Mới đây, một cô bạn đã chia sẻ với tôi: “Trên mạng đang chuyền nhau
một clip hết sức ngây ngô, dễ thương, khi hỏi trẻ con tết là gì, các
cháu cứ ngây hết cả ra. Lúc xem mình cũng chỉ buồn cười, nghĩ cái clip
nói quá, thế mà đem về hỏi mấy đứa cháu, hóa ra không biết thật, ba đứa
như một, chỉ nói được một chữ “lì xì”. Nhìn cháu mình bây giờ chả thiếu
thứ gì, nhưng cái cảm giác háo hức giống mình ngày xưa hình như bây giờ
không còn nữa…”.
Chuyện này làm tôi cũng ngớ người và thử tìm hiểu xem thật sự những
“mầm non tương lai” của đất nước ở độ tuổi học tiểu học có “ngây hết ra”
như vậy khi hỏi về ngày tết hay không. Từ Bạc Liêu, cô Dương Túy Phượng
- chủ nhiệm lớp 3/2 Trường tiểu học Lê Văn Tám - cho biết: “Tôi vô cùng
ngỡ ngàng vì hiểu biết của các em về ngày tết còn hạn chế quá. Lớp học
có 40 em, 22 em mong ngày tết là vì được đi chơi, 6 em bảo tết là có quà
và áo mới mà mẹ hứa mua cho. Đặc biệt chỉ có 1 em mong đến tết để được
đi thăm bà ngoại ở miền Trung. Số còn lại… ngồi im re”. Cô Túy Phượng
cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Từ lâu nay, người lớn chưa hiểu hết tâm tư
của trẻ em về ngày tết và chưa dạy dỗ cặn kẽ về ý nghĩa của ngày tết cho
các em”. Gọi điện cho cháu trai là Nguyễn Minh Quốc đang học lớp 1
Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, thì nhận được
câu trả lời rằng: “Tết thì cháu được nghỉ học và ba má cho chơi game
thoải mái hơn!”.

Ảnh: galaxy
|
Nghĩ rằng các em học sinh tiểu học ở tỉnh có thể ít quan tâm về ý
nghĩa của ngày tết và “ấn tượng” về ngày tết của em cũng khác trẻ em ở
thành phố lớn, nên tôi gặp một cô giáo dạy tiểu học ở TP.HCM để nghe
những chia sẻ. Và cô này cũng thốt lên: “Đúng là các em rất mơ hồ về ý
nghĩa thật sự của ngày tết. Hỏi 10 em chắc hết 9 em nghĩ rằng ngày tết
chỉ là được nhận bao lì xì”.
Anh Võ Văn Nhung, phụ huynh của bé Võ Dương Nhật Hưng học Trường tiểu
học Kim Đồng, Q.Bình Tân, TP.HCM, tâm sự: “Mới đây, tôi nói với bà xã
“loay hoay mới đó mà đã sắp đến tết rồi!”, vậy là bé Hưng bất ngờ hỏi:
“Tết là gì hả mẹ?” khiến vợ chồng tôi cũng lúng túng. Thật tình là mình
chưa bao giờ giải thích thấu đáo cho con trẻ về ý nghĩa của ngày tết”.
Tiếp cận với Nhật Hưng, tôi cũng nhận được câu trả lời rất hồn nhiên:
“Tết con được nghỉ học, là nghỉ hè hả cô? Con thích Noel thôi à!”.
Nói đến chữ “tết” trong mắt trẻ thơ, không thể bỏ qua những em thiếu
nhi mồ côi, có hoàn cảnh bất hạnh. Chúng tôi ngược lên Tây nguyên, đến
với chùa Bửu Thắng nằm tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk
Lắk. Nơi đây nuôi dưỡng hơn 170 mảnh đời bất hạnh, trong đó có rất nhiều
trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi. Ni sư Thích Nữ Huệ Hướng, trụ trì chùa
này, bùi ngùi tâm sự: “Ở đây nói đến tết, các em còn ngác ngơ bội phần.
Điều mong muốn của các em là có chiếc bong bóng bay, một nhúm hạt dưa,
vài cái kẹo là đã vui như… tết rồi. Có nhiều em khát khao có một mái ấm
gia đình thật sự trong ba ngày tết mà chẳng thấy cha mẹ nào đến để đón
về…”.
Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Hồng Kiên từng có những câu thơ rất hay về tết dành cho thiếu nhi như:
Hoa đào trước ngõ
Cười vui sáng hồng
Hoa mai trong vườn
Rung rinh cánh trắng
Sân nhà đầy nắng
Mẹ phơi áo hoa
Em dán tranh gà
Ông treo câu đối
Tết đang vào nhà...
Nhưng có lẽ trong thực tế cuộc sống hiện đại ngày nay, cái tết trong
mắt trẻ thơ không tưng bừng, rộn ràng và nhiều ý nghĩa như vậy. Thực
trạng trẻ con không cảm nhận về tết thiết nghĩ đáng để nhà trường, gia
đình và xã hội suy ngẫm…
(Theo Thanhnien.com.vn)