30-4-1975, Hà Nội tưng bừng cờ hoa trong niềm vui đại thắng.
Tôi vác cờ chạy suốt ngày, cuốn theo dòng người cuồn cuộn đổ về quanh hồ
Gươm, ca vang khúc khải hoàn “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Chỉ
đêm khuya, tôi mới nghe mẹ thở dài. Một tháng, hai tháng, ba tháng, một
năm trôi đi trong nỗi đợi chờ khắc khoải… các chú nhập ngũ cùng cha tôi
trong đại đội dệt 8/3, đi bổ sung cho đợt 2 Tổng tấn công xuân Mậu thân
1968… còn sống trở về được ba người… nhưng không ai dám nói rõ ràng cha
tôi đã hy sinh.
 |
Lá thư cuối của liệt sĩ Phạm Đình Thám gửi cho gia đình. |
Mùa đông 1976, giá buốt như càng giá buốt hơn khi chính quyền làm lễ báo
tử cha tôi. Tôi nhập học vào trường Đại học tổng hợp Hà Nội trong tiết
trời ảm đạm và không bao giờ tin cha không trở về. Chiến tranh biên giới
Tây nam bùng nổ, mẹ con tôi lại nghe tin “bố cháu ở Campuchia làm nhiệm
vụ đặc biệt”… Cứ thế, hy vọng mong manh như sợi chỉ xanh lung linh cho
mẹ tôi nghị lực trụ lại nuôi hai chị em tôi học xong đại học với khoai
tây thay gạo, mỳ sợi độn cơm nhão nhoét vón lại những cục bột hôi sì,
canh “toàn quốc” ở nhà bếp ký túc xá Mễ Trì… Những lá thư viết bằng máu
trong đêm lửa trại hừng hực khí thế bảo vệ tổ quốc… và lũ bạn tôi, cũng
như Lê Anh Xuân năm nào, gác bút nghiên lên đường. Rồi biên giới Tây Nam
đã bình yên, những người lính trở về với bao ấn tượng kinh hoàng về tội
ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt dã man như thời trung cổ… nhưng vẫn
không thấy cha tôi... Lúc đó, mẹ tôi mới thật sự tin cha tôi vĩnh viễn
không trở về! Bà nội tôi khóc sụt sùi “Bà nom cái giấy báo tử cha mày hy
sinh ở mặt trận phía Nam là ở đâu hở cháu? Liệu có tìm được hài cốt cha
cháu không hay thịt nát xương tan hết rồi”. Nước mắt bà cứa vào lòng
tôi xa xót. Mẹ tôi gan lì, im lặng… rồi một ngày mẹ đón nhà ngoại cảm về
nhà hy vọng phấp phỏng may ra. Tôi ngơ ngác nghe những lời của cha qua
miệng thầy… Bước chân không nản lòng, quyết chí của mẹ hướng về vùng đất
Long An đã bắt đầu như thế từ năm 1986
Tân An, Cần Đước, Châu Thành, Sông Bé… mẹ lặn lội theo những lời kể mà
đồng đội của cha còn sống sót trở về, nối các mảnh tin tức ở chiến
trường phân khu III Long An, sau 10 năm, vẫn chỉ là những cái lắc đầu.
Vô vọng! Cuộc tìm kiếm cha năm 1997 theo lời nhà ngoại cảm khác, vốn
người quê Hải Dương cũng vẫn không mang lại kết quả gì ngoài tấm bản đồ
trên giấy can vẽ đường đi chỉ nơi cha tôi hy sinh ở gần vùng A Sầu, A
Lưới. Tôi quầy quậy phản bác với lý lẽ rất hiển nhiên: lá thư cuối cùng
cha viết gửi về nhà ghi rõ ngày 12-4-1968, và thông tin xác thực rành rẽ
“Chuẩn bị vào vùng nam Long An” cho tôi chứng cứ cha tôi không thể bay
ra miền Trung trong tình thế khốc liệt lúc đó được.
Như có một ngọn lửa thôi thúc, mùa hè năm 1998, tôi quyết vào Long An,
thay mẹ tìm cha tôi. Long Sơn, Long Cang, Long Định… những địa danh mà
cha tôi chiến đấu hè năm 1968, theo thông tin của đồng đội cung cấp thêm
cho gia đình, vẫn chỉ cho con số không trống trơn. Những mộ chôn tập
thể đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Gió thổi thông thốc
trên những cánh đồng mênh mông. Giọng nói nằng nặng của bà má cơ sở ở
Long Sơn khiến tôi rã rời “Vùng ven đô nầy, hồi ấy, chúng nó càn dữ lắm.
Năm 1992, má dẫn đội quy tập ra cánh đồng, chỉ dẫn những nơi chôn mộ
tập thể để lần mò tìm hài cốt các ảnh. Tội lắm con à”. Tôi trở về, an ủi
mẹ mà mọi hy vọng tìm hài cốt cha bỗng chốc như tan biến hết. Đã 30 năm
ròng rã, ai cũng nói cha cháu chỉ ở Long An mà cha nằm nơi đâu?
Rồi một ngày trời xanh cũng thấu lòng mẹ con tôi chăng? Năm 2007, kỷ
niệm 60 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ông Nguyễn Xuân Hưng, vốn quê
Quỳnh Phụ, Thái Bình, làm việc ở Binh đoàn than Quảng Ninh, cùng D386,
huấn luyện ở Chi Nê, Hòa Bình rồi đi bổ sung cho chiến dịch Mậu Thân, đã
cùng cha tôi chiến đấu trận cuối cùng, hiện đang sống ở quận 12 thành
phố Hồ Chí Minh, mầy mò tìm được số điện thoại gia đình tôi, đã điện
thoại cho mẹ. Ông khẩn thiết mời mẹ vào, để ông đưa đến chiến trường
xưa. Tôi chuẩn bị mọi công việc, nạp thêm thông tin mới có thể có ở Bộ
quốc phòng, Quân khu 7, Quân khu 9, Tỉnh đội Long An… thật tỉ mỉ, nhẫn
nại… kể cả đăng tin tìm kiếm trên báo Quân đội nhân dân, may ra, hé thêm
thông tin… Vẫn là câu trả lời “ Không có tên liệt sĩ Phạm Đình Thám”.
Đến lúc đó, mẹ mới cho tôi trở lại Long An, nhưng theo hướng của ông
Nguyễn Xuân Hưng chỉ dẫn: Về Cần Giuộc!
Đất Cần Giuộc mà cụ Đồ Chiểu đã viết trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
sau một thế kỷ vẫn còn chùa Tân Thạnh cổ xưa. Đi trên con lộ liên xã
trải nhựa phẳng lì, ông Hưng bảo: “Chú nhớ rõ độ ấy đã gặt xong, hai anh
em chạy trên ruộng trơ gốc rạ, qua cầu Hội vượt cánh đồng đến con lộ
đất đỏ lại gặp cánh đồng, phía trước là gò cây lúp xúp, chỉ còn hai anh
em trong đêm tối…”. Người cán bộ xã phụ trách công tác thương binh xã
hội, anh Nguyễn Văn Nhật, đưa chú cháu tôi đến đúng địa điểm cần tìm.
Cầu Hội đây rồi! Tôi mừng khôn tả khi nhìn thấy cây cầu gỗ thanh mảnh
vắt qua con sông nhỏ trong veo. Ông già ấp Phước Kế có cái tên rất mộc
mạc - Võ Văn Bực - Bảy Bực ở gần cầu Hội ra gặp chúng tôi. Ông Hưng kể
lại trận giặc càn tới đâu, ông Bảy dẫn đi tới đó. Cánh đồng Phước Lâm,
Trường Bình, Mỹ Lộc xen canh lúa và hoa màu xanh tốt, nhưng nhà cửa
trong xóm ấp vẫn tuềnh toàng đơn sơ mang đậm tính cách dân Nam bộ hồn
hậu, phóng khoáng. Nhà ở kề ruộng không cần rào giậu, cái lợp mái tôn
thấp tè, cái xây tường gạch, cái thưng lá dừa tùm hụp… và gió biển thổi
về dàn dạt…
Tình cờ gặp mấy lão nông đang làm ruộng, hỏi về trận ta bị địch phục
kích trên cánh đồng Gò Ma, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, ông nhớ ngay: Đúng là
ở cánh đồng này, dân chôn bảy liệt sĩ, hỏi ông Ba Nhỏ thì rõ, chính tay
ổng thay áo cho các ảnh đấy.
ông Ba Nhỏ ở trần, bận quần xà lỏn, lộ thân mình bị thương khắp vùng ức
lan xuống ngực, da dẻ nhuộm nắng gió vẫn đỏ au. Nhìn đôi mắt to rất sáng
dưới đôi mày rậm, khuôn mặt vuông chữ điền dân dã, chất phác, tôi an
lòng như ngày còn thơ, được nghe bà ngoại kể chuyện cổ tích Thạch Sanh.
Ông Ba Nhỏ khá kiệm lời, nhưng nói câu nào chắc câu ấy: “Chính tay tôi
đào mộ ở khu đất chỉ cách con lộ đất đỏ 10-15m, sang cát, bỏ vô tiểu
sành 5 anh em, từng người, từng người một, rất cẩn thận rồi đưa về nghĩa
trang liệt sĩ của xã Phước Lâm; còn lại hai ảnh vẫn chưa tiêu hết, tôi
chôn lại, không thể thất lạc hay lẫn hài cốt của các ảnh được. Đến năm
1992, ủy ban huyện mới đưa tất cả các liệt sĩ trong nghĩa trang ở 16 xã
lên nghĩa trang liệt sĩ của huyện”. Tôi hỏi ông Bảy: “Cháu nghe dân Long
Sơn, Cần Đước nói dưới đó cũng có cầu bắc qua xóm Hội, vậy chú Hưng nhớ
chính xác cầu Hội ở đâu? “Vậy ta đi Long Sơn nữa nghen”.
Trong nắng chiều rát rạt, quanh cây cầu đơn sơ bắc qua xóm đạo có tên
xóm Hội, trận chiến năm xưa phục dựng lại trong trí nhớ, trên khuôn mặt
của các cựu chiến binh hôm nay như có ánh lửa hè Mậu Thân quần nhau với
địch. Ông Chín, đã qua tuổi bát thập, hiện là Bí thư xã Long Sơn nói:
“Vùng này, nó đánh dữ lắm, tiểu đội ông Út Thôi quần nhau với địch trên
Long Cang, Long Định ác liệt, vì từ đây sáp vô Sài Gòn gần không à. 36
năm rồi, bao nhiêu đổi thay, nhưng tôi chắc vẫn không tìm hết hài cốt
của các ảnh đâu”. Ông Hưng nhận ra địa hình và con đường tải lựu đạn mà
ông gọi là “tải trái” không phải là cây cầu xóm Hội này “Chú nhớ không
thấy trạm quân y của ta và nhà thờ cổ như vùng này”. Địa danh cầu Hội
găm vào trí nhớ của ông như một địa chỉ đỏ để lần tìm trên những cánh
đồng mênh mông của Cần Đước, Cần Giuộc hôm nay. Ông dứt khoát: “Về cầu
Hội Phước Lâm, đo lại địa hình lần nữa”. Đêm ấy, trong căn nhà tuềnh
toàng của ông Bảy, hai mái đầu bạc tâm tình đến khuya. Chai rượu nhà cất
cạn đến đáy. Lòng hào hiệp, nghĩa cử của người dân Long an là ngọn lửa
sưởi ấm lòng tôi - đứa con đất Bắc trong những ngày đi tìm cha, bạt ngàn
những ngôi mộ trắng xóa
Ngày 26-3-2011 (tức 22-2 năm Tân Mão), theo lời chỉ dẫn của nhà ngoại
cảm Hồ Văn Dũ, chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc, thực hiện
việc xác định vị trí mộ. Rồi sau hơn một tháng nén lòng chờ đợi trong hy
vọng, lo âu hồi hộp, cả gia tộc tôi đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khôn
xiết khi kết quả xét nghiệm AND ở Viện 108 Bộ Quốc phòng đã chính xác.
Cha tôi ở mộ G8, lô 21, Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giuộc
Ngày 4-11-2011 (tức mồng 9 tháng Mười năm Tân Mão) Ban Chỉ huy quân sự
quận Hai Bà Trưng đã tổ chức lễ truy điệu cha tôi - Liệt sĩ Phạm Đình
Thám, thật trang nghiêm và xúc động tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Trong
sâu thẳm của nỗi đau và niềm an ủi, tôi nhớ như in lá thư cũ của cha,
chữ đều tăm tắp, đậm màu mực Trường Sơn trên giấy pơ-luya không hề ố
vàng: “Hồi 6 giờ chiều ngày 13 tháng Giêng, tức 18 giờ ngày 14 tháng
Chạp năm Đinh Mùi, anh đã chính thức lên đường vào Nam chiến đấu chống
Mỹ cứu nước”. Đó là ngày cha rời Đô Lương để đi vào cây số 0 của con
đường Trường Sơn cheo leo đèo dốc. Đó cũng là dấu mốc của lá thư có giá
trị như di chúc dặn dò mẹ tôi, ra đi biết bao giờ trở lại… nhưng vẫn
cháy trong tim ngọn lửa, hy vọng ngày sum họp khi Tổ quốc thống nhất.
Cuộc trùng phùng trong tâm linh có lẽ chỉ có ở những gia đình tìm được
hài cốt người thân. Là những người thấm thía nỗi đau chia cắt, chúng tôi
thầm cầu mong, mỗi ngày sẽ có thêm các gia đình của đất Việt được đón
rước hài cốt các liệt sĩ trở về quê hương.