Do đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
về đảm bảo trật tự an toàn giao thông,
nên ý thức chấp hành Luật Giao thông trong nhân dân được nâng cao
Ảnh: QUỐC ANH
An Giang:
Đẩy mạnh phong trào"Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”
Để kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, tỉnh đã xây
dựng mô hình xã, thị trấn "tự quản về an toàn giao thông”. Các đội công
tác thực hiện nhiệm vụ tự quản về an toàn giao thông được thành lập tại
các xã, thị trấn. Đặc biệt, với mạng lưới giao thông đường thủy nội địa
khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường thủy, An
Giang đã tích cực hưởng ứng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên
sông nước” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động. Để cuộc vận động có hiệu
quả, thực sự đi vào cuộc sống, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh
ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào
"Văn hóa giao thông với bình yên sông nước''. Theo đó, các mặt công tác
bảo đảm trật tự ATGT đường thủy được đẩy mạnh; tập trung tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy, xây dựng ý thức,
trách nhiệm của mỗi người đối với pháp luật và công tác bảo đảm trật tự
ATGT đường thủy. Các lực lượng chức năng quản lý nhà nước về trật tự
ATGT đường thủy cũng tiếp tục phát huy ý thức trách nhiệm trong công
việc để người dân luôn cảm thấy an tâm khi sinh sống giữa vùng sông
nước.
Quảng Ninh:
Xây dựng "Khu dân cư văn hóa - An toàn giao thông”
Trong 10 năm qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ
cùng Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận đẩy mạnh
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông từ khu dân cư đến từng hộ dân, từng đoàn viên, hội viên. Hình
thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú. Từ năm 2008, Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng Đề án "Khu dân cư văn hóa - An
toàn giao thông”, làm điểm ở 15 khu dân cư trên 8 địa phương trọng điểm
về ATGT. Hiệu quả hoạt động của các khu dân cư rất tốt. MTTQ cũng phối
hợp và phát động cuộc vận động ủng hộ phao vì người nghèo làm nghề sông
nước. Các địa phương, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính
trị-xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ được 11.930 phao
cứu sinh phát cho bà con nghèo sinh sống, làm nghề trên biển trong toàn
tỉnh. Hàng năm, MTTQ tỉnh đều tổ chức tập huấn về công tác đảm bảo ATGT
cho 100% cán bộ MTTQ các cấp, nhất là đội ngũ Trưởng ban công tác Mặt
trận khu dân cư... Nhờ đó, hàng năm, trên địa bàn tỉnh thường xuyên có
hơn 30.000 hộ dân đăng kí xây dựng gia đình văn hóa không vi phạm
TTATGT.
Nghệ An :
Ký cam kết "10 không khi tham gia giao thông”
Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao trong Nghị
quyết 02/NQ-LT, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với MTTQ tỉnh tổ chức nhiều
đợt tuyên truyền, ra quân hưởng ứng chiến dịch bảo đảm trật tự ATGT và
ra lời kêu gọi phát động toàn dân tích cực hưởng ứng tham gia. Cam kết
"10 không khi tham gia giao thông” (không điều khiển ô tô, xe máy khi
không có giấy phép lái xe, không lạng lách đánh võng vượt quá tốc độ;
không cổ vũ đua xe trái phép; không điều khiển mô tô, xe máy khi đã uống
rượu bia... được tổ chức để người dân các địa phương, ban ngành, đoàn
thể cùng ký kết và thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành, thị
và cơ sở kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; chọn các khu dân
cư làm điểm chỉ đạo để rút kinh nghiệm, mở hội nghị triển khai cho Chủ
tịch UBMTTQ huyện, xã, trưởng Ban công tác Mặt trận và các tổ chức thành
viên, đoàn viên, hội viên. Hàng năm, việc bình xét danh hiệu khu dân cư
tiên tiến trong CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư”, được gắn với an toàn giao thông. Tỉnh cũng đã xây dựng, nhân
rộng nhiều mô hình điểm về ATGT như: Câu lạc bộ "Gia đình không có người
vi phạm về TTATGT”; xây dựng "Khu phố an toàn”, "Đoạn đường xanh, sạch,
đẹp và an toàn”, các hội thi " lái xe giỏi và an toàn”, "An toàn giao
thông cho bạn là hạnh phúc của toàn xã hội”; "Vì hạnh phúc của bạn”; thi
viết "Tìm hiểu pháp luật về TTATGT”; "Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện
của Bạn”;...
Đồng Tháp:
Nhân rộng mô hình điểm
Là một tỉnh đầu nguồn nằm dọc theo hai nhánh sông
Tiền Giang và Hậu Giang, do phong tục, tập quán, thói quen của người dân
Nam Bộ khu vực nông thôn là vừa canh tác nông nghiệp, vừa khai thác
đánh bắt thủy sản, hàng hóa sản xuất ra thì tự tiêu thụ, nên người dân
trong tỉnh chủ yếu sống ven theo các tuyến lộ giao thông, kể cả giao
thông đường thủy. Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02, Ban Thường trực
UBMTTQ tỉnh phối hợp cùng Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng Kế hoạch
liên tịch số 16/2001/KHLT-MTTQ-BATGT. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tổ chức hội
nghị triển khai trong nội bộ hệ thống Mặt trận Tổ quốc và Ban An toàn
giao thông huyện, thị, thành, từ đó tiếp tục hướng dẫn và triển khai
xuống cấp xã, phường, thị trấn, khóm, ấp và các tầng lớp nhân dân.
Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh phối hợp cùng Ban An toàn
giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt
Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở từ xã, phường, thị trấn đến khóm, ấp. Năm
2005, tỉnh chọn 11 xã, phường, thị trấn để làm điểm chỉ đạo về vận động
nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nội dung xây dựng
điểm chủ yếu là truyên truyền, vận động, đồng thời phát động cho các hộ
dân trong xã tự giác đăng ký tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao
thông, gắn với việc đăng ký xây dựng "Gia đình văn hóa”; hướng dẫn người
dân thực hiện các điều kiện an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia
giao thông, vận động người dân tự giác dọn dẹp, phát quang, không lấn
chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi sinh hoạt, mua bán, trưng bày, quảng
cáo, phơi các sản phẩm từ nông – lâm – ngư nghiệp... 100% các hộ gia
đình thuộc các đơn vị điểm đã đăng ký thực hiện.
Trong thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông và
trật tự giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã giảm cả 3 mặt (số vụ, số
người chết và số người bị thương), trật tự giao thông được lập lại, ý
thức người tham gia giao thông được nâng cao. Tỷ lệ đơn vị, công sở đạt
chuẩn văn hóa đạt 89%, gia đình văn hóa đạt 82,66%, khóm, ấp đạt 62%,
xã, phường, thị trấn đạt 45%.
(Theo daidoanket.vn)
|