Kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội khóa XIV: 11 chỉ tiêu hụt, cử tri đề nghị trả lời
Các giải pháp cải thiện tình trạng giao thông của Hà Nội luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Ảnh: Chí Cường |
Tổng hợp ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp cho thấy, các
vấn đề giao thông, giáo dục, đất đai… tiếp tục được người dân quan tâm
kiến nghị. Đặc biệt, trước việc thành phố không hoàn thành 11 chỉ tiêu
KT-XH, cử tri đã đề nghị cần làm rõ nguyên nhân.
Hơn 1/3 số chỉ tiêu không đạt
Quyết việc tăng phí, lệ phí
Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo
cáo, tờ trình chuyên đề về đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng
trên địa bàn; quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn
2050; danh mục các dự án trọng điểm thành phố giai đoạn 2011-2015; điều
chỉnh một số loại phí, lệ phí; đổi giờ làm... |
Trong các kiến nghị về kinh tế, các cử tri kiến
nghị HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố trả lời rõ nguyên nhân các
chỉ tiêu KT-XH không hoàn thành và biện pháp trong thời gian tới để giải
quyết những tồn tại đó. Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP
Hà Nội (ngày 23/11), Báo cáo tình hình KT-XH năm 2011 cho thấy, 11
trong số 30 chỉ tiêu phát triển KT-XH không đạt. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu
tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 12%, nhưng ước thực hiện cả năm chỉ
tăng 10,13%. Chỉ tiêu tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt 13,5%, trong
khi đó chỉ tiêu đề ra là 19-20%...
Về bình ổn giá, cử tri cho rằng việc triển khai
thực hiện chủ yếu tập trung ở nội đô, nên nhân dân, nhất là khu vực nông
thôn ngoại thành không tiếp cận được sự hỗ trợ này và thực tế một số
điểm bán hàng bình ổn giá của thành phố niêm yết giá cao hơn thị trường.
Cử tri kiến nghị thành phố cần có chính sách trợ giá trực tiếp cho
người sản xuất ra hàng hóa và người lao động có thu nhập thấp, không nên
trợ giá cho các siêu thị, vì những người nông dân, công nhân, lao động
thu nhập thấp không có điều kiện để thường xuyên vào các siêu thị mua
hàng, mặt khác hỗ trợ trực tiếp còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất ở khu
vực nông thôn.
Về lĩnh vực đất đai, ngoài các vấn đề quy hoạch
treo, quản lý chung cư mới, cải tạo chung cư cũ, đấu giá đất... cử tri
đặc biệt tỏ ra bức xúc trước mức giá đền bù hỗ trợ, bồi thường khi giải
phóng mặt bằng. Cử tri quận Cầu Giấy thẳng thắn chất vấn, hiện nay giá
bồi thường, hỗ trợ GPMB khi thu hồi đất thổ cư ở nông thôn còn thấp,
chưa sát thực tế, chỉ có 252.000đ/m2. Thành phố căn cứ vào cơ sở nào để
đưa ra mức giá đền bù như vậy? Đề nghị thành phố khi đưa ra quyết định
định giá đất thì cần lấy ý kiến của nhân dân...
Giao thông tiếp tục "nóng"
Chương trình thí điểm phân làn qua hơn 2 tháng thực hiện vẫn chưa đem lại hiệu quả đáng kể. Ảnh: Chí Cường |
Cùng với dư luận xã hội đang bức xúc về tình trạng
ùn tắc giao thông, các ý kiến của cử tri tới HĐND TP Hà Nội cũng đã đưa
ra nhiều đề xuất, kiến nghị mang tính lâu dài, đồng bộ. Cử tri hầu hết
các quận nội thành đã chỉ rõ, các biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông
ở Hà Nội hiện nay như: phân làn các phương tiện, bịt các ngã tư... mới
chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều ý kiến đã đề nghị thành phố cần có quy
hoạch phát triển giao thông đồng bộ, khoa học, hạn chế cấp phép loại
hình vận tải taxi; hạn chế ô tô cá nhân; di chuyển các trường đại học,
bệnh viện, cơ sở sản xuất lớn ra ngoại thành...
Việc triển khai các bến xe tĩnh, quản lý các điểm
trông giữ phương tiện giao thông cũng được rất nhiều cử tri quan tâm. Cử
tri các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đề nghị đẩy nhanh triển khai các bãi
xe tĩnh, điểm trông giữ xe ngầm, không cho phép đỗ xe trên vỉa hè, tại
các tuyến phố có mật độ phương tiện giao thông cao... Cử tri quận Tây Hồ
còn chỉ rõ và đề nghị thành phố giải quyết vấn đề ách tắc giao thông
đoạn đường Thụy Khuê giáp với vườn hoa Lý Tự Trọng và Mai Xuân Thưởng
(do trường THPT Chu Văn An rào chắn đoạn đường ngõ 10 Thụy Khuê làm nơi
trông giữ xe đạp cho học sinh).
Cử tri quận Đống Đa đề nghị thành phố cải tạo, cống
hóa xây dựng các mương thoát nước trên địa bàn, như tuyến mương Tây
Sơn, mương phố Phương Mai, mương Cống Chẹm. Đồng thời đề nghị mở rộng
các nút cổ chai từ ngõ 102 đường Trường Chinh đến phố Lương Định Của,
xén vỉa hè và giải tỏa dãy ki ốt thuộc Công ty Xe khách - Tổng công ty
Đường sắt Việt Nam để mở rộng đường Khâm Thiên, triển khai dự án cầu
vượt dành cho người đi bộ tại ngã tư Trung Liệt - Thái Hà...
(Theo giadinh.net.vn)