Phá tan âm mưu của địch
Tu
Vũ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, dũng cảm đấu tranh, cần cù
chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất để chuẩn bị cho cuộc kháng
chiến trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ do giặc Pháp xâm chiếm vào những
năm 1947 – 1951. Với truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc,
tinh thần kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, Tu Vũ luôn hướng về
Đảng, cách mạng góp phần làm nên chiến thắng oai hùng, mở màn cho chiến
dịch Hòa Bình.
Ông Phạm Dụ ở phường Nông Trang (thành phố Việt
Trì) là một trong những nhân chứng còn sống sót trong trận chiến đấu Tu
Vũ cho biết: Cuối năm 1950, tôi được tỉnh Phú Thọ điều về tăng cường cho
Thường vụ huyện ủy Thanh Thủy, năm sau tôi được trực tiếp phục vụ trận
đánh Tu Vũ và chiến dịch Hòa Bình. Hơn nửa thế kỷ đã qua song những gì
thấy được đã để lại trong ký ức ông những dấu ấn thật khó quên. Ông Dụ
kể lại: Ngày ấy Tu Vũ được Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch giao
nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 tấn công cứ điểm
Tu Vũ. Đúng 20 giờ 10/12/1951 quân ta tiếp cận trận địa. Địch phát hiện
nã pháo ngăn chặn. Pháo của ta trên đường vận động bị phá hỏng 3 khẩu,
còn lại 4 khẩu, 2 giờ sáng 10/12 mới tiếp cận được cứ điểm của địch. Đại
đội chủ công Tô Văn phải nằm đợi gần 5 giờ ở hàng rào thép gai dưới hỏa
lực của 29 khẩu pháo địch từ Cổ Pháp, Trung Hà, Đá Chông bắn tới. Quân
ta anh dũng chiến đấu đến 5 giờ sáng hôm sau mới hoàn toàn làm chủ trận
địa. Huyện Thanh Thủy hoàn toàn được giải phóng sau hơn 3 năm bị tạm
chiếm, riêng Tu Vũ là 4 năm kể từ tháng 10/1947, góp phần phá tan kế
hoạch chiếm đóng Hoà Bình của địch.
Sau chiến thắng Tu Vũ, Trung
đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 được Bác Hồ đặt tên “Trung đoàn Tu Vũ anh
hùng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen cán bộ chiến sỹ và nhân
dân, trong thư Đại tướng viết: “Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên lớn
nhất mở màn chiến dịch. Nó thể hiện tinh thần hy sinh quả cảm, tích cực
tiêu diệt địch và tính chủ động, linh hoạt trong chiến đấu...”. Đại
tướng cũng khẳng định: “Không có trận Tu Vũ thì không có Him Lam – Độc
Lập”.
Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân xã Tu Vũ vinh dự được Đảng,
Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời
kỳ chống Pháp”; năm 1996 mặt trận Tu Vũ được công nhận “Di tích lịch sử
văn hóa cấp Quốc gia".
Vang mãi khúc tráng ca
Chiến
tranh đã đi qua, xã anh hùng Vũ Tu ngày càng có sự thay đổi cơ bản về
kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân phát triển.
Bà Phạm
Thị Hoan - Chủ tịch UBND xã Tu Vũ cho biết, Tu Vũ có tỉnh lộ 317 chạy
qua, giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi cho giao lưu, thông
thương hàng hóa giữa các xã trong huyện, qua Thanh Sơn, Hòa Bình, Hà
Nội; đồng ruộng bằng phẳng, phì nhiêu; người dân có truyền thống cần cù,
sáng tạo, đoàn kết lao động sản xuất. Đó là những tiềm năng, lợi thế
đặc biệt giúp người dân trên đất lửa anh hùng năm xưa phát triển kinh tế
nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ nhanh chóng xóa
đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phong trào sản xuất nông
nghiệp theo phương thức hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,
chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, tăng giá trị hàng hóa trong sản
phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đã trở
thành phổ biến với người dân Tu Vũ. Diện tích cấy lúa kém hiệu quả đều
được bà con chuyển sang trồng ngô, đậu tương, rau màu cho hiệu quả kinh
tế cao. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đều tăng 8,5%.
Lương thực bình quân đạt 502 kg/người/năm. Sản xuất tiểu thủ công
nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển mạnh với các hoạt động phong phú
như: Gò hàn, mộc gia dụng, gạch bê tông, xây dựng, khai thác cát sỏi,
vận chuyển hàng hóa…tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho người lao
động. Đến nay, tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã
chiếm 39,9% trong cơ cấu kinh tế của xã. Đời sống người dân được cải
thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đạt gần 9 triệu đồng/người/năm, góp
phần giảm hộ nghèo từ hơn 30% năm 2005 xuống còn 12% năm 2011...
Tiếp
tục phát huy truyền thống xã anh hùng, những năm tới, Đảng bộ và nhân
dân xã Tu Vũ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, xã Tu Vũ tập
trung mở rộng các ngành nghề, các mô hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu
cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa an toàn, bền vững
có giá trị kinh tế cao. Xã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm,
thu nhập bình quân đầu người từ 10 đến 12 triệu đồng/năm.
Chia
tay Tu Vũ khi mặt trời đang dần khuất sau những đồi rừng xanh ngút.
Những hoạt động sôi nổi nằm trong chương trình Kỷ niệm 60 năm ngày chiến
thắng Tu Vu (10/12/1951 – 10/12/2011) do tỉnh Phú Thọ tổ chức làm không
khí thêm vui tươi . Quê hương cách mạng đang thay da đổi thịt, niềm vui
rạng ngời hiện hữu nơi đây./.
|