng hạn, đề cập mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển những năm sắp tới, theo các tác giả, cần phải xem xét ba yếu tố này trong trạng thái động. Cả ba yếu tố đều vận động trong thời gian và không gian. Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển là mối quan hệ giữa phát triển với điều kiện và phương thức hành động để thực hiện các mục tiêu của phát triển, chủ động phòng tránh các nguy cơ phản phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững. Trong ba yếu tố này thì ổn định là điều kiện; đổi mới là phương thức để phát triển (ở khía cạnh nào đó thì đổi mới cũng là điều kiện để phát triển). Phát triển là kết quả tất yếu của đổi mới. Đây là mối quan hệ hữu cơ, ràng buộc giữa điều kiện, phương thức và mục tiêu phát triển. Không có sự ổn định cũng như không có đổi mới thì không thể có sự phát triển cần thiết. Không ổn định và không đổi mới rất dễ dẫn đến trì trệ hoặc suy thoái…

Để thống nhất và nâng cao nhận thức trong Đảng và trong nhân dân về mối quan hệ này, làm cơ sở thúc đẩy hoạt động thực tiễn, tiếp tục đổi mới toàn diện, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, cần nhấn mạnh mấy điểm cốt yếu: Mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển phải thực hiện theo phương châm: dân tộc tối tượng, dân chủ đích thực và tự do cá nhân có kỷ cương, kỷ luật, cũng như phải quán triệt tư tưởng quyết tâm sáng tạo không ngừng. Muốn thịnh vượng đất nước không thể không thực thi đổi mới; đổi mới để phát triển và ổn định. Nhà nước tạo thuận lợi để mọi người, mọi cơ quan, tổ chức có động cơ đúng và động lực mạnh để thúc đẩy không ngừng đổi mới, sáng tạo vì sự phát triển nhanh và bền vững. Con người là trung tâm, quyết định tính chất và trình độ của đổi mới, ổn định và phát triển. Vì thế, nhất thiết phải phát triển con người và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước, con người và dân tộc Việt Nam theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các tác giả khẳng định: Để phát triển bền vững trong tình hình và bối cảnh thế giới biến đổi mau lẹ, khó lường như hiện nay, như Văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra, phải kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường phát triển, là sự lựa chọn nhất quán, không thay đổi của Đảng và nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự lựa chọn hệ giá trị của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà nhân dân và dân tộc ta không ngừng nỗ lực, phấn đấu để thực hiện, để đạt tới hệ mục tiêu của đổi mới và phát triển: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Với 280 trang, cuốn sách là tài liệu rất cần thiết cho việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cũng là tài liệu quan trọng gợi mở những nội dung cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết, cụ thể hóa trên từng lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của đất nước./.


(Theo cpv.org.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)