Liên hoan " Tôn vinh đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc”
do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, nhằm phát hiện, tôn vinh
và nhân rộng những tấm gương gìn giữ đạo hiếu
tại các địa phương trong cả nước
Ảnh: HOÀNG LONG
Chúng tôi có hỏi anh Nguyễn Ngọc Thạch, nguyên Tổng
Biên tập báo Đại Đoàn Kết lúc bấy giờ về việc khởi xướng và tổ chức
liên hoan "Tôn vinh đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc”, anh Thạch
nhớ lại: Đó là vào tháng 1-1991, tòa soạn nhận được một bài báo của bạn
đọc Trần Đông Hạnh đặt ra trước xã hội một câu hỏi: "Giữa thời buổi làm
ăn theo cơ chế thị trường, chữ Hiếu còn hay mất?”. Nội dung bài báo chứa
đựng những lời lẽ lên án những người con phụ bạc, hắt hủi, đầy đọa
chính cha mẹ mình, khiến xã hội phẫn nộ, bất bình. Sau khi bài báo được
đăng, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc lên án những
người con, người cháu bất hiếu. Thật là đúng lúc, đạo hiếu trở thành chủ
đề nóng hổi, bức xúc, mang nặng tính nhân văn và xã hội sâu sắc, đặt ra
cho tờ báo của Mặt trận vấn đề cần phải thực hiện. Từ một bài báo chỉ
với hơn một ngàn từ đã góp phần tạo nên sức mạnh cho một phong trào, một
cuộc vận động và sức sống cho một tờ báo. Nhiều bạn đọc đề nghị báo Đại
Đoàn Kết nên sớm tổ chức cuộc liên hoan để tôn vinh đại biểu con cháu
hiếu thảo toàn quốc. Nhưng sau khi đi về một số địa phương, tòa soạn
nhận thấy chưa nên, cần phải có thời gian để đông đảo dư luận lên tiếng
trước thực trạng con cái bất hiếu. Mọi người có cơ hội trao đổi về đạo
hiếu thời nay, đồng thời cũng cần có thời gian để dư luận kịp thời phát
hiện, tuyên dương những tấm gương hiếu thảo. Có như vậy "Tôn vinh đạo
hiếu” mới bén từ gốc rễ, để rồi sẽ tỏa sáng khắp nơi. Cùng lúc ấy, trên
mặt báo, mục "Tâm tư người cao tuổi qua những cánh thư” ra mắt bạn đọc.
Nhiều bậc ông bà, cha mẹ được dịp giãi bày tâm tư tình cảm, những băn
khoăn, trăn trở, bởi những người con không giữ được tấm lòng hiếu thảo.
Trang báo nhộn nhịp hẳn lên, nhất là khi báo Đại Đoàn Kết mở cuộc thi
viết về "Ông, bà, cha, mẹ của chúng ta” dành cho lứa tuổi học sinh, sinh
viên và thanh niên.
Đó là cả một quá trình "4 năm với dư luận xã hội”, để
đến đầu năm 1995, báo Đại Đoàn Kết mở cuộc vận động bình chọn con cháu
hiếu thảo từ địa bàn dân cư, và rồi đến cuối năm 1995, tổ chức liên hoan
tôn vinh đại biểu con cháu hiếu thảo toàn quốc lần thứ nhất tại Thanh
Hóa, khai mạc từ ngày 19 đến 20-12-1995 với 123 đại biểu chính thức của
41 tỉnh, thành về dự. Trong dịp này, ông Yatsushi Kitani, Trưởng phân xã
báo Akahata Nhật Bản tại Việt Nam viết bài hưởng ứng cuộc gặp mặt đại
biểu con cháu hiếu thảo, với tựa đề "Con nhìn lưng cha mà lớn”. Bài báo
kết luận: "Dù không có đặc quyền, đặc lợi, dù áo quần cũ kỹ và sơ sài,
dù chưa qua đại học và bằng cấp... nhưng hình ảnh một người cha sống
đàng hoàng, có lý tưởng, quý trọng gia đình thật sự, sống mạnh mẽ, sáng
tươi, đáng tin cậy, che chở cho các con. Những bậc làm cha như vậy, dù
bận bịu đến đâu, dù thời gian nói chuyện với con có ít đến đâu đi nữa
thì vẫn được con cái thông cảm, quý trọng, tin cậy, tự hào, chúng sẽ
mong ước "mình cũng sẽ sống như cha” và sẽ không bao giờ quên cha, quên
mẹ.
Hỡi các bậc làm cha mẹ! Chúng ta có thể không nhìn
thấy cái lưng của chúng ta, nhưng phải luôn luôn nghĩ rằng: "Con cái
luôn nhìn theo sau lưng chúng ta đấy!”
Lần thứ hai, năm 1999, Liên hoan đại biểu con cháu
hiếu thảo toàn quốc được tổ chức tại khách sạn Đồi Dương, bên bờ biển ở
TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, có 173 đại biểu tham dự. Lần thứ ba,
năm 2003, được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, bên sông Hàn có 189 đại biểu
tham dự. Lần thứ hai và lần thứ ba, chúng tôi chuẩn bị món quà tặng đại
biểu con cháu hiếu thảo khá đặc biệt - đó là chiếc chăn len màu da bò,
có in lôgô của cuộc liên hoan với dòng chữ Con cháu hiếu thảo. Chiếc
chăn do nhà máy dệt chăn len Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh) thiết kế và sản
xuất theo đơn đặt hàng riêng của chúng tôi, được biết trong mấy năm qua,
chiếc chăn này được nhiều người con hiếu thảo ủ ấm cho ông bà, cha mẹ
mang theo về thế giới bên kia. Thật là một nghĩa cử hết sức quý báu. Là
những người đứng ra tổ chức và trao tặng món quà này, chúng tôi thật
không ngờ món quà nhỏ ấy lại có ý nghĩa sâu nặng nghĩa tình như vậy. Lần
thứ tư, năm 2007, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu,
có 193 đại biểu. Lần này các đại biểu được đi thăm Đền Bến Dược, địa
đạo Củ Chi và TP. Vũng Tàu. Hầu hết các đại biểu lần đầu tiên được đặt
chân lên những địa danh huyền thoại ấy.
Không phải ngẫu nhiên, những kỳ liên hoan chia ngọt
sẻ bùi, những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo do báo Đại Đoàn Kết
tổ chức đều thực sự trở thành ngày hội có tiếng vang. Mỗi vùng miền, mỗi
dân tộc đều có nhiều điểm sáng. Một tổ ấm bình thường, thậm chí còn rất
túng thiếu, nhưng vẫn giữ được hiếu đễ, vẫn có thể gìn giữ được nếp
sống lành mạnh. Những thử thách trong cuộc sống còn đặt ra câu hỏi,
chúng ta có khả năng bảo vệ được hạnh phúc hay không? Trong những chuyện
kể, các đại biểu đã lý giải được câu hỏi này.
Rõ ràng, chữ Hiếu đã và đang có một sức sống kỳ
diệu, như anh Nguyễn Ngọc Thạch, nguyên Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết
tâm đắc, nó làm nền tảng bảo đảm sự ổn định, bền vững và hạnh phúc của
mỗi gia đình trước những sóng gió đua nhau làm giàu, hối hả chạy theo
lợi nhuận, trước những sa sút, khủng hoảng về đạo đức ngày càng diễn ra
nghiêm trọng. Vì thế mà hàng triệu gia đình đồng lòng hưởng ứng, cổ vũ,
khích lệ liên hoan tôn vinh đạo hiếu, các bậc ông, bà, cha, mẹ được dịp
bày tỏ những cảm xúc và cả sự biết ơn trước việc làm "có một không hai”
này của báo Đại Đoàn Kết, mà chúng tôi được vinh dự và may mắn là những
người nòng cốt tổ chức 4 cuộc Liên hoan con cháu hiếu thảo toàn quốc.
(Theo daidoanket.vn)
|