Một kiến trúc mẫu mực của phương Tây
Nhà
hát Lớn Hà Nội là một công trình quy mô mà chính quyền thực dân Pháp đã
xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Công trình được
xây dựng theo kiểu mẫu nhà hát Opera Garnier ở Pari từ năm 1901 và phải
mất 10 năm mới xong do chủ trương khác nhau của những người cầm quyền.
Đây là một trong các trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nơi thường
xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, những sự kiện
lớn của Thủ đô và đất nước.
Sau
100 năm tồn tại (1911 - 2011), Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ một giá trị
to lớn trong hệ thống các di tích Lịch sử của thủ đô. Trong ảnh: Nhà hát
Lớn và phố Tràng Tiền đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu |
Nhà
hát dài 87 mét, rộng 30 mét, chỗ cao nhất lên tới 34 mét. Bên trong nhà
hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính chứa được 870 chỗ
ngồi. Cầu thang chính lên tầng hai là sảnh chính rộng, còn cầu thang phụ
ở hành lang hai bên. Phía sau nhà hát là phòng quản trị, mười tám buồng
cho diễn viên hóa trang, hai phòng tập hát, phòng gương, thư viện và
phòng họp. So với dân số Hà Nội đầu thế kỉ 20, thì quy mô kiến trúc nhà
hát vào thời điểm bấy giờ là rất lớn.
Mặt
trước nhà hát rất bề thế, khang trang, có nhiều bậc trông ra quảng
trường rộng (nay gọi là quảng trường Cách mạng Tháng 8), chỗ đầu mối tập
trung của nhiều đường phố lớn. Quan sát từ bên ngoài, Nhà hát Lớn Hà
Nội mang dáng dấp Gôtích cổ điển. Ông Nguyễn Hữu Bảo, phóng viên ảnh Tạp
chí Xưa và Nay (Hội Lịch sử Việt Nam) cho biết: “Khác với Bảo tàng Lịch
sử có sự kết hợp của kiến trúc phương Đông và kiến trúc phương Tây, Nhà
hát Lớn Hà Nội hoàn toàn mang dáng dấp của một nhà hát opera châu Âu,
với kiến trúc thời Phục Hưng”.
So
với Sài Gòn và Hải Phòng thì Nhà hát thành phố Hà Nội được xây dựng
sau. Nhưng so về quy mô và vẻ đẹp thì chắc không gì sánh nổi Nhà hát Lớn
Hà Nội.
Năm
1995, Nhà hát Lớn Hà Nội được tu bổ để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao
Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam năm 1998. Theo đánh giá của
nhiều nhà khoa học, đợt trùng tu này đã thành công, cơ bản giữ lại được
Nhà hát Lớn theo nguyên bản lúc đầu.
Ngày
nay, Nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn
Kiếm. Với kiến trúc đẹp, Nhà hát Lớn luôn là địa điểm chụp hình không
thể thiếu của mỗi du khách khi đến Hà Nội, đồng thời cũng là điểm hẹn để
những đôi uyên ương ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho ngày vui của
mình.
Địa danh lịch sử số 1 của Thủ đô
Nhân
dịp sinh nhật 100 năm tuổi, Nhà hát Lớn Hà Nội, quảng trường 19/8 cùng
với 18 di tích khác trên cả nước vừa được công nhận là Di tích Quốc gia.
Có được vinh dự này, không chỉ bởi Nhà hát Lớn Hà Nội là điển hình của
sự giao lưu văn hóa trong kiến trúc, mỹ thuật đầu thế kỉ 20, mà còn bởi
nó đã sống cùng lịch sử dân tộc.
Nhà
hát Lớn Hà Nội và Quảng trường 19/8 là nơi đã diễn ra những sự kiện
lịch sử trọng đại, gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm
đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, tại Quảng
trường 19/8 đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh. Hai ngày
sau, chính tại đây đã diễn ra cuộc biểu dương lực lượng của hàng chục
vạn quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 19/8
đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của
nhân dân Việt Nam và Nhà hát Lớn đã có vinh dự là nơi “cắt rốn” của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để đến ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh
khai sinh cho Nhà nước ấy ở Quảng trường Ba Đình.
Một
dấu mốc khác cũng rất quan trọng: Sáng ngày 2/3/1946, Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Quốc
hội đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Ban Thường trực Quốc hội
và bầu Ban dự thảo Hiến pháp. 13 giờ 10 phút, kỳ họp bế mạc. Như vậy
Quốc hội họp khẩn trương trong vòng 4 giờ nhưng đã làm được những việc
quan trọng đối với lịch sử và thời cuộc.
Hầu
hết các kỳ họp của Quốc hội các khóa I, II đều diễn ra tại Nhà hát Lớn.
Từ các kỳ họp này, những đường lối, quyết sách liên quan đến đời sống
của nhân dân, dân tộc trong những ngày trứng nước đã được ban bố. Như
vậy, suốt một thời gian dài, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn là trung tâm chính
trị mà lịch sử rất đáng phải ghi nhớ. “Nơi nào dù chỉ một lần được đón
Bác Hồ cũng đáng phải ghi nhớ, đáng được xếp hạng di tích lịch sử cách
mạng. Nơi đây từng trên chục lần đón Bác chủ trì các kỳ họp của Quốc hội
đầu tiên. Không kể sau đó Bác còn một số lần tới đây dự mít tinh với
đồng bào. Vì vậy di tích này có ý nghĩa rất quan trọng”, nhà Hà Nội học
Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ.
(Theo baotintuc.vn)