Văn hoá đối ngoại trong thế giới hội nhập (02/12/2011)
 |
Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Dự Hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và ngoại giao, các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn khẳng định: Trong thế giới toàn cầu hoá, việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của văn hoá ngày càng được coi trọng.
Nhiều quốc gia gắn văn hoá với phát triển, coi văn hoá là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá giúp đạt các mục tiêu mà chính sách văn hoá đặt ra, đó là tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước, góp phần xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Không những thế, hợp tác về văn hoá còn là nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Thông qua các hoạt động văn hoá đối ngoại, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước con người và văn hoá Việt Nam, từng bước tạo dựng lòng tin đối với Việt Nam, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế…
Hội thảo đã nghe 44 tham luận về nhiều chủ đề khác nhau của các cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học đến từ Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo trung ương, các trường đại học, học viện, các báo và tạp chí… về nhiều chủ đề khác nhau, từ những vấn đề mang tính lý luận của văn hóa đối ngoại, đến những kinh nghiệm chuyên ngành cụ thể như giáo dục bảo tàng, giáo dục nghệ thuật, biểu đạt của nghệ thuật tạo hình trong ngoại giao văn hóa, từ các vấn đề của ngoại giao nhân dân, đối ngoại công chúng đến văn hóa du lịch, ẩm thực truyền thống, festival quốc tế...
Ba nhóm chuyên đề chính được tập trung thảo luận tại hội thảo là: Những vấn đề lý luận về văn hoá đối ngoại với nội dung: Làm rõ các vấn đề lý luận về văn hoá đối ngoại, ngoại giao văn hoá, nội dung và hình thức văn hoá đối ngoại, làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá đối ngoại của Việt Nam; phân tích những yếu tố tác động, xu thế chính sách văn hoá đối ngoại của Việt Nam, những tiềm năng và thế mạnh của văn hoá đối ngoại Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả những giá trị và bản sắc văn hoá Việt Nam.
Chuyên đề Phát triển văn hoá đối ngoại Việt Nam với nội dung xoay quanh vấn đề về kế hoạch và hành động phù hợp trong lĩnh vực ngoại giao văn hoá, đẩy mạnh công tác quảng bá các giá trị văn hoá trong lĩnh vực ngoại giao; vai trò của đội ngũ những người làm công tác ngoại giao văn hoá…
Chuyên đề Văn hoá đối ngoại và toàn cầu hoá: Trước xu thế toàn cầu hoá, các nền văn hoá đều có sự ảnh hưởng lẫn nhau, tiếp thu các yếu tố ngoại sinh để làm phong phú, đa dạng nền văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc mình khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Và vấn đề đặt ra là, trước xu thế toàn cầu hoá ấy, cần phải có một chiến lược lâu dài và những chính sách cụ thể để quảng bá văn hoá dân tộc, làm cho bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam…
Những vấn đề được nghiên cứu và thảo luận tại Hội thảo lần này sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hoá có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa đối ngoại trong thế giới hội nhập, từ đó có thể đi đến những ý kiến chung nhất, đề ra những giải pháp, phương thức để nâng cao hiệu quả quảng bá văn hoá Việt Nam đến bạn bè thế giới.
(Theo baovanhoa.vn)