Từ phải sang, các nhà báo Nguyễn Hồ, Trần Đình Vân (Thái Duy),
Kim Toàn (Cao Kim) và Thế Phiệt
Nhiều năm đã quen với đoàn kết hẹp hòi "Trí, phú,
địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, tầng lớp này chống tầng lớp kia coi
đó như động lực của cách mạng. Báo cáo của một số đảng bộ địa phương
coi chống nhau trong nội bộ cũng là chống bóc lột nên lại càng tỏ ra
hăng hái, nhiều hơn chống bọn thống trị thực dân. Khi đồng chí Nguyễn Ái
Quốc gửi thư về nước "Kính cáo đồng bào”, thì trong đảng viên, cán bộ
cũng có thắc mắc "vậy thì trong đồng bào cũng có trí thức, tư sản, địa
chủ hay sao?”. Lập trường, quan điểm cứng nhắc, cực đoan đến mức đòi sửa
cả thành ngữ "Thương người như thể thương thân”, lấy cớ do ông cha đặt
ra từ thời phong kiến lạc hậu, muốn tách bạch rõ ra thương người là
những người nào, nếu không dễ lẫn lộn cả thành phần bóc lột. Mặt trận
khi đó trong thực chất chỉ còn công nhân, nông dân, gọi chung là nhân
dân lao động. Các tầng lớp khác chưa coi là thù thì cũng chỉ được gọi là
"bạn đường”, có nghĩa là sớm muộn sẽ không được tồn tại khi cách mạng
tiếp tục tiến lên.
Đoàn kết theo Mặt trận Việt Minh hoàn toàn khác vì
Mặt trận Việt Minh tập trung vào bốn chữ "Đoàn kết toàn dân”. Đã là
người Việt Nam thì dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đang còn
cộng tác với địch, còn có lòng yêu nước, mong muốn đất nước độc lập, tự
do thì đều là dân. Chính quyền của dân, do dân, vì dân, chỉ một chữ
"Dân” là bao gồm tất cả, không cần phải kể ra tầng lớp nào vì dù là giai
cấp nào cũng đều là "Dân”, bình đẳng như nhau. Các cơ quan tuyên truyền
của Đảng và Mặt trận phải kịp thời chuyển hướng để góp phần "Việt minh
hóa Mặt trận”, đoàn kết đạt mục tiêu cao nhất "tất cả đều là ta” mới có
thể làm nên Cách mạng tháng 8.
Mấy năm hoạt động bí mật, báo Cứu Quốc không ra được
đều kỳ, vì địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Có lúc quỹ của Đảng chỉ
còn 27 đồng Đông Dương, không còn tiền mua giấy mực. Đồng chí Nguyễn
Trọng Tỉnh, phụ trách An toàn khu, trực tiếp bảo vệ Tổng Bí thư Trường
Chinh kể lại, Tổng Bí thư là Chủ nhiệm của báo Cờ Giải phóng và báo Cứu
Quốc, đồng chí căn dặn, quỹ Đảng còn nghèo nhưng cần dành ưu tiên mua
giấy, mực, vì Đảng không thể vắng tiếng nói.
Về Hà Nội, báo Cứu Quốc là báo hàng ngày và là diễn
đàn của mọi người tán thành xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống
nhất, giàu mạnh. Tôi chính thức là phóng viên của báo Cứu Quốc đầu năm
1949, trong tổ phóng viên chiến sự đi theo bộ đội chủ lực ở các chiến
dịch. Lúc này viết về kẻ thù tức là viết về bọn xâm lược thực dân, đế
quốc, còn đã là người Việt Nam đều là anh em, chỉ thương yêu, đùm bọc
cưu mang nhau. Đánh giá con người chỉ căn cứ vào đức và tài, vào năng
lực và phẩm chất, ngoài ra không còn tiêu chuẩn nào khác, nhờ vậy từ
thành viên Chính phủ đến lãnh đạo chính quyền các cấp đều có người của
các giai cấp. Chỉ có tham nhũng bị trừng trị thích đáng dù giữ chức vụ
cao đến đâu. Vụ tham nhũng lớn kéo dài hơn ba năm mới phát hiện được do
Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu là trùm sỏ, đã xử tại tòa
án binh và Trần Dụ Châu chịu án tử hình cùng với Cục phó là Lê Sỹ Cửu
cũng chịu án tử hình. Cuộc kháng chiến còn rất nhiều khó khăn, cán bộ,
bộ đội chưa có lương, trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo ấy, cán bộ quanh
Trung ương đều tin chắc vụ án Trần Dụ Châu chỉ giải quyết nội bộ, nhất
là Trần Dụ Châu lại là cán bộ cao cấp. Trên lại có lệnh khác hẳn: báo
Cứu Quốc tường thuật đầy đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn tham ô tiền Nhà
nước, mọi trò xa hoa, hoang phí, ăn chơi sa đọa của bọn Trần Dụ Châu, kể
cả mọi diễn biến tại phiên tòa cũng như việc thi hành án tử hình tại
pháp trường có đông đảo dân thị xã Thái Nguyên chứng kiến. Tài liệu về
mọi mặt do trên yêu cầu phải đăng sáu kỳ báo liên tiếp kèm theo xã luận
vào cuối tháng 9-1950. Kỳ báo nào cũng đăng vụ này trên trang nhất. Báo
Cứu Quốc có những trạm phát hành kiêm bán báo lẻ ở các thị trấn, thị xã,
nơi buôn bán đông người, kể cả vùng giáp ranh với vùng địch tạm chiếm,
bạn đọc đã đón chờ từng ngày mua báo để theo dõi vụ tham nhũng.
Tôi theo bộ đội dự chiến dịch Biên giới cuối năm
1950, dự chiến dịch đường số 18 và đầu năm 1954 dự chiến dịch Điện Biên
Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp,
một nửa đất nước được tự do là một thắng lợi lớn nhưng sau đó khối đoàn
kết dân tộc không còn đoàn kết như thời Việt Minh (1941 - 1951). Năm
1951 Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất là một, mang tên Mặt
trận Liên Việt. Đến Mặt trận Liên Việt dần dần Mặt trận lại bị thu hẹp
với lý do đi lên chủ nghĩa xã hội không còn giai cấp bóc lột. Ở nông
thôn cải cách ruộng đất kết hợp với đấu tố đã làm đến đợt 5, còn sau khi
miền Bắc được giải phóng đã tổ chức cải tạo công thương nghiệp ở thành
phố. Cải tạo công thương nghiệp là nội dung tuyên truyền quan trọng của
báo Cứu Quốc, tôi tham gia tổ phóng viên viết về cải tạo công thương
nghiệp. Trong nội bộ nói rõ địa chủ và tư sản dứt khoát không còn trong
Mặt trận, mọi tài sản đều bị tước đoạt, nhưng cách viết có khác nhau:
địa chủ là đánh đổ không thương tiếc, còn tư sản nhẹ nhàng hơn gọi là
cải tạo, đất nước đang bị chia cắt, tư sản đông còn phải tranh thủ.
Mấy năm tôi viết về cải tạo công thương nghiệp, có
lúc viết về sửa sai trong cải cách ruộng đất, về cải tạo nông nghiệp,
thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đến đầu năm 1960, cách mạng Lào có
chuyển biến, công khai kêu gọi Việt Nam giúp đỡ. Ta đã đưa quân chủ lực
sang giúp Lào, tôi theo bộ đội chủ lực sang chiến trường Lào và là
phóng viên thường trú của báo Cứu Quốc ở Lào hơn hai năm. Cuối năm 1963,
cách mạng miền Nam đã giải phóng hầu hết vùng nông thôn sau khi anh em
Diệm, Nhu bị giết, thời cơ lớn đã đến, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam (MTDTGPMN) cần có một tờ báo, Trung ương chỉ định báo Cứu Quốc tham
gia thành lập báo của MTDTGPMN - báo Giải phóng. Tổng Biên tập Kỳ
Phương, Thư ký tòa soạn Tâm Trí và một phóng viên là tôi vào Nam. Hai
miền, hai chế độ hoàn toàn khác nhau, hai Mặt trận do Đảng lãnh đạo. Mặt
trận Dân tộc giải phóng miền Nam tập hợp mọi giai cấp, tôn giáo, giáo
phái... vào một khối thống nhất chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Riêng
Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ được hưởng độc lập, tự do có ba tuần lễ, còn triền
miên suốt mấy chục năm sống dưới ách chiếm đóng của địch. Nhân sĩ, trí
thức, các nhà tư sản tập trung ở Sài Gòn - Chợ Lớn và trải qua mọi thử
thách hầu hết trung thành với Chính phủ Trung ương do Bác Hồ là Chủ
tịch. Họ không chỉ nói mà khi cần đã ký tên vào các bản tuyên ngôn bày
tỏ thái độ đứng hẳn về phía kháng chiến, đòi hỏi địch phải đàm phán với
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc đàm phán với Mặt trận DTGPMN,
họ đều sẵn sàng ký tên mặc dù làm ăn, buôn bán, sống trong sào huyệt của
địch. Một số nhà tư sản, kể cả quan chức đang làm việc cho Mỹ, vẫn bí
mật dùng ô tô riêng đưa lãnh đạo Mặt trận và Trung ương Cục di chuyển
trong thành phố hoặc đưa lãnh đạo về căn cứ.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, chỉ còn MTTQ Việt Nam,
hai báo Cứu Quốc và Giải phóng hợp nhất và mang tên là Đại Đoàn Kết. Đất
nước sạch bóng giặc ngoại xâm, không còn chiến tranh, nhiều người trông
đợi Mặt trận chỉ càng mở rộng, được trở về đoàn kết như thời Việt Minh,
dù thời đó thiếu thốn, gian khổ nhưng sống thoải mái, tất cả đều là anh
em, không vì thành phần lý lịch mà gây chia rẽ, nghi kỵ, ghét bỏ nhau.
Song lúc này đoàn kết dân tộc vẫn bị rạn nứt, Mặt trận vẫn không còn
giai cấp tư sản vẫn với lý do chế độ ta không còn chấp nhận giai cấp bóc
lột. Sau khi thắng Mỹ ta lại làm một việc mà hơn 20 năm trước sau khi
thắng Pháp ta đã làm là tổ chức cải tạo công thương nghiệp và cải tạo
lần này quy mô lớn hơn lần trước rất nhiều. Báo Đại Đoàn Kết lại có tổ
phóng viên chuyên viết về cải tạo công thương nghiệp và tôi vốn là "cựu
binh” về đề tài này lại về tổ phóng viên cải tạo tư sản.
Làm báo Mặt trận, vấn đề tôi viết nhiều nhất là đoàn
kết dân tộc. Từ Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, MTTQ đến Mặt
trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân
chủ và hòa bình Việt Nam, đoàn kết dân tộc có những biến động và đều gắn
với kinh tế. Hai lần cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc rồi miền
Nam, nền kinh tế chỉ còn quốc doanh và tập thể, sản xuất, kinh doanh đều
sa sút đến đáy, thiếu đói kéo dài triền miên. Và khi đổi mới, trở về
với nền kinh tế nhiều thành phần như thời Mặt trận Việt Minh, kinh tế tư
nhân, các nhà tư sản, các doanh nhân đều được khuyến khích sản xuất,
kinh doanh thì đất nước thay đổi hẳn, kinh tế phát triển, số người nghèo
giảm liên tục.
25 năm đổi mới đoàn kết dân tộc đang theo hướng Mặt
trận Việt Minh, trong lòng dân tộc không có hận thù, chỉ có quy tụ,
không có loại trừ. Đoàn kết như thời Việt Minh bắt nguồn từ truyền thống
lâu đời của ông cha và là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về
đoàn kết dân tộc. Nhất quán từ đầu cho suốt cả quá trình, qua các giai
đoạn cách mạng, Nhà nước cách mạng có một cơ sở xã hội là dân tộc, với
phạm vi các giai cấp và tầng lớp không thay đổi, mà chỉ được nâng lên về
chất lượng để thành ra một dân tộc mới, chứ không phải sang giai đoạn
cao hơn thì Nhà nước thu hẹp cơ sở của mình lại, loại bỏ tầng lớp này
hoặc tầng lớp khác.
Đi lên chủ nghĩa xã hội, cái cơ sở xã hội dân tộc
ấy cũng không có một chút thay đổi nào về phạm vi, vì chỉ có thể xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội khi các thành phần kinh tế đều được
phát triển, tuyệt đối không có phân biệt đối xử như chúng ta đã thực
hiện được trong thời Mặt trận Việt Minh.
(Theo daidoanket.vn)
|