'Câu trả lời của Thủ tướng như một dấu chấm than'
Điều gì đến phải đến
Trao đổi với VietNamNet, ông Quốc nói:
Tôi nghĩ một cách đơn giản: cái gì đến thì nó phải đến. Mọi cái đã chín
muồi. Tôi tâm đắc nhất điều Thủ tướng nhận rằng vì không có luật mà
Chính phủ lúng túng khi thực thi trách nhiệm của mình trước những hiện
tượng “tụ tập đông người” trong thời gian vừa qua; đồng thời xác nhận
rằng lòng yêu nước của người dân phải được tôn trọng và khích lệ.
|
ĐB Dương Trung Quốc: Đây là lúc cần đến sự “tụ tâm” để đồng tâm. (Ảnh: Minh Thăng)
|
Đặt vấn đề cần sớm có Luật Biểu tình với tôi bắt nguồn từ những nhận
thức lịch sử. Cách đây 92 năm, khi những người VN yêu nước tại Pháp ký
tên chung trong “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” gửi Hội nghị Hòa bình
Versailles (1919) thì quyền được biểu tình đã được đòi hỏi như một quyền
cơ bản, cho dù nó còn thấp hơn quyền độc lập. Lập luận của chính quyền
thực dân khi khước từ cho rằng dân An Nam chưa đủ trình độ để thực thi
cái quyền ấy cho nên hãy đợi “mẫu quốc” khai hóa đến khi nào đủ sức thì
sẽ được hưởng.
Tôi ngạc nhiên là gần một thế kỷ sau mà vẫn còn cách lập luận như vậy?!
Bởi chỉ một phần tư thế kỷ sau cái thời điểm 1919, khi đất nước đã có
độc lập rồi, Cụ Hồ đã rất chủ động ra sắc lệnh về biểu tình rồi Hiến
pháp 1959 đưa vào chính văn. Đành rằng có chiến tranh, có những phức tạp
của thời đại nảy sinh, nhưng chưa ai đặt câu hỏi vì sao mà vẫn chưa có
luật biểu tình. Vì thế nên đặt vấn đề vào lúc này theo tôi là chín muồi.
Tôi cũng hơi bất ngờ là trước kỳ họp đã có thông tin Chính phủ chủ động
đặt vấn đề và Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình chuẩn bị. Khi
phát biểu tại QH về vấn đề này, tôi cũng như vài vị đại biểu QH đặt vấn
đề nhưng không nghĩ rằng nó được khẳng định nhanh như vậy. Phát biểu của
Thủ tướng khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội có thể ví như một
dấu chấm than (!) trong khi chính mình vẫn còn dừng lại ở một dấu chấm
hỏi (?).
Vì thế mà tôi thấy ngay ý kiến của một vài vị phản biện cho rằng chưa
nên đưa Luật biểu tình ra lúc này, bỏ qua những lập luận dễ vấp phải
những phê phán của xã hội, thì việc các vị ấy nêu vấn đề lại tạo ra một
hiệu ứng tích cực làm cho nhận thức xã hội trở nên chín muồi một cách
nhanh chóng và tuyệt đối như vậy. Tôi cứ nghĩ giả dụ không có những ý
kiến “trái chiều” như vậy thì chưa chắc đã có cái kết cục như đã chứng
kiến. Cảm giác về sự chín muồi như một quy luật tất yếu càng ngày càng
rõ rệt.
Giờ đây, vấn đề đặt ra là phải nhìn nhận Luật biểu tình” cả 2 phía,
quyền cơ bản của con người và công cụ quản lý xã hội phục vụ lợi ích
chung của xã hội. Đó là một thách thức mới, chắc chắn không đơn giản
những không thể né tránh.
Cảm xúc của ông trước thông điệp cụ thể củaThủ tướng về chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Nội dung những thông điệp mà Thủ tướng phát biểu tại buổi trả lời chất
vấn tại QH là hệ thống những quan điểm nhất quán của Nhà nước VN từ
trước tới nay. Nó đã được Thủ tướng diễn đạt một cách đầy đủ tại một
diễn đàn và một thời điểm khá đặc biệt.
Từ trước tới nay, trong các báo cáo tại QH, Chính phủ chỉ đề cập tới vấn
đề Biển Đông (trong đó có chủ quyền VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa)
như một nội dung của công tác đối ngoại và là một trách nhiệm thiêng
liêng đối với mục tiêu bất di bất dịch là “bảo vệ chủ quyền và sự toàn
vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Cảm xúc của tôi là Thủ tướng đã tôn trọng QH và đại biểu đặt câu hỏi,
thực thi đúng trách nhiệm của mình là phải đưa ra một thông điệp rõ ràng
để nhân dân giám sát, đồng thuận và hậu thuẫn cho các hoạt động của
Chính phủ.
|
Làm Luật biểu tình là phù hợp Hiến
pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân... - Thủ tướng tuyên bố
trước QH. (Ảnh: Minh Thăng)
|
Trả lời chất vấn tại Quốc hội diễn ra sau hàng loạt những hoạt động đối
ngoại sôi động của Tổng bí thư, Chủ tịch nước với nhiều nước lớn như Mỹ,
Ấn Độ và kể cả Trung Quốc, đặc biệt là những hoạt động trong khuôn khổ
cấp cao ASEAN với các đối tác... nên những phát biểu vào thời điểm này,
theo tôi, còn là sự tổng hợp một quá trình vận động.
Hoàng Sa của VN: Sự thực không chối cãi
Thông điệp rõ ràng ấy của Thủ tướng đã giúp giải mã những khúc mắc
về vấn đề tồn tại của lịch sử như Hoàng Sa. Ở góc độ một đại biểu QH,
một nhà sử học, ông có suy nghĩ gì?
Trong các tranh chấp lãnh thổ, chúng ta tuân thủ những cam kết quốc tế
để làm cơ sở cho sự công bằng và khả năng tìm được sự thoả thuận chung
giữa các bên có liên quan, phù hợp với những tập quán thông lệ quốc tế.
Trong trường hợp này là Công ước Luật biển 1982 và DOC như Thủ tướng đã
nêu rõ. Tuy nhiên, những bằng chứng lịch sử cũng hết sức quan trọng vì
mọi tranh chấp đều liên quan đến những không gian lịch sử, thời gian
lịch sử cụ thể.
Đối với hai quần đảo này, đặc biệt là với Hoàng Sa, chúng ta có những
bằng chứng lịch sử rất sớm và cụ thể (thư tịch, bản đồ, lễ tục...) thể
hiện Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền từ lâu.
Nhiều lần trong lịch sử, các bằng chứng này đã được các chính quyền mang
tính đại diện thực thi chủ quyền - thời thuộc địa cũng như thời đất
nước tạm thời chia cắt sau Hiệp định Geneva - và Nhà nước Việt Nam thống
nhất sử dụng làm bằng chứng, kể cả tại những diễn đàn quốc tế.
Dù phía Trung Quốc thường né tránh, chúng ta càng phải khẳng định những
bằng chứng lịch sử ấy như một sự thực khách quan và không thể chối cãi.
Vì thế, những nội dung thể hiện trong phát biểu của Thủ tướng liên quan
đến chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là hoàn
toàn có cơ sở khách quan và khoa học, cho dù vào thời điểm hiện tại đang
bị Trung Quốc chiếm đóng sau khi dùng quân đội đánh chiếm lại từ tay
các binh sĩ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Tôi nghĩ rằng những nội dung lịch sử cơ bản ấy phải được quảng bá rộng
rãi và trao truyền cho các thế hệ bên cạnh việc giáo dục tinh thần hòa
hiếu, chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Kỳ vọng của ông, ở góc độ một nhà sử học, về bản lĩnh của các nhà
lãnh đạo trong việc viết những trang sử hiện đại cho sự nghiệp giữ vững
chủ quyền biển, đảo?
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phát triển rất mạnh mẽ, không ít
rủi ro trong một thế giới phức tạp nhưng xu thế chung là tiến tới sự hợp
tác trên tinh thần trách nhiệm không chỉ đối với mỗi quốc gia mà với cả
sự sống của hành tinh.
Do vậy, dù thấy không đơn giản những tôi vẫn tin rằng mọi cái đều có
giải pháp của nó, “dĩ cùng tắc biến”...và rồi cũng phải “ tắc thông”.
Tham gia vào một thế giới như thế phải có thiện chí, nhưng cũng phải có
bản lĩnh. Đối ngoại đã như vậy thì đối nội càng phải như vậy.
Sự thống nhất ý chí, trên cơ sở đó tạo thành khối đoàn kết quốc gia đã
là một nguyên lý thành công trong quá khứ thì nay càng phải như vậy. Lúc
này là lúc cần đến sự “tụ tâm” để đồng tâm.
Chính phủ phải tin vào dân, chia sẻ với dân, nếu chưa đạt được sự đồng
tâm thì phải chủ động đối thoại với dân, thuyết phục dân và tổ chức nhân
dân vào trong một lực lượng thì trong khi thực thi quyền lực của mình
lúc tiến hay lúc thoái, lúc cứng hay lúc mềm, lúc nào cũng được dân hậu
thuẫn thì mới thành công.
Trả lời như thế, nhưng tôi cũng hiểu rằng “nói thì dễ, làm không dễ”, có
thế, dân mới cần một bộ máy lãnh đạo giỏi, một Chính phủ giỏi trong đó
có một Thủ tướng giỏi. Lịch sử luôn biểu dương những người có công với
nước và... ngược lại.
(Theo Vietnamnet.vn)