Thứ năm, 05/01/2012 09:07
Văn hào Jean Jacques Rousseau: Đường đời lận đận đường tình truân chuyên
Jean Jacques Rousseau là một nhân vật khổng lồ trong lịch sử nhân loại. Ông được xem là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà triết học uyên thâm, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc và một nhà giáo dục lỗi lạc. Trong tư cách nhà văn, Rousseau đã để lại cho hậu thế những áng văn tuyệt tác, ca ngợi vẻ đẹp tình yêu và cuộc đấu tranh mạnh mẽ nhằm bảo vệ sự tự do luyến ái. Với tư cách con người, ông luôn thể hiện là một người đàn ông đa tình.
 |
Chân dung văn hào Pháp Jean Jacques Rousseau. |
|
Cả
cuộc đời Rousseau là cuộc phiêu lưu tình ái bất tận, trong đó người
tình của ông đa phần là những người đàn bà lớn tuổi hơn ông và sẵn sàng
dang rộng vòng tay che chở, bảo vệ nhà văn tài hoa nhưng số phận long
đong lận đận...
J. J.Rousseau sinh ngày 28
tháng 6 năm 1712 trong một gia đình làm nghề sửa chữa đồng hồ ở Geneve,
Thụy Sĩ. Khi cậu bé Rousseau chào đời được 9 ngày thì mẹ ông mất. Mười
năm đầu đời, cậu bé mồ côi sống trong sự đùm bọc, nuôi dạy của cha. Cho
đến một ngày, cha cậu - ông Issac Rousseau phải trốn khỏi Geneve để đến
ẩn náu tại Nyon vì tội làm đối thủ bị thương sau một trận đấu kiếm, cậu
bé Rousseau chuyển sang sống cùng người chú. Trong 5 năm sống với chú
ruột, thoạt đầu Rousseau được gửi vào học ở một trường nội trú và tại
đây, theo lời ông kể trong tập hồi ký "Tự bạch": "Chúng tôi học… tất cả
cái vớ vẩn, rác rưởi được người ta gọi là sự giáo dục". Sau hai năm,
Rousseau thôi học ở đây để theo nghề chạm khắc vỏ đồng hồ. Trong những
năm tháng này, mặc dù không đến nỗi vất vả song Rousseau luôn cảm thấy
cuộc sống tù túng, bản thân bị bạc đãi, khinh thường. Do vậy, ngày
14/3/1728, ở tuổi chưa đầy 16 tuổi, Rousseau đã tìm cách trốn khỏi
Geneve để bắt đầu cuộc sống tự lập.
Người phụ nữ đầu tiên mà
Rousseau có duyên nợ là bà De Warens - tên thật là Franoise Louise de la
Tour, bấy giờ ở tuổi ngoài ba mươi và mới bỏ chồng. Rousseau đã được
bà De Warens cởi mở tâm tình, cho cư ngụ tại nhà mình. "Em bé" - bà De
Warens đã gọi Rousseau như vậy, còn bản thân Rousseau thì gọi người đàn
bà trẻ này là "mẹ". Thời gian sống bên cạnh bà De Warens là một giai
đoạn thật sự hạnh phúc của Rousseau với những buổi thư thả hòa mình vào
cảnh trí thiên nhiên. Cũng tại đây, qua sự dìu dắt của bà De Warens,
chàng trai mới lớn Rousseau bắt đầu làm quen dần với cách thức sinh hoạt
của tầng lớp thượng lưu.
Năm 1731, Rousseau được "mẹ đỡ
đầu" xin cho vào làm việc tại một Sở địa bạ. Vì nghề này không mấy thích
hợp nên chỉ chưa đầy năm, Rousseau đã xin chuyển sang việc dạy nhạc để
có tiền tiêu pha. Lần này, cũng với sự hỗ trợ của bà De Warens, Rousseau
được đưa đến Besancon để nâng cao kiến thức âm nhạc, chuẩn bị cho việc
hành nghề sau này. Từ Besancon trở về, Rousseau mở lớp dạy nhạc trong
thành phố. Số học trò theo học ngày càng đông, trong đó có những cô học
trò xinh xắn, dễ thương đã để ý tới người thầy trẻ tuổi nhưng rất đa
cảm ấy. Chuyện không lọt qua con mắt tinh đời của bà "mẹ nuôi" và thế
là, từ việc coi Rousseau như một cậu con cưng, bà De Warens đã bất ngờ
thay đổi cách xử sự với Rousseau, coi cậu như một người… đàn ông. Mùa
thu năm 1733, tại vườn hoa Faubourg, trong một quán rượu ngoài trời,
chàng trai 21 tuổi Rousseau đã chính thức bước vào con đường tình ái kéo
dài tới gần chục năm với người đàn bà từng được xem là "mẹ nuôi" và
trên mình tới…13 tuổi.
Để bày tỏ những cảm xúc hân
hoan, đầy phấn khích của mình, vào một ngày nọ, chàng trai trẻ Rousseau
đã cho in trên tờ Mercure một bản nhạc "được phổ bởi ông Rousseau", nội
dung ca ngợi người đàn bà dịu dàng De Warens. Sau này, trong cuốn hồi ký
"Tự bạch", Rousseau cũng đã dành những lời lẽ hết sức đẹp đẽ để nhắc
nhớ những kỷ niệm giữa hai người thời kỳ này: "Khi tôi thấy cánh gỗ che
gió ngoài cửa sổ mở, tôi đã run rẩy niềm vui và tôi chạy vội về… Tôi sẽ
ôm choàng bà khi bà còn chập chờn trong giấc mộng trên giường…".
 |
Bìa một tác phẩm của Rousseau xuất bản tại Việt Nam. |
Tháng 9/1737, do nghi ngờ mình
bị mắc một chứng bệnh về tim, Rousseau lên đường đi Monpellier để tìm
bác sĩ giỏi nhờ chẩn trị. Trong chặng hành trình này, khi mà bệnh tình
chưa tìm rõ căn nguyên, chàng trai trẻ đã sa vào một căn bệnh có tên
gọi… tương tư. Cùng tham gia lộ trình là De Larnage - một người đàn bà
xinh đẹp, duyên dáng. Mặc dù khi ấy, bà De Larnage đã có gia đình, đã
làm mẹ, song điều ấy không ngăn trở chàng trai si tình Rousseu có những
biểu hiện đam mê đến điên cuồng người đàn bà này trong gần một tuần dừng
chân ở các địa danh Valence và Montélimar.
Tháng 3/1738, Rousseau trở về
ngôi nhà của bà De Warens và thất vọng biết rằng, trong thời gian mình
đi xa, bà De Warens đã kịp kiếm cho mình một người tình mới. Tuy bà De
Warens luôn tế nhị làm mọi cách để Rousseau hiểu rằng ông vẫn có "quyền
lực" trong ngôi nhà như cũ và mọi việc vẫn không có gì thay đổi, song
thực tế là mối liên hệ giữa hai người không còn nồng ấm như trước.
Thời kỳ này, Rousseau đã được
giới thượng lưu ở Paris tiếp nhận như một thành viên thân thuộc. Một
lần, tại phòng tiếp tân của bà Dupin, một phụ nữ thông minh, có nhan sắc
mặn mòi và là vợ hai của Tướng Dupin, máu đa tình nổi lên, Rousseau đã
tìm cách quyến rũ bà Dupin và trong một cơn phấn khích cao độ, ông đã
viết một bức thư tỏ tình với phu nhân của vị tướng. Bức thư đã bị trả
lại một cách phũ phàng.
Sau sự cố ấy, Rousseau phải rời
Paris đi Venise (Italia) và trong tòa nhà của Đại sứ quán Pháp ở
Venise, Rousseau đã viết một lá thư xin lỗi bà Dupin, đồng thời ông cũng
viết một lá thư gửi Tướng quân Dupin, xin được tha thứ về những việc đã
xảy ra. Vợ chồng Tướng Dupin đã tha lỗi cho Rousseau và để tỏ thiện
chí, họ gửi cậu con trai 13 tuổi của mình cho Rousseau trông nom, dạy dỗ
trong một thời gian ngắn.
Cũng là phu nhân một vị tướng,
song vì rất khâm phục tài năng và trí tuệ của Rousseau, bà D'Epinay lại
có cách xử sự hết sức đặc biệt đối với ông. Tháng 3/1756, bà D'Epinay
nêu một đề nghị với Rousseau, rằng nếu ông có ý định trở lại nước Pháp
thì bà sẵn sàng dành riêng cho ông một ngôi nhà nhỏ ở Ermitage, nằm ngay
trước lối vào khu rừng Montmorency. Rousseau đã vui vẻ chấp nhận đề
nghị của bà D'Epinay.
Cảnh trí và cuộc sống tại
Ermitage rất phù hợp với tính cách của Rousseau. Tại Ermitage, Rousseau
đã dành cả mùa đông năm 1756 để viết cuốn tiểu thuyết "July hay nàng
Heloise mới" - một trong những câu chuyện tình nổi tiếng nhất thế kỷ
XVIII và đã tạo ra một trào lưu văn học lãng mạn mới. Và, một điều không
thể không nhắc tới là trong thời gian viết phần 4 của cuốn tiểu thuyết,
Rousseau đã yêu bà D'Houdetot, em dâu của bà D'Epinay. Chuyện này - với
bản tính thích "kể lại cho nhiều người cùng biết" của Rousseau đã gây
cho ông nhiều phiền toái. Nhiều bạn bè lên tiếng phản đối, thậm chí "tẩy
chay" Rousseau. Văn hào Diderot thậm chí còn nhận xét: "Chỉ những kẻ
hung tợn mới lẻ loi". Bản thân bà D'Epinay cũng không tha thứ cho mối
tình mới của Rousseau nảy sinh tại ngôi nhà mình. Vậy là, tháng 12 năm
đó, Rousseau phải rời Ermitage để đến cư trú tại một căn nhà nhỏ ở Mont
- Louis, căn nhà mà một người bạn làm kiểm sát trưởng thuế vụ của ông
cho mượn.
Và đây là cuộc tình bền bỉ nhất và có hậu nhất trong cuộc đời "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" của Rousseau:
Từ năm 1745, Rousseau đã làm
quen với một cô gái nghèo, thất học, làm nghề thợ giặt tên gọi Therese
Levasseur. 23 năm sau, trong tình cảnh bải hoải, rã rời trên nhiều
phương diện cuộc sống, tại lữ quán Fontaine d'Or, đám cưới giữa hai
người đã được tiến hành mà không hề có bất kỳ một nghi thức tôn giáo
nào. Tất cả chỉ có hai nhân chứng với sự hiện diện của vị thị trưởng.
Sau cuộc "hôn lễ", đôi vợ chồng đến cư ngụ ở trang trại Montquin trong
vùng Maubec. Tại đây, Rousseau đã bắt tay vào viết cuốn hồi ký "Tự
bạch", trong đó có những dòng hết sức thương yêu, trân trọng ông dành
cho Therese Levasseur: "Therese là niềm an ủi duy nhất và có thực mà
Trời đã ban cho tôi trong cảnh cùng khổ, và chỉ riêng niềm an ủi ấy đủ
giúp tôi chịu đựng được cuộc đời".
Trong suốt 33 năm kể từ lần đầu
gặp nhau cho tới khi Rousseau giã từ dương thế (ngày 2/7/1778), Therese
đã tận tụy săn sóc, an ủi, nâng giấc Rousseau trong những thời khắc cơ
cực nhất của cuộc đời. Bà cũng là người thừa kế duy nhất bản quyền các
tác phẩm thuộc nhiều thể loại của ông…

|
(The vnca.cand.com.vn)
|
|