Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 28/11/2011 05:22
Câu chuyện trở về từ “địa ngục trần gian”
Nguyễn Đình Cần (Nguyên cựu tù Chính trị bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò, Hà Nội) Cầm giấy mời tham dự buổi gặp mặt đại biểu tù binh kháng chiến toàn quốc lần thứ 3, tôi háo hức chờ ngày lên đường. Háo hức không chỉ là được đến Huế - một địa danh có nhiều kỷ niệm với người tù kháng chiến mà còn gặp lại anh em sau 18 năm kể từ lần gặp mặt tại Lâm Đồng...
Vượt qua quãng đường gần 800km từ Hà Nội vào TP Huế, tôi cũng như nhiều đồng chí từ mọi miền đất nước khi đặt chân tới dải đất miền Trung đầy nắng và gió này, nỗi mệt mỏi như xua tan bởi niềm vui được hội ngộ và tình cảm đồng chí chân thành dành cho nhau như những người thân ruột thịt sau bao năm xa cách. Với chúng tôi - những cựu tù binh kháng chiến, cụm từ "đồng chí" thật thiêng liêng. Không thiêng liêng sao được khi trong lao tù, chúng tôi không một tấc sắt trong tay; bị đọa đầy, bị tra tấn dã man dưới gót giày của quân xâm lược và bè lũ bán nước.

Lúc ấy chỉ có tình đồng chí như anh em ruột thịt trong gia đình; tình đoàn kết, sự tương thân, tương ái, động viên, giúp đỡ lẫn nhau: "Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ" đã giúp chúng tôi tạo nên sức mạnh lý trí, tay không đối chọi với kẻ thù; đối chọi với cùm gông, đòn tra, máy chém, súng đạn, trường bắn và những đòn cân não, từ ly gián đến mua chuộc, dụ dỗ, thủ tiêu… Lúc ấy và cả bây giờ nghĩ lại càng thấy hai tiếng "đồng chí" thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!

Có mặt tại hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày toàn quốc năm 2011, có hơn 300 đại biểu, đại diện hơn 100 nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trên cả nước. Chưa kể những đồng chí vì tuổi cao, bệnh tật đã về cõi vĩnh hằng.

Người đầu tiên gây ấn tượng với tôi là ông Tạ Quốc Bảo, mới 16 tuổi đã tham gia cách mạng. Trong một trận càn của giặc Pháp tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, địch đã phát hiện căn hầm bí mật của ông; giữa cái sống và cái chết, ông bật cửa hầm nhảy lên tiêu diệt chúng.

Năm 1943, ông Bảo bị giặc Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội cùng với bạn tù là các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười. Đã hai lần ông chết đi, sống lại trong tù, nhưng kẻ thù vẫn không khuất phục được. Hiện nay, ông được đề cử là Trưởng ban liên lạc nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930-1954. Tập thể các bạn tù của ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đứng cách ông Bảo không xa là Lâm Văn Bảng, cựu tù binh kháng chiến từng bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc. Trong một trận chiến quyết liệt giữa ta và địch, không may ông bị thương, bị bắt.

Vào tù, ông giữ vững khí tiết người lính Cụ Hồ, tích cực tham gia công tác Đảng trong nhà tù. "Chiến công" của ông nổi bật khi trở về với cuộc sống đời thường. ông là người đầu tiên bỏ công sức, tiền của thành lập bảo tàng tư nhân đầu tiên mang tên "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" tại quê nhà (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Nơi đây đã lưu giữ trên 3.000 hiện vật quý rất đặc biệt về những người tù kháng chiến. Ông nói rằng, việc thành lập Bảo tàng chính là để tri ân với đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống dưới ách lao tù tàn bạo của quân thù. Bảo tàng mới thành lập, nhưng đã vinh dự đón hàng vạn lượt người tới xem.

Đại diện Báo CAND tặng quà các đồng chí  cựu tù Chính trị Côn Đảo. (Ảnh chụp năm 2010).

Đang chuyện trò rôm rả với đồng đội là Lê Quang Vịnh, biểu tượng đấu tranh bất khuất một thời của trí thức sinh viên, học sinh miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ba lần bị bắt giam thì cả 3 lần Lê Quang Vịnh đều vững vàng khí tiết người cộng sản trước đòn roi tàn bạo, khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

14 năm trong tù với bản án tử hình hay chung thân không khuất phục được ý chí kiên cường của ông. Ông đã cùng đồng đội tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trực diện trước tòa tố cáo tội ác của bè lũ bán nước. Ông cũng là người sáng tác bài "Tiếng hát tử tù", một bài hát có sức lan tỏa mãnh liệt trong các xà lim, ngục tối, tiếp thêm ý chí đấu tranh sôi sục cho những chiến sĩ cách mạng yêu nước đang bị giam cầm. Ai đó lẩm nhẩm hát lại bài hát "Lê Quang Vịnh người con quang vinh", thì ra, đó là Vũ Đức Chính, tử tù thoát ngục Hỏa Lò năm xưa. Cùng lúc đó Lê Hồng Tư, tử tù miền Nam cũng ùa tới. Các anh đã trở thành những người bạn thân thiết khi hai đoàn tử tù miền Nam và miền Bắc giao lưu thăm hỏi nhau.

Trên hàng ghế đầu là sự hiện diện của người phụ nữ quen thuộc. Đó là bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Bà Võ Thị Thắng là con người nổi tiếng với "Nụ cười chiến thắng" kiêu hãnh tại phiên tòa của Mỹ, ngụy năm 1968. Sau 5 năm tù đày, qua nhiều nhà tù tàn bạo, kẻ địch vẫn không dập tắt được nụ cười tươi sáng của bà. Hôm nay, trong hội nghị này, nụ cười của bà vẫn tươi sáng, đôn hậu, trìu mến với bạn tù.

Cũng là một cựu chiến binh, một cựu tù Côn Đảo, ông Đinh Văn Lời, ở Hội An, Đà Nẵng đem lại không khí tươi vui, phấn khởi với cuộc sống hiện tại, khi chia sẻ với đồng đội những thành công của ông trong việc phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm; đặc biệt là việc làm nghĩa tình với đồng đội bằng cách đầu tư, dạy nghề miễn phí cho con em các gia đình chính sách, bộ đội phục viên xuất ngũ, người khuyết tật...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư bày tỏ sự tri ân và biết ơn sâu sắc tới những gia đình có công nói chung, trong đó có những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ nói riêng. Đồng chí khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Thể hiện trách nhiệm và đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Với tinh thần anh dũng, kiên cường, được tôi luyện thử thách qua nhà tù đế quốc, nhiều đồng chí đã vươn lên trở thành những nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của các địa phương, có những đồng chí là nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, mẫu mực, gương mẫu trong công tác, sản xuất, lao động và sinh hoạt...

Có thể nói, trong 3 lần tổ chức hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, thì lần này, anh chị em cựu tù binh kháng chiến rất xúc động trước sự hiện diện của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngoài đồng chí Lê Hồng Anh, còn có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Thuận Hữu - Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và nhiều vị lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể...

Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với những cựu tù binh kháng chiến đã hy sinh xương máu của mình, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Tuy nhiên, kể từ lần gặp mặt thứ 2 tại Lâm Đồng tới nay đã 18 năm, nguyện vọng thành lập Hội Cựu tù binh kháng chiến Việt Nam vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, con số những tù binh kháng chiến là rất lớn. Đến nay, sau hàng chục năm chiến tranh, con số này vẫn hơn 100 nghìn anh em, sẽ có thể còn lớn hơn nếu được tìm kiếm, tập hợp lại trên toàn quốc. Đa số anh em cựu tù binh kháng chiến đều mang trên mình thương tích, bệnh tật từ đòn roi tra tấn, cực hình và sự hà khắc của nhà tù đế quốc.

Trong cuộc sống hiện tại, nhiều đồng chí không lương hưu, không bảo hiểm; khi tuổi cao, sức yếu gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, nguyện vọng của anh em cựu tù kháng chiến rất mong Đảng và Nhà nước xem xét, cho phép thành lập Hội Cựu tù binh kháng chiến Việt Nam hay Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày toàn quốc. Thời gian vẫn cứ trôi qua, anh em ngày một ít dần đi, việc thành lập hội là hết sức cấp thiết để có điều kiện quan tâm, chăm sóc, giao lưu tình cảm giữa các hội viên một cách thiết thực nhất. Đồng thời qua đó cũng là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau


(Theo cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)