Vợ chồng bà Thảo chụp ảnh cưới bên Hồ Gươm,
nơi họ đã nguyện hy sinh để giữ gìn
Vọng mãi lời thề quyết tử
Bà Thảo là con gái Hà Nội gốc, sinh ra trong một gia
đình có truyền thống cách mạng. Người anh ruột – nhà báo Như Phong, tên
thật là Nguyễn Đình Thạc là người giác ngộ cách mạng cho 3 cô em gái của
mình. 16, 17 tuổi, 3 chị em gái bà Nguyễn Bích Thảo đã tham gia Ban
Thanh vận thành Hoàng Diệu, vận động thanh thiếu niên gia nhập các Hội
Cứu quốc, may cờ Tổ quốc phát cho quần chúng trong ngày Tổng khởi nghĩa
19-8-1945...
...Thực dân Pháp bội ước, tái chiếm Hà Nội. Trong
những ngày Thủ đô "ngàn cân treo sợi tóc”, Hà Nội bước vào một cuộc tản
cư. Cha mẹ lên Việt Bắc, 3 tiểu thư "phố Hàng” Nguyễn Bích Tần, Nguyễn
Bích Hạnh và Nguyễn Bích Thảo tình nguyện xin ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ
đô.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí
Minh như mạch nguồn thấm đẫm những trái tim rực lửa cách mạng. Gia nhập
Trung đoàn Thủ đô, cả ba chị em đều xác định sẽ "quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh”. Họ đứng trước cờ Đảng làm Lễ tuyên thệ sẵn sàng hy sinh để
bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người được nhận một lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ sẽ được
phủ lên những chiến sĩ cảm tử nếu họ hy sinh. "Trong lễ tuyên thệ đó,
dù không nói ra, nhưng những chiến sĩ cảm tử chúng tôi ai cũng nêu quyết
tâm, bằng mọi giá phải bảo vệ Thủ đô, kìm chân giặc Pháp để Bác Hồ và
Trung ương rút lên chiến khu an toàn...”- bà Thảo bồi hồi nhớ lại.
Cuối mùa đông năm 1946, trong 60 ngày đêm Hà Nội chìm
trong khói lửa, mỗi góc phố, ngôi nhà đều trở thành chiến địa khốc
liệt. Ác liệt nhất là trận đánh ở Đồng Xuân ngày 14-2-1947. Từ sáng sớm,
cả khu Đồng Xuân rung chuyển bởi địch ném bom, nã đại bác nhằm phá
chướng ngại vật của ta để bộ binh tiến vào trung tâm Liên khu I. Trận
đánh diễn ra trong từng góc chợ, trên từng sạp hàng. Ba chị em bà Thảo
cũng được giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ khu Đồng Xuân. Một bên súng,
một bên là túi cứu thương, bà Thảo thoắt ẩn, thoắt hiện trên từng góc
phố, vừa chiến đấu, vừa kịp thời sơ, cấp cứu rồi đưa thương binh về trạm
số 48 phố Đồng Xuân.
Tấm gương chiến đấu anh dũng của Nguyễn Bích Thảo từng được kể trong cuốn "Những người cảm tử” (Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1987).
Gia đình có 6 người là cảm tử quân
Trong mưa bom, lửa đạn của những ngày tháng "Quyết tử
cho Tổ quốc quyết sinh”, đã có những mối tình thời chiến được viết nên
như là huyền thoại của tình yêu, là một phần không thể tách rời của lịch
sử. 3 cô gái ở Liên khu I đã gặp 3 chiến sĩ cảm tử quân ở khu 2 Đông
Thành và khu 3 Đông Kinh Nghĩa Thục. Họ đến với nhau bởi cảm phục tinh
thần chiến đấu dũng cảm, sự gan dạ và bất khuất, họ đến với nhau để tiếp
thêm sức mạnh chiến thắng kẻ thù... Dưới mưa bom bão đạn, họ là những
người con kiên trung, bất khuất nhưng cũng thật lãng mạn và hào hoa.
Mối tình của cô em út Bích Thảo và chàng cảm tử quân
Đỗ Đình Sửu khá đặc biệt, là do những Vệ út (những thiếu niên cảm tử,
tình nguyện ở lại bảo vệ Thủ đô) mối mai. Thấy anh Sửu tài hoa lại chiến
đấu dũng cảm, thấy chị Thảo xinh đẹp lại gan dạ nên các em cứ muốn ghép
hai anh chị với nhau.
Đầu tiên Bích Thảo còn e lệ, bởi cô nghĩ nhiệm vụ
quan trọng bây giờ là chiến đấu bảo vệ Thủ đô, nhưng dần dà, Thảo bắt
đầu cảm mến người chiến sĩ cảm tử bên Đông Thành bởi sự thật thà, gan dạ
và tinh thần dũng cảm của anh. Dẫu chỉ là những lần gặp vội khi vừa
hoàn thành nhiệm vụ hay vài dòng thư viết vội giữa khoảng lặng của trận
đấu súng giữa ta và địch... Tình yêu của họ cứ thế đơm hoa.
...Đúng lời hẹn ước trước ngày chia tay khi Trung
đoàn rút khỏi Hà Nội, năm 1954, trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ
đô, 3 chàng trai cảm tử quân đã gặp lại 3 cô gái của Liên khu I. Niềm
vui của họ như vỡ òa trong ngày hội ngộ. Một kết thúc có hậu trong thời
chiến là những đám cưới giản dị, nhưng ấm áp và ý nghĩa. Chị cả Bích Tần
lập gia đình với chiến sĩ cảm tử quân Nguyễn Đình Thụ. Bích Hạnh nên
duyên với chiến sĩ Phạm Thư Chương (sau là Chính ủy sư đoàn 395 Quân khu
3).
Sau 9 năm dài đằng đẵng chờ đợi, không một lá thư,
không một dòng tin, niềm vui ngày hội ngộ đã xóa nhòa mọi khoảng cách,
nhớ thương. Đám cưới của Nguyễn Bích Thảo và chiến sĩ Đỗ Đình Sửu giản
dị chỉ có bao thuốc lá và ấm nước chè xanh. Họ đã có một bức ảnh ghi lại
khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa nhất cuộc đời tại Hồ Gươm.
65 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử cuối
cùng của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa đã ở cái ngưỡng "gần đất xa trời”. 1
gia đình – 6 người chiến sĩ cảm tử quân, giờ chỉ còn bà Thảo, người chị
cả Bích Tần và người anh rể thứ hai Phạm Thư Chương.
"Nhà tôi đã hy sinh trong trận đánh tại huyện Hương
Trà – Thừa Thiên Huế, ngày ấy tôi đã là mẹ của 4 đứa con thơ dại. Đang
học lớp y sĩ ở Hà Tây, nhận tin anh rể báo nhưng thời điểm đó cả lớp
đang bước vào kỳ thi quan trọng, sợ ảnh hưởng tinh thần của các chị em
có chồng đi B, tôi đã phải nén chặt nỗi đau, đến khi thi xong mới về
chịu tang chồng”, bà Thảo xúc động hồi tưởng.
Và mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm này, bà Thảo lại thấy
ấm áp với ăm ắp những kỷ niệm của một thời hoa lửa. Đưa chúng tôi xem
bản photo những bức thư tình thời chiến - nguồn sức mạnh giúp cho hai
con người luôn vững vàng ở hai trận tuyến, bà tự hào, bản gốc những lá
thư này giờ đang được lưu giữ ở Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.
"Thú thực, tôi rất muốn giữ những kỷ niệm ấy cho
riêng mình, bởi thấy hạnh phúc như những tháng ngày hiếm hoi vợ chồng
còn ở bên nhau...Nhưng, tôi cũng muốn thế hệ trẻ hôm nay biết được rằng,
trong khói lửa đạn bom, những người con ưu tú của Hà Nội vẫn sống, vẫn
yêu, tình yêu đôi lứa gắn chặt trong tình yêu đất nước tạo thành sức
mạnh chiến thắng mọi kẻ thù”, bà Thảo bồi hồi nói với tôi trước lúc chia
tay, khi phố phường Hà Nội đang bừng lên màu cờ đỏ kỷ niệm 65 năm ngày
Toàn quốc kháng chiến.
(Theo daidoanket.vn)
|