Giải thưởng
hàng năm của Hội Xuất bản - In - Phát hành sách này trao cho những ấn
phẩm xuất bản trong năm. Các cuốn sách được đề nghị trao giải đều là tác
phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn cao, những công trình
nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn công phu, có nhiều nét mới mang tính sáng
tạo, những cuốn nổi bật về kỹ thuật in ấn và nghệ thuật trình bày... Đi
qua 7 mùa giải (từ năm 2005), đây vẫn là giải thưởng hiếm hoi dành cho
sách được tổ chức quy mô, uy tín, với mục đích tôn vinh những người làm
sách và những cuốn sách có giá trị.
Và cho đến
năm 2011 này, làng xuất bản mới có thêm Giải thưởng Sách hay, do Dự án
Sách hay và PACE thực hiện với 7 lĩnh vực giải thưởng: Lẽ sống, giáo
dục, nghiên cứu, kinh tế, quản trị, văn học và thiếu nhi. Một chút khác
với Giải thưởng Sách Việt Nam, giải thưởng này ngoài "ý tưởng" định
hướng thị hiếu đọc cho độc giả trong biển sách mênh mông hiện tại, còn
tôn vinh cả các đơn vị xuất bản. Như ông Giản Tư Trung, thành viên Ban
tổ chức giải thưởng này chia sẻ: "Trước đây, khi trao giải cho sách, ta
chỉ chú ý đến những người viết và dịch sách. Trong khi đó, có một chủ
thể khác cũng vô cùng quan trọng trong việc làm ra cuốn sách. Đó là
những công ty làm sách hay nhà xuất bản. Không có họ các tác giả và dịch
giả cũng không thể có được các cuốn sách hoàn chỉnh. Chính vì thế, vai
trò của người làm sách cũng phải được xã hội nhìn nhận". Kể cả sự bình
chọn mới mẻ này nữa, thì cũng chỉ có 2 giải thưởng đúng nghĩa dành cho
sách.
"Cứu" văn hóa đọc?
Đừng nói là
các NXB, các đơn vị làm sách không thiết tha giải thưởng bởi đi qua bao
nhiêu mùa giải của Giải thưởng Sách Việt Nam, người ta luôn thấy những
con số tăng lên của các đơn vị xuất bản và đầu sách dự giải. Năm 2011
này có tới 35 NXB với trên 350 tên sách đăng ký dự giải sách hay và sách
đẹp. Giải thưởng Sách hay mới "nhập cuộc" lần đầu tiên, nhưng cũng thu
hút sự quan tâm không ít của giới viết lách, dịch giả và xuất bản bởi
giải lục tìm trong "mớ hỗn độn" của thị trường sách từ năm 1975 trở lại
đây để "đãi cát tìm vàng". Vì thế, những cuốn như "Nỗi buồn chiến tranh"
(Bảo Ninh) mới được dịp trở lại diễn đàn văn chương. Đúng như những
người tổ chức giải thưởng chia sẻ: Sự vinh danh ấy cũng sẽ góp phần
"cứu" các bậc thức giả tâm huyết với nước nhà ra khỏi thị trường sách và
văn hóa đọc đang xuống cấp hiện nay, trả lại cho những cuốn sách có giá
trị danh hiệu của những công trình tri thức, công trình văn hóa đích
thực, những món quà sang trọng, chứ không chỉ là những sản phẩm hàng hóa
đơn thuần.
Không nằm
ngoài mục đích và những sẻ chia của người tâm huyết với sách, giải
thưởng sẽ định hướng cho người đọc, tìm ra những tác phẩm giá trị giữa
thị trường sách mênh mông và hỗn độn. Người đọc từ đó sẽ thấy giá trị
thật của việc đọc và mang nó trở về với cuộc sống đời thường. Đồng nghĩa
với hành trình thúc đẩy văn hóa đọc trở lại và nâng cao thị hiếu đọc
của độc giả.
Ngẫm lại mới
thấy, giải thưởng sách thì hiếm hoi là vậy, trong khi giải thưởng người
mẫu, giải thưởng âm nhạc… đếm không hết và nhớ không nổi. Đành rằng, ít
mà giá trị còn hơn nhiều mà tạp nham, nhưng cũng cần lắm những sự tôn
vinh sách để quảng bá sách Việt và "cứu" văn hóa đọc đang mai một từng
ngày.
(Theo ktdt.com.vn)