Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 08/12/2011 02:24
Đại biểu HĐND: Hà Nội phân làn quá lộn xộn và không hiệu quả!
Nhận định giải pháp phân làn, phân tuyến giao thông ở Hà Nội hiện nay rất lộn xộn và không hiệu quả, đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, thành phố cần chấn chỉnh việc làm này. Đồng thời phải cương quyết di dời các trường đại học ra ngoại thành để chống ùn tắc.
Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ XIV, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và phương hướng năm 2012. Hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các chung cư cũ, giải pháp giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, tăng thuế trước bạ ô tô, xe máy đã được đưa ra mổ xẻ…
 
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Cao Minh, quận Thanh Xuân cho rằng, quy hoạch hạ tầng đô thị hiện nay phải gắn với phát triển giao thông, xã hội và sự phát triển chung của thành phố. Theo đại biểu này, hiện nay, quy hoạch chung rất lộn xộn.
 
Không đâu xa, chỉ riêng vấn đề cải tạo chung cư cũ và xây dựng mới cũng rất nhiều vấn đề phải bàn. Với các khu chung cư cũ, hiện nay riêng khu vực Thượng Đình (Thanh Xuân) có tới 3 chung cư cũ nhưng việc cải tạo lại vô vàn khó khăn.
 
Vị đại biểu quận Thanh Xuân cho rằng, không thể tưởng tượng được ở giữa Thủ đô mà điều kiện ăn ở của người dân hết sức khổ cực. Hơn nữa, có cải tạo được chung cư cũ mới có điều kiện làm tiếp các việc khác.

  Ảnh minh họa
Xe máy, xe đạp dẫn đường cho ô tô ở các tuyến phố phân làn.

Với các chung cư mới, năm vừa qua thành phố có hàng chục, hàng trăm dự án xây dựng. Tuy nhiên, nếu cứ để mãi tình trạng chung cư cũ chưa làm được, mới đã bùng phát thì sẽ gây ngổn ngang, câu giờ, cầm chừng. Mặt khác, với tốc độ tăng dân số hiện nay cho dù các dự án này có được xây dựng xong cũng không thể đáp ứng được nhu cầu.
 
Theo địa biểu này, thành phố phải quan tâm đến hạ tầng xã hội trong chung cư mới, nếu không đủ điều kiện thì không cho xây dựng, vì hầu hết các doanh nghiệp hiện nay khi đầu tư xây dựng chung cư chỉ chú ý đến lợi ích của doanh nghiệp mà không quan tâm đến lợi ích xã hội.
 
Đề cập đến vấn đề ùn tắc giao thông, đại biểu của quận Thanh Xuân cho rằng, những giải pháp về điều chỉnh giờ làm, giờ học; tăng phí trước bạ ô tô, xe máy…hiện nay đều chỉ là các biện pháp trước mắt.
 
Theo đại biểu này, thành phố cần rút kinh nghiệm trong việc phân làn, phân tuyến trên một số tuyến phố vì việc phân làn hiện nay quá lộn xộn và không hiệu quả. “Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, thành phố phải có biện pháp cương quyết hơn với việc di dời các trường đại học”, đại biểu đại diện quận Thanh Xuân nhấn mạnh. 
 
Đề cập đến vấn đề tăng phí trước bạ với ô tô, xe máy, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, đại diện quận Hai Bà Trưng cho rằng, vấn đề tăng thuế trước bạ phải tham khảo các địa phương xung quanh vì hiện nay ô tô chạy trên các tuyến đường của Thủ đô không chỉ có riêng của Hà Nội. Nếu thành phố đưa ra mức chênh lệch quá cao thì người dân sẽ đăng ký ở các địa phương lân cận. Thực tế trước đây đã xảy ra việc này với xe máy.
 
Theo đại biểu này, để chống ùn tắc giao thông, thành phố cần phải hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
 
Đồng ý với đề xuất tăng phí trông giữ xe theo đề xuất của UBND thành phố, đại biểu Nam cho rằng, việc tăng phí trông giữ xe là để phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, nếu tăng phí trông giữ xe thì cũng cần phải tăng phí sử dụng vỉa hè vì nếu chỉ tăng phí trông giữ xe mà  không tăng phí cho thuê vỉa hè thì vô tình sẽ tiếp tay cho việc xuất hiện các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc, do đó, thành phố cần nghiên cứu kỹ về biện pháp này.
 
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội Hà Nội năm 2011 không đạt chỉ tiêu, đại biểu Nguyễn Hữu Thắng, huyện Từ Liêm nhận định, sang năm 2012, kinh tế xã hội sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 
 
  Ảnh minh họa
Đại biểu HĐND thảo luận tại hội trường sáng 9/12. Ảnh: Xuân Tùng

Theo đại biểu này, hiện nay hệ thống ngân hàng tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động, phá sản rất nhiều, do đó có thể nhận thấy tình hình kinh tế xã hội trong năm tới sẽ rất khó khăn. Hiện thành phố có 130.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 60.000 doanh nghiệp nộp thuế, điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng.
 
Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, thành phố cần phải xem lại cơ cấu phân bổ ngân sách,  nên quan tâm đến quỹ phát triễn xã hội nhiều hơn: quỹ phát triển việc làm, an sinh xã hội. Thành phố chỉ chi có 300 tỷ đồng cho các quỹ này trong năm 2012 thì quá ít, trong khi đó quỹ đầu tư phát triển hạ tầng là hơn 2.200 tỷ.
 
“Chúng ta hiện có 130.000 doanh nghiệp, cứ cho là có 70.000 doanh nghiệp nộp thuế. Tuy nhiên, với mức đầu tư cho các doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng như hiện nay thì mỗi năm mỗi doanh nghiệp chỉ được đầu tư khoảng 700.000 đồng/ một doanh nghiệp; trong khi đó, các nguồn thu thì rất lớn hơn 80.000 tỷ, điều này là quá vô lý”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
 
Phân tích về việc GDP năm 2011 không đạt so với kế hoạch, đại biểu huyện Từ Liêm cho rằng, việc tăng chỉ số GDP của Hà Nội và TPHCM chịu rất nhiều áp lực. Vì đây là các đô thị lớn cho nên chỉ cần GDP tăng 1% cũng rất khó khăn.
 
Trong khi áp lực cao nên nếu cứ phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm sau cao hơn trước thì rất khó và là vấn đề muôn thuở. Chính vì vậy, thành phố cần định hướng lại để xác định lại chỉ số tăng GDP. Thành phố nên lấy các chỉ tiêu khác để đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội hơn là lấy GDP.


(Theo vnmedia.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)