 |
Anh Hoàng Đình Hậu tỉ mỉ sơn tấm pa nô bằng bê tông trên đảo Trường Sa Lớn. |
Người được giao "nhiệm vụ đặc biệt"
Chiều muộn, sóng ngoài đảo Trường Sa gầm gào, tung bọt trắng xóa. Gió
giật liên hồi, cây bàng quả vuông (loại cây đặc trưng chỉ có ở Trường
Sa) nghiêng ngả như muốn bật gốc. Giữa lúc ấy, tôi thấy anh lính trẻ
binh nhất quần xắn móng lợn tất tả chạy khắp đơn vị. Tôi hỏi đi đâu mà
vội thế, cậu ta cười nói: "Cháu đi tìm mấy con lợn chú ơi, sắp bão rồi".
Mất cả tiếng đồng hồ, chờ anh binh nhất "điểm danh" đủ 75 con lợn đã
yên vị trong chuồng, cậu mới thủng thẳng, e ngại khi được hỏi về bản
thân. Binh nhất Cao Trọng Vị sinh năm 1991, quê Diễn Châu, Nghệ An. Nhà
nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp lại nuôi 5 miệng ăn, vì thế em làm đơn xin
đi bộ đội. Thuộc diện lính nghĩa vụ, biên chế về Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải
quân, tháng 12-2010, Vị chính thức được điều động ra Trường Sa Lớn. Ngày
xách ba lô lên tàu ra đảo, em vừa mừng vừa lo. Lo vì xa đất liền, mừng
vì được biết thế nào là Trường Sa. Điều quan trọng nhất, chế độ phụ cấp
dành cho lính đảo cao hơn trên bờ, vì thế Vị có thể dành dụm tiền gửi về
giúp ba mẹ lo việc học hành của các em. Được phân về tổ chiến sỹ nuôi
quân, Vị rất thạo việc chăn nuôi gia súc và được giao phụ trách mảng
này. Ngày 3 lần kéo xe bò đi lấy nước gạo, cơm thừa canh cặn ở các tổ
đội, em gom về cho lợn ăn. Chẳng biết cậu lính trẻ có tài huấn luyện gì
mà hễ cứ nghe Vị gõ kẻng, gần trăm con lợn thả rông từ đâu đâu chạy về
tập trung trước cửa chuồng. Có những chú lợn mới mang từ đất liền ra
đảo, vừa say sóng, vừa không quen với khí hậu khắc nghiệt trên đảo, vậy
mà qua tay Vị là đâu vào đấy. Từ chỗ đàn lợn chỉ có hai chục con, nay đã
sinh sôi nảy nở, tất thảy 75 con…
Thượng tá Phạm Văn Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn tâm sự: "Chăn
nuôi đàn lợn, đàn gà nghe rất đỗi bình thường nhưng đó cũng là nhiệm vụ
quan trọng của bộ đội, nhất là lính hải đảo. Có chăn nuôi, trồng trọt,
đời sống cán bộ chiến sỹ mới được cải thiện. Lính có no, quân có khỏe
thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ".
"Nhà điêu khắc"… bất đắc dĩ
Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, vào quân đội đã 27 năm, nay đại
úy Hoàng Đình Hậu lại có năng khiếu đột xuất về bộ môn kẻ, vẽ. Đến
Trường Sa Lớn, ai cũng hỏi những tấm pa nô, áp phích đúc bằng bê tông
kia ai làm mà đẹp thế. Lính đảo hóm hỉnh trả lời: "Anh Hậu "khờ" làm
đó!".
Anh mang tiếng Hậu "khờ" ấy là bởi tình yêu với biển đảo. Đang biên chế
thuộc Lữ đoàn 146 trên đất liền, anh xin ra Trường Sa. Năm nay đã sang
tuổi 46 nhưng lấy vợ muộn, thành thử con gái anh giờ mới lên ba. Hôm anh
Hậu nhận quyết định ra đảo, vợ anh khóc đứng khóc ngồi. Ai biết tin
cũng bảo ông này khờ thật. Thấy chồng quyết tâm, vợ anh không dám cản,
chỉ biết động viên chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt
nhiệm vụ và hằng tháng nhớ gửi tiền về để "bà xã" nuôi con. Lên đảo, anh
được chỉ huy đơn vị phân công làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật vũ khí
trang bị. Thời gian rảnh rỗi, anh Hậu đi ngắm quang cảnh đảo. Thấy các
tấm pa nô, áp phích làm bằng tôn mới sơn được vài ngày đã hoen gỉ vì
nước biển, anh tự hỏi tại sao mình không đắp và kẻ vẽ trên bê tông. Xin ý
kiến được Đảo trưởng nhất trí, anh Hậu bắt tay ngay vào công việc. Từ
bé đến lớn chả bao giờ kinh qua thợ nề hay kẻ vẽ nhưng anh cứ mạnh dạn
làm. Ban đầu ngượng tay, dần trở thành chuyên nghiệp, anh làm hết tấm pa
nô này đến tấm áp phích khác, cái nào cũng đẹp và bền chắc. Thị trấn
Trường Sa ngày càng khang trang, hùng vĩ, ấy cũng bởi những tấm áp phích
do đôi bàn tay khéo léo của Hậu "khờ" tạo nên.
Anh Hậu nói nhỏ đủ để tôi nghe thấy: "Ba tháng một lần, tui gửi toàn bộ
tiền lương về cho bà xã theo đúng lời hứa nghen. Trên đảo không có tiêu
gì hết trơn à".
 |
Cô giáo Bùi Thị Nhung hướng dẫn học sinh tập viết |
Lớp học có một không hai
Nghe tiếng trẻ ê a đọc bài văng vẳng phía trụ sở UBND thị trấn Trường
Sa, tôi lặng lẽ tiến về phía lớp học. Lạ kỳ chưa, lớp chỉ có 8 học sinh,
ngồi 4 bàn quay về 4 hướng, hướng nào cũng có một chiếc bảng đen. Độ
tuổi học sinh trong lớp cũng chẳng đồng đều, cháu lớn lên mười, cháu bé
chỉ chừng ba tuổi. Đợi đến giờ ra chơi, tôi lân la hỏi chuyện, cô giáo
Bùi Thị Nhung cười hiền: "Lạ không anh. Lớp học này là con em của cư dân
trên đảo. Em dạy cùng lúc 8 cháu tuổi từ mẫu giáo tới lớp 5, thành thử
phải có 4 dãy bàn quay lưng vào nhau và 4 chiếc bảng đen là vì thế. Vì
điều kiện trên đảo còn khó khăn, các cháu ở đây chỉ học tới lớp 5 thôi.
Từ lớp 6 trở đi, các cháu chuyển vào đất liền học tại các trường công
lập". Chuyện với cô giáo tôi được biết, Nhung theo chồng ra đây lập
nghiệp đã nhiều năm. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Nhung về
nhận công tác tại Trường tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh
Hòa (cũng là quê của Nhung). Hồi đó, anh Chương chồng Nhung ra đảo
Trường Sa làm công nhân quốc phòng. Một chốn đôi nơi, đảo lại đang thiếu
giáo viên đứng lớp nên Nhung mạnh dạn làm đơn xin hộ tống "phu quân" ra
đảo lập nghiệp. Hai ngày đêm lênh đênh trên biển ra đảo, cô giáo trẻ
cũng sợ sệt, lo lắng đủ điều. Trong suy nghĩ của Nhung, đảo là mô đất
rộng trơ trụi, khô cằn chỉ có nắng gió và bão táp. Không ngờ, khi tàu
gần cập cảng Trường Sa Lớn, Nhung quên cả say sóng, thốt lên đầy tự hào:
" Biển đảo quê mình to đẹp thế này ư?".
Chia tay tôi, cô giáo Nhung nói tự đáy lòng: "Em mãn nguyện với cuộc
sống ở đây anh ạ. Giờ vợ chồng hạnh phúc, hai đứa con có nếp có tẻ, học
hành chăm ngoan thì còn mong chi nữa". Vừa là cô giáo vừa là Phó Chủ
tịch HĐND kiêm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa, công việc
bộn bề nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt của "bông
hoa nơi đảo xa".
Trường Sa, đêm 18-12-2011