Ký ức Hà Nội mùa Đông 1946
Cảm tử
quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu
toàn quốc kháng chiến, cuối 1946. Ảnh: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Với phương châm kháng chiến "toàn dân, toàn diện" và cũng để chuẩn bị
cho một cuộc chiến lâu dài, Hà Nội đã tiến hành đợt "tổng di chuyển" sơ
tán hết dân ra an toàn khu, chỉ để lại 2.500 vệ quốc quân và 8.000 tự
vệ thành. Tuy nhiên, đã có khoảng 1.200 người dân Hà Nội tìm cách ở lại
cùng sống chết với Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm của mùa Đông năm 1946.
Họ đã góp phần làm nên một phần lịch sử oai hùng của Thủ đô Hà
Nội.
65 năm trở về trước, hai ngôi nhà liền
kề 34, 36 phố Đồng Xuân từng là nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Bích
Thảo trong 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử, mặc dù phụ nữ không được phép ở
lại nhưng bà và hai chị gái đã tình nguyện ở lại cùng 200 chị em khác.
Xung phong vào Cảm tử quân, các bà
được phân công ở lại trong chính nhà mình cùng tiểu đội vệ quốc quân.
Chị cả Tần làm quân nhu, chị thứ 2 làm văn thư và bà làm cứu thương. Hai
ngôi nhà sang trọng ở trung tâm thành phố đã trở thành kho thực phẩm
và nhà bếp nuôi quân. Cùng mọi nhà hàng phố, các cô khênh bàn, tủ quý
của nhà ra phố để dựng thành chướng ngại vật và chiến lũy ngay trước
nhà mình để chặn những đợt tấn công của quân Pháp.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, nguyên chiến
sỹ cảm tử quân Liên khu 1 nhớ lại: "Lúc bấy giờ, những gì để đánh được
là đánh hay là đánh lừa được địch là làm, nghĩ ra là làm, như việc lấy
nồi úp xuống từng chỗ, địch sợ mìn không cho ô tô vào, tủ chè sập gụ
cũng được mang ra đường, ngăn xe. Chúng tôi không tiếc gì cả, tự tay
chị em tôi đem đập nát đồ vật gia đình mình".
Thấy lại mình trong các bức ảnh Hà Nội
mùa Đông 1946, ông Đặng Tích không khỏi xúc động. Ông là một trong 175
thiếu niên trốn ở lại thành quyết sống chết với Thủ đô. Ghét quân xâm
lược, dũng cảm và mưu trí, các thiếu niên 12-13 tuổi được gọi là Vệ út,
giúp bộ đội rất nhiều việc quan trọng, nhất là những việc mà với vóc
người bé nhỏ mới làm được như trinh sát và liên lạc.
Ông Đặng Tích, nguyên "Vệ Út Trung
đoàn Thủ đô" nói: "Vì khao khát độc lập tự do, chúng tôi trốn ở lại.
Ngày ấy không có điện đài, công tác liên lạc gần như bia sống, nơi nào
đánh nhau, chúng tôi phải chạy đến để biết các anh còn giữ được không,
hy sinh bao nhiêu để chạy về báo cáo. Hà Nội úc ấy đục thông nhà nọ sang
nhà kia, không phải đục thẳng mà đục như trận đồ bát quái. Chỉ những
đứa nhỏ như chúng tôi biết đường".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch:
"Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ… hễ là người Việt
thì phải đứng lên chống thực dân Pháp", những người dân Hà Nội như chị
em bà Thảo, ông Đặng Tích và gần 1.200 người dân Thủ đô khác đã tình
nguyện ở lại Thành, họ không chỉ cứu chữa thương binh, tải lương, liên
lạc mà còn trực tiếp cầm vũ khí, sát cánh cùng với các chiến sỹ vệ quốc
quân và tự vệ giành giật từng căn nhà, góc phố với quân Pháp. Với sức
mạnh của lòng yêu nước, "thà chết không chịu làm nô lệ", trọn trong 2
tháng, hơn 10.000 quân và dân Hà Nội với vũ khí thô sơ đã chống chọi lại
6.500 quân chính quy Pháp với xe tăng và pháo binh cùng 7.000 kiều
dân Pháp được trang bị vũ khí.
Những con người ấy đã làm nên một "đại
thắng lợi" đúng như câu khen của Bác Hồ "Giam chân địch ở Hà Nội được
một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng
lợi".
Sau khi rút khỏi Hà Nội để lên chiến
khu, đa phần trong số 1.200 người ở lại để sống chết với Thủ đô đã trở
thành những chiến sỹ Vệ quốc quân.
Sự kiện 60 ngày đêm mùa Đông năm 1946
của quân và dân Thủ đô đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bất
tử. Trận quyết tử này cũng đã sản sinh ra những nét cơ bản của nghệ
thuật quân sự đánh địch trong lòng đô thị của Quân đội nhân dân Việt
Nam.
(Theo vtv.vn)