Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 02/12/2011 08:01
Rung lắc mạnh trên bàn cờ Trung Đông
(HNM) - "Chảo lửa" Trung Đông đang sôi sùng sục với làn sóng "Mùa xuân Arab" như bị đổ thêm dầu do căng thẳng ngày càng leo thang giữa Iran và Anh trong vài ngày qua.
Người biểu tình Iran tấn công Đại sứ quán Anh tại thủ đô Tehran ngày 29-11.

Sau vụ việc người biểu tình tấn công Đại sứ quán Anh tại Tehran hôm 29-11 mà phương Tây coi mức độ nghiêm trọng như cuộc tấn công Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ 52 công dân làm con tin trong 444 ngày vào năm 1979, Iran đã liên tiếp hứng những đòn cô lập ngoại giao từ London và các nước đồng minh. Anh yêu cầu Tehran đóng cửa Đại sứ quán nước này, đồng thời ra hạn chót rút toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran khỏi Anh trong ngày hôm nay (2-12, giờ địa phương). Mỹ và nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) như: Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha cũng ngay lập tức có những phản ứng gay gắt. Na Uy thậm chí đã đóng cửa Đại sứ quán ở Tehran. Một nguồn tin ngoại giao của Anh cho biết, London có thể xem xét cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran, đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc sẽ phối hợp cùng Đức, Pháp, Nhật Bản. Về phía Iran, ngày 1-12, Bộ Ngoại giao nước này cũng tuyên bố sẽ tung ra những đòn "trả đũa" tương thích.

Đúng như những gì các nhà phân tích quốc tế dự đoán, làn sóng "Mùa xuân Arab" làm đảo lộn Bắc Phi, Trung Đông với điểm cuối là Iran đang dần trở thành hiện thực. "Mùa xuân Arab" không phải là cái tên mỹ miều của một tiểu thuyết mà là nỗi ám ảnh với các nước sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn trên thế giới trong khu vực suốt thời gian qua. Có thể thấy rõ cuộc tranh giành kiểm soát nguồn "vàng đen" tại Bắc Phi, Trung Đông đang phân thành ba lớp gồm: các nước lớn ngoài khu vực, các nước lớn trong khu vực và các lực lượng pha tạp tại những quốc gia vừa trải qua chính biến.

Nằm ở vị trí địa - chính trị đặc biệt quan trọng, tiếp giáp với vịnh Oman, Persic và biển Caspi - ba "cửa khẩu" có ý nghĩa giao thương mang tính huyết mạch, bao gồm cả eo biển Hormuz, lâu nay, Iran vẫn được coi là điểm then chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông. Hằng ngày có khoảng 1/4 khối lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển này từ các nước vùng Caspi tới thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới này còn có đường biên giới tiếp giáp với nhiều nước Trung Á - như Armenia, Aderbaizan, Turmenistan - vốn được coi là "bàn cờ chiến lược" trong thế kỷ XXI giữa các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, khống chế Iran là một cách hữu hiệu để phương Tây kiểm soát khu vực dầu hỏa Trung Đông; đồng thời có thể gia tăng ảnh hưởng tại nơi vốn được coi là "sân sau" của Nga.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, sức ép với Tehran gia tăng trong những ngày gần đây là do quan ngại của phương Tây về nguy cơ xảy ra chuyển dịch lớn trên cán cân quyền lực trong khu vực sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Iraq vào cuối năm nay. Iran hẳn đã chuẩn bị cho động thái này của "chú Sam". Mặc dù khó có khả năng chi phối ngay lập tức tình hình Iraq, nhưng ảnh hưởng của Iran chắc chắn sẽ tăng khi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở sát sườn không còn nữa. Đây là điều Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - những quốc gia gần gũi với Washington trong khu vực  - không mong muốn.

Hiện tại, Mỹ, EU và các nước đồng minh đang theo đuổi chiến lược hai mũi tên. Mũi thứ nhất là tăng cường "cuộc chiến" ngoại giao buộc Iran từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Mũi thứ hai sẽ chặt bỏ "vây cánh" của Tehran là Syria bằng cuộc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Vì nếu sự ủng hộ Iran tại Syria còn tồn tại, tầm ảnh hưởng của Tehran có thể sẽ vươn từ phía Tây Afghanistan tới tận Địa Trung Hải.

Với những gì đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông, phương Tây hy vọng sẽ nhanh chóng giành thế "thượng phong" trong khu vực bằng "học thuyết Obama". Đó là lấy tác nhân bên ngoài hỗ trợ lực lượng đối lập trong nước, sử dụng các bước đi chính trị để loại trừ ảnh hưởng của Iran cùng các đối tác quan trọng tại Trung Đông; đồng thời biến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành công cụ hữu hiệu trải rộng từ Tây Ban Nha đến phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Bắc Phi. Chiến lược mới của Mỹ cùng đồng minh đang làm cả Trung Đông rung lắc mạnh và cú tụt dốc nhanh chóng quan hệ Iran - Anh chỉ là một phép thử.
(Theo Hanoimoi.com.vn)


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)