- Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Nguyễn Bá
Thuyền nhận xét "nếu trả lời vòng vo thế thì ai cũng làm bộ trưởng
được". Ông nghĩ gì khi nghe nhận xét như vậy?
- Trước khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn,
chủ tọa kỳ họp có yêu cầu không trả lời từng câu hỏi cụ thể mà theo
nhóm vấn đề. Do phải trả lời luôn một số câu hỏi cùng chủ đề nên tôi
phải giải trình dài và không thể thỏa mãn yêu cầu của từng đại biểu, chứ
không phải tôi nói vong vo.
Chúng ta thường nói về văn hóa giao thông, tôi cũng
muốn trao đổi thêm về văn hóa chất vấn tại nghị trường. Các bộ trưởng là
do Quốc hội phê chuẩn với những tiêu chí nhất định chứ không phải ai
cũng có thể làm bộ trưởng.
- Bên cạnh những phản biện gay gắt, nhiều đại biểu cũng đã hiến kế cho ngành giao thông. Ông rút ra được gì từ những chất vấn đó?
- Trước hết tôi đánh giá cao hoạt động chất vấn tại kỳ
họp này. Các bộ trưởng không đọc báo cáo, mà trả lời ngay các nhóm nội
dung vấn đề nóng. Đại biểu Quốc hội cũng truy vấn đến cùng về vấn đề đó.
Những nguyên nhân, tồn tại của giao thông hiện nay ai
cũng biết, những giải pháp tôi đưa ra cũng không mới. Vấn đề hiện nay là
hành động quyết liệt, máu lửa.
 |
Đại biểu Thuyền hỏi: "Bộ trưởng cho biết khi nào bớt ùn tắc?". Bộ trưởng Thăng đáp: "Tôi chưa thể khẳng định". Ảnh : Hoàng Hà |
- Tại Quốc hội, ông cam kết từ năm 2012 sẽ giảm
5-10% số vụ tai nạn. Nếu không đạt chỉ tiêu này, ông sẽ chịu trách nhiệm
như thế nào?
- Trên nghị trường tôi đã đề nghị Quốc hội tổ chức
giám sát và ra Nghị quyết chuyên đề về đảm bảo trật tự giao thông và
chống ùn tắc giao thông. Nếu không đạt chỉ tiêu giảm tai nạn, Bộ trưởng
Giao thông phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, năm 2008 số vụ tai nạn cũng giảm 10% so với
năm 2007. Tôi tin rằng nếu cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc
quyết liệt thì không có lý gì không thực hiện được. Tôi cũng mong báo
chí tuyên truyền người dân về ý thức giao thông, tạo phong trào tẩy chay
những người vi phạm, lên án người thi hành công vụ nhũng nhiễu.
- Trước câu hỏi của đại biểu Thuyền "khi nào hết
tắc đường", tại sao ông không cam kết lộ trình cụ thể như với vấn đề tai
nạn giao thông?
- Ùn tắc giao thông là một phần của cuộc sống hiện đại
sôi động, chúng ta chỉ có thể kiềm chế hoặc giảm. Ùn tắc giao thông tại
Hà Nội, TP HCM, lãnh đạo 2 thành phố này phải chủ trì các phương án, Bộ
Giao thông chỉ phối hợp. Còn ùn tắc trên các tuyến quốc lộ trách nhiệm
chính thuộc Bộ Giao thông.
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp đổi
giờ làm, phân làn... là chắp vá, không căn cơ. Tôi xin khẳng định, đây
là những giải pháp trước mắt, nhưng cũng nằm trong các giải pháp tổng
thể.
- Tại Quốc hội Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng
dự báo, những năm tới tình hình ùn tắc cải thiện không nhiều do việc
tăng phương tiện cá nhân, thiếu vốn đầu tư hạ tầng, nhiều dự án nhà cao
tầng ở trung tâm... Ông suy nghĩ gì về dự báo trên?
- Quy hoạch là trách nhiệm của Bộ Xây dựng,
tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch là Chủ tịch tỉnh, thành phố. Ai
là người cấp phép xây nhà cao tầng ở trung tâm, người dân có quyền cấp
phép dùng lòng đường làm bãi đỗ xe không?
Trừ những thành phần đua xe, lạng lách còn phần lớn
người dân muốn lưu thông an toàn. Vấn đề hiện nay là công tác quản lý
nhà nước kém. Khi chúng ta thực thi pháp luật chưa nghiêm những người
vốn tuân thủ luật giao thông cũng dễ trở thành người vi phạm.
Hỏi đáp của Bộ trưởng Thăng và đại biểu Thuyền sáng 23/11
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Nếu cứ trả lời
lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Xin đề nghị Bộ trưởng
trả lời xem mấy năm thì có thể giảm được tai nạn giao thông, mấy năm thì
giảm bớt được ùn tắc giao thông?"
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chúng ta phải quyết
tâm, cùng phải làm, chứ còn bây giờ bảo tôi khẳng định bao giờ hết tai
nạn giao thông, bao giờ hết ùn tắc giao thông thì xin phép đại biểu là
chưa khẳng định được. Chúng tôi chỉ mong rằng nó sẽ kiềm chế và giảm dần
như mục tiêu chúng ta đưa ra là mỗi năm giảm từ 5% đến 10%" |
(Theo vnexpress.net)