 |
Ông Nguyễn Quốc Tế. |
|
Tôi và nhà thơ Lê Mỹ hẹn sẽ đến thăm anh ở thôn Cổ Điển A, thị trấn Văn Điển, Hà Nội.
Nguyễn Quốc Tế tiếp chúng tôi
trong căn nhà khang trang ấm cúng của mình. Một lúc sau, chị Chử Thị
Bình - vợ anh - lại cung cấp cho chúng tôi một đĩa lạc rang và một chai
rượu thuốc. Cả ba chúng tôi đã từng là lính, trải qua các chiến trường
Lào, Trường Sơn, B2 nên chúng tôi nhanh chóng bỏ qua giai đoạn thăm dò,
làm quen. Chúng tôi đến với nhau thân tình, giản dị đúng như những người
lính đến với nhau.
Sinh năm Canh Dần 1950, tháng
6/1968, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Quốc Tế nhập ngũ trong khí thế sôi sục,
hào hùng của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ.
Sau mấy tháng luyện tập bộ
binh, Tế được biên chế vào đơn vị pháo phòng không 37 ly, đã tưởng thỏa
chí bình sinh, nào ngờ lại "bị" phân công về Tiểu đội thông tin thuộc
Trung đội chỉ huy của Tiểu đoàn. Thế là hình ảnh anh bộ đội ngồi trên
mâm pháo, quay tầm, quay hướng đạp cò… nhả đạn vào máy bay địch mà anh
hằng mơ ước bị tiêu tan. Thấy Tế có vẻ buồn, các thủ trưởng động viên,
anh lặng lẽ khoác ba lô về Tiểu đội thông tin. Anh Dự, anh Tuấn, anh
Hùng - những cán bộ, chiến sĩ "cựu" của Tiểu đội quý Tế lắm vì Tế là em
út của tiểu đội. Các anh đã tận tình hướng dẫn Tế cách sử dụng máy thông
tin 2W. Anh Hùng với Tế rất thân nhau. Tế kém Hùng 5 tuổi, người nhỏ
con, lại là lính mới nên anh Hùng coi như em. Mọi việc đều chăm sóc, chỉ
bảo ân cần, chu đáo.
Sau một thời gian bảo vệ một số mục tiêu ở khu IV, mồng 2 tết năm 1969 đơn vị của Tế được lệnh hành quân sang Lào.
Qua khỏi biên giới, trời đã hết
nắng. Đơn vị dừng lại, bộ phận hậu cần chuẩn bị cho anh em bữa ăn tết
dã chiến trên đường hành quân.
Trong lúc chờ cơm, Tế mở máy dò
sóng… Bỗng Tế nghe được một giọng nói tiếng miền Nam trên một làn sóng
lạ có nội dung là: "Có một Trung đoàn pháo 37 của Việt Cộng đang trên
đường sang Lào theo trục đường 7".
Tế giật mình. Đúng là đơn vị
pháo 37 của mình đang hành quân sang Lào theo đường số 7 thật. Nhưng đơn
vị của mình chỉ là Tiểu đoàn mà đài lạ lại nói là Trung đoàn? Hay là
việc di chuyển của đơn vị bị lộ? Những loại tin như thế này đáng lẽ phải
được mã hóa chứ sao lại nói thẳng như vậy? Đây là tin của thám báo địch
hay là tin của một chiến sĩ tình báo nào đó của ta tung lên sóng để báo
cho "nhà" biết việc di chuyển của đơn vị pháo 37 địch đã nắm được? Tế
báo cáo lại với Tiểu đoàn trưởng Chu Bình tin nhận được và những suy
nghĩ của mình.
Sau khi nghe Tế báo cáo. Ban
Chỉ huy Tiểu đoàn họp khẩn cấp, nhận định khả năng việc di chuyển của
đơn vị bị lộ là rất lớn. Từ nhận định trên, Ban chỉ huy đề ra ba việc
làm khẩn cấp là:
- Dập tắt hết lửa. Ngừng ngay việc triển khai hậu cần ăn tết dọc đường.
- Khẩn trương lùi trở lại 15km về bản Hòa Bình (Tây Nghệ An)
- Về đến địa điểm mới triển khai đội hình, sẵn sàng chiến đấu. Chỉ được nổ súng khi địch đánh vào đội hình đơn vị.
Quả nhiên sáng hôm sau địch
oanh tạc vào đội hình đơn vị ở địa điểm mới vừa chiếm lĩnh, triển khai
đội hình chiến đấu. Do đã cảnh giác cao và chủ động nên trận đó ta không
tổn thất gì về người và khí tài. Anh em trong đơn vị cứ nói đùa là:
Thằng Tế đã "cứu đơn vị một bàn thua trông thấy". Nếu hôm ấy Tế không
nghe được tiếng nói của làn sóng lạ và Ban Chỉ huy không có nhận định
chính xác, không có sự chủ động chuẩn bị đối phó thì không biết tình
hình sẽ thế nào.
Tháng 4/1969, đơn vị vào thị xã
Xiêng Khoảng. Địch cố đánh để giành lại Xiêng Khoảng. Đơn vị tham gia
một số trận đánh, hạ được một trực thăng, một phản lực. Có lúc pháo 37
phải hạ tầm nòng, bắn thẳng như súng bộ binh, góp phần giữ vững Xiêng
Khoảng.
Địch bao vây Xiêng Khoảng.
Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra. Liên lạc giữa các đơn vị với Ban chỉ
huy Tiểu đoàn bị mất hữu tuyến, chỉ còn vô tuyến. Rồi liên lạc bằng vô
tuyến với Đại đội 1 cũng mất nốt. Không biết vì lý do gì. Tế và anh Hùng
thay nhau đeo cáp suốt mấy ngày đêm để dò tìm sóng của C1. Một buổi
tối, Tế bỗng nghe tiếng anh Sen trên tần số sóng của C1. Thì ra máy của
C1 bị mất ăng-ten, anh Sen đã nghĩ ra cách dùng hàng rào dây thép gai
thay ăng-ten để liên lạc với Tiểu đoàn. Tiểu đoàn chỉ huy C1 tiếp tục
bám trụ trận địa bảo vệ Xiêng Khoảng…
Mùa khô 1971, Tế nhận lệnh đưa
đường và bảo vệ một đoàn gồm nhiều cán bộ chỉ huy của F31 trong số đó có
Đại tá Tư lệnh Vũ Lập, Thượng tá Nguyễn Thưởng phụ trách hậu cần… vào
Chỉ huy Sở tiền phương.
Tiểu đoàn trưởng Hoàng Thế Quý
hỏi Tế có cần lấy thêm người đi cùng không. Tế đề nghị cho Nông Thiện
Thi cùng đi. Thi là người Tày (quê Yên Bái), một chiến sĩ rất dũng cảm,
tháo vát. Anh em người dân tộc ít người có một đặc tính là rất thuộc và
nhớ đường.
Tế và Thi lo lắm vì đoàn cán bộ
"to quá", quan trọng quá nên trách nhiệm đảm bảo an toàn cho đoàn cũng
rất nặng nề. "Oánh" địch thì Tế và Thi không ngán. Mới sang đây có 2
năm, mặc dù là lính thông tin nhưng Tế cũng dạn dày trận mạc, đánh đấm
cứ như là bộ binh thực thụ rồi. Lo là lo sao bảo vệ an toàn cho các thủ
trưởng và đưa các thủ trưởng đến đúng được nơi cần đến. Đêm đen kịt. Vật
chuẩn cái mất cái còn. Hai anh em thay nhau lúc đi trước, lúc đi sau và
thống nhất với nhau, nếu gặp địch, thì phát tín hiệu để đoàn dừng lại.
Người đi sau dẫn đoàn đi lối khác, cần thiết thì người kia nổ súng chặn
địch để đoàn rút lui an toàn… Đêm mùa đông, sương đêm, khí núi lạnh
nhưng hai anh em áo ướt đẫm mồ hôi.
Hơn 1 giờ sáng, hai anh em đưa
các thủ trưởng đến Chỉ huy sở tiền phương an toàn. Chuyến đi thật là vất
vả. Hai anh em được các thủ trưởng biểu dương tại trận. Cánh hậu cần
của Sở chỉ huy tiền phương đưa hai anh em xuống bếp, vét được mấy bát
cơm nguội, ăn với mắm hành quân. Ăn xong, trải tăng xuống hầm lăn ra ngủ
ngon lành, không còn biết trời đất gì nữa.
Trận đánh Tế không bao giờ quên được là trận đánh ngày 20/4/1970.
Hôm ấy Tế được anh Hùng giao
nhiệm vụ đưa Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn Nguyễn Đăng Tước xuống các
đơn vị thì đồng chí liên lạc kiêm bảo vệ lại đang bị sốt rét.
Trời nắng chang chang, bầu trời
xanh ngắt không một gợn mây. Quả đồi trọc lóc không còn lấy một màu
xanh, chỉ trơ lại thân cây cụt to cỡ một người ôm, cháy nham nhở, đen
xì. Hai chú cháu đang đi bỗng nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú. Nhìn
lên thấy một bầy, khoảng hơn chục chiếc Thần Sấm, Con Ma nối đuôi nhau
bổ nhào. Với kinh nghiệm của lính cao xạ phòng không, Tế đoán chúng đánh
mục tiêu nào đó quanh đây. Tế nói to:
- Có lẽ nó đánh kho gạo Lạt Buộc thủ trưởng ạ. Ta tạm lánh vào gốc cây này. Nó bổ nhào thủ trưởng cho tôi bắn nhá.
- Đánh đi. Có thời cơ cứ đánh - Thủ trưởng Tước nói.
Các máy bay bổ nhào mà không thấy tiếng bom nổ. Vừa đẩy du xích lên thước ngắm 3, Tế phán đoán:
- Có lẽ nó thả bom vướng vào cây nhiệt đới, thủ trưởng ạ.
Tế tì nòng súng vào thân cây cụt, ghì chắc súng vào vai, hướng nòng súng về phía địch, chờ thời cơ.
Qua khe ngắm, một chấm đen cứ to dần rồi choán cả hết khe ngắm.
- Pằng pằng pằng… pằng pằng pằng… pằng pằng pằng…
Tế nháy cò điểm xạ ba lần liền,
mỗi lần ba viên theo kiểu của những anh chàng bộ binh dày dạn kinh
nghiệm trận mạc. Chiếc máy bay lạng đi, kéo theo cột khói đen mỗi lúc
một to rồi cắm thẳng xuống, mất hút trong màu xanh bát ngát của rừng già
đại ngàn, để lại trên bầu trời vệt khói đen kịt đang loãng dần. Những
chiếc còn lại không dám bổ nhào nữa, bay bằng trên cao cút thẳng. Thủ
trưởng Tước ôm chầm lấy Tế reo lên:
- Cháy rồi… Rơi rồi… Thằng nhỏ giỏi quá ta… Mày giỏi quá Tế ơi.
Khu vực này không có hỏa lực của đơn vị. Kho gạo Lạt Buộc không thấy nổ súng. Chỉ còn tiếng súng của Nguyễn Quốc Tế.
Hai thầy trò lại tiếp tục đi.
Đến đơn vị nào cũng vậy, bằng giọng nói miền Nam dễ thương, thủ trưởng
Tước sôi nổi kể chuyện Tế một mình một AK bắn hạ một Thần Sấm F105 bằng 9
viên đạn. Thủ trưởng còn xuýt xoa tiếc là chỉ có súng ngắn, không có AK
để góp lửa với Tế. Thủ trưởng còn tuyên bố là bận sau đi đâu nhất định
phải xách thêm khẩu AK đi mới được.
Đài quan sát của Tiểu đoàn xác nhận chiếc máy bay đó đã rơi. Phi công chắc bị thương nên không kịp nhảy dù.
Mấy ngày sau về đến Tiểu đoàn bộ, Thủ trưởng tham mưu bảo Tế đi thu thập vỏ đạn và giao lại súng để gửi về quân khu.
Tế trở lại quả đồi nơi anh lập chiến công. Tìm mãi cũng chỉ nhặt được có 6 cái cát-tút đạn AK.
Cuối 1970, tin vui đến với Tiểu
đoàn pháo 37 và người lính dũng cảm: Nguyễn Quốc Tế được Chủ tịch Tôn
Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III. Khẩu súng Tế lập
chiến công và 6 cái vỏ đạn được đưa vào Bảo tàng Quân khu 2. Năm 1970,
Tế được bình bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị. Tháng 12/1970, Tế được
kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 1/1977, Nguyễn Quốc Tế ra
quân. Ngoài Huân chương Chiến công hạng III, anh còn được tặng thưởng
Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng II, hạng III. Được Chính phủ CHDCND
Lào tặng thưởng Huân chương Ítsala hạng III.
Rời quân ngũ trở về địa phương,
anh tham gia nhiều công tác ở ngay quê hương mình. Cuối năm 1977, anh
được cử đi học Trung cấp quản lý kinh tế nông nghiệp. Tốt nghiệp ra
trường, anh được cử làm Kế toán rồi chủ nhiệm Hợp tác xã Tứ Hiệp. Năm
1991, nghỉ công tác, anh chuyên tâm vào việc làm kinh tế gia đình. Mảnh
vườn gần một sào của anh có hàng trăm cây cảnh, cây thuốc và rau xanh
đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Những lúc rỗi rãi, anh còn làm thơ để
thỉnh thoảng đi giao lưu với các bạn thơ.
Nói là nói vậy thôi, chứ anh
còn một ước nguyện cháy bỏng là mong sao gặp lại được các anh ở Tiểu đội
Thông tin, B chỉ huy D24 như anh Dự, anh Tuấn (còn anh Hùng thì Tế gặp
luôn vì họ đã kết nghĩa anh em) và các thủ trưởng cũ như các anh Chu
Bình, Hoàng Thế Quý, Nguyễn Đăng Tước… và các đồng đội khác.
Hy vọng sau khi đọc được bài
viết này, đồng đội, các chỉ huy cũ của anh liên lạc với anh theo số điện
thoại di động: 0973 195 785

(Theo antg.cand.com.vn)
|