Lo chuyện thưởng Tết Tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ trong việc công bố mức thưởng
Mức thưởng Tết cho công nhân ngành dệt may và giày da dự kiến bằng năm ngoái.
Vẫn chỉ là 1 tháng lương
Lao động trong toàn ngành dệt may Việt Nam
lên đến hơn 2 triệu người, riêng các doanh nghiệp trong Vinatex là trên
120.000 người. Năm 2011, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ)
trong tập đoàn là 3,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 500.000
đồng/người/tháng so với năm 2010. Ngoài tiền lương, các doanh nghiệp còn
có những chế độ thưởng khác như thưởng năng suất, tiết kiệm vật tư, làm
việc chuyên cần; hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về nghỉ Tết… Nhiều
doanh nghiệp còn xây nhà lưu trú cho công nhân.
Báo cáo của các doanh
nghiệp dệt may trên địa bàn TPHCM cho thấy các doanh nghiệp trong nước
có mức thưởng Tết bình quân khoảng 3 triệu đồng/người, tăng 500.000
đồng/người so với năm trước. Còn ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài, mức thưởng Tết bình quân 2,7 triệu đồng/người, tăng 200.000
đồng/người so với năm 2010.
“Trong cơ cấu giá thành
may gia công, tiền lương công nhân chiếm tới 65%. Từ đầu năm đến nay,
đơn giá không thay đổi, đơn hàng khan hiếm trong khi chi phí tiền lương
tăng nên để thưởng Tết cho công nhân một tháng lương, doanh nghiệp cũng
phải gồng mình”- ông Bùi Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Khải Hoàn,
một doanh nghiệp có hơn 5.000 công nhân tại huyện Bình Chánh - TPHCM,
nói.
Cố gắng để… bằng năm ngoái
Tại các KCX-KCN ở
TPHCM, năm ngoái, vào thời điểm này, đã có doanh nghiệp công bố thưởng
Tết nhưng năm nay, tình hình khá yên ắng. Chủ tịch Công đoàn một doanh
nghiệp có vốn nước ngoài tại KCX Linh Trung, than phiền rằng mặc dù công
đoàn đã sớm đề nghị song công ty vẫn chưa trả lời vì còn chờ ý kiến từ
công ty mẹ ở Nhật Bản.
Ông Đinh Văn Giai, Chủ
tịch công đoàn Công ty Toàn Thắng (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu,
quận Thủ Đức - TPHCM), cho biết: “Ngoài thỏa thuận với công đoàn cơ sở
điều chỉnh lương tối thiểu lên 2,5 triệu đồng, về cơ bản mức thưởng Tết
năm nay ngang bằng năm ngoái. Bình quân một tháng lương cơ bản; nếu công
nhân có thành tích xuất sắc, ban giám đốc sẽ thưởng thêm từ 10% - 50%”.
Tại Công ty Hansae Việt Nam
(100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc Củ Chi - TPHCM), dù đơn giá gia công
suốt năm qua giẫm chân tại chỗ song ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì
thưởng Tết một tháng lương. Ước tính số tiền thưởng Tết của Công ty
Hansae Việt Nam
gần 2,7 tỉ đồng. “Dù gặp khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng thắt lưng buộc
bụng để thưởng Tết cho công nhân, bởi đó vừa là trách nhiệm vừa là đạo
lý” - ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Hành chánh - Nhân sự công ty, cho
biết.
Việc không có, nói gì thưởng!
Báo cáo tình hình
lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp tại TPHCM cho thấy: Do gặp khó
khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể hoặc có nguy cơ
giải thể. Đã không có việc làm, thu nhập thì còn nói gì đến thưởng Tết!
Điển hình là Công ty Baxter Brenton Việt Nam
(100% vốn Thái Lan, quận Bình Tân - TPHCM). Do gặp khó khăn, từ tháng
9/2011, công ty đã đóng cửa khiến 200 công nhân mất việc. Ngoài các
khoản trợ cấp, công ty còn nợ BHXH hơn 280 triệu đồng. Hiện nay, cả tổng
giám đốc công ty và người được ủy quyền đều “biến mất”, công nhân đang
cầu cứu khắp nơi.
Cùng thời gian này, hơn
200 công nhân Công ty Miso Vina (100% vốn Hàn Quốc) cũng mất việc do
doanh nghiệp giải thể. “Giám đốc biệt tăm, tiền lương chúng tôi còn chưa
được nhận, làm gì có thưởng mà hỏi?” - công nhân Nguyễn Thị Sai bức
xúc.
Còn tại huyện Hóc Môn -
TPHCM, công nhân ở các Công ty Gia Thuần, Phú Đăng cũng khốn đốn do
doanh nghiệp giải thể. Tại huyện Bình Chánh - TPHCM, có 3 doanh nghiệp
đang đối diện nguy cơ đóng cửa do đơn hàng không ổn định.
Một cán bộ LĐLĐ huyện
Bình Chánh cho biết: “Chắc chắn công nhân tại 3 doanh nghiệp này sẽ
không có tiền thưởng”. Tương tự, tại huyện Củ Chi, hàng trăm công nhân
tại 8 doanh nghiệp dệt may đang rất lo lắng vì doanh nghiệp thiếu đơn
hàng.
“Ngoài lương chờ việc,
công nhân rất hoang mang về tiền thưởng Tết. Hiện LĐLĐ huyện đang dồn
sức hỗ trợ công nhân tại các doanh nghiệp này” - bà Nguyễn Thị Ánh Thu,
Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, cho biết.
Xăng dầu, dầu khí thưởng “yếu”
Ông Bùi Ngọc Bảo,
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết kinh
doanh xăng dầu năm nay không hiệu quả nên không thể có mức thưởng lớn
như những ngành khác. Mức thưởng Tết cho NLĐ cũng chỉ là tháng lương thứ
13.
Còn theo bà Lê Thị
Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro, năm qua hoạt động kinh doanh
xăng dầu, kể cả mặt hàng gas, cũng không đạt hiệu quả như mong muốn,
thậm chí có thời điểm lỗ nặng nên việc thưởng Tết sẽ cố gắng giữ như mức
năm ngoái, dao động khoảng 3 tháng lương.
Ông Hà Duy Dĩnh, Chủ tịch công đoàn Dầu khí Việt Nam,
cho rằng thu nhập trung bình của cán bộ công nhân viên trong ngành
tương đối cao (khoảng 10 triệu đồng/tháng) nên đơn vị không đặt nặng vấn
đề thưởng Tết mà chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính.
Năm nào cũng vậy, các thành viên trong tập đoàn đều có mức thưởng Tết từ 1 - 2 tháng lương, không có năm nào vượt quá mức này. |
(Theo Dantri.com.vn)