40 năm – một công trình tâm huyết
“Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học
thuyết Vũ trụ” nói về giọt nước mắt của đấng tạo hóa, vì sao rơi ra và
những quy luật của vũ trụ. Đây là cuốn sách khoa học được viết dưới ngòi
bút văn học và thi ca. Nó giới thiệu một nền khoa học toàn phần, đưa ra
định nghĩa vũ trụ và các quy luật của vũ trụ. Cuốn sách dành hai chương
để nói về nguồn gốc loài người và một chương rất trân trọng nói về gốc
gác của dân tộc Việt Nam.
Theo “nhà khoa học thế giới” Lê Văn
Tuấn, quyển sách này dày 999 trang nằm trong trọn bộ 3 quyển, là kết quả
tâm huyết của hơn 40 năm nghiên cứu của ông về cuộc sống con người,
cuộc sống vũ trụ không tách khỏi nhau. “Cuộc sống con người và sự phát
triển của nó luôn được chi phối bởi các quy luật tuyệt đối hoàn hảo và
bất biến của tự nhiên. Và sê-ri 3 quyển sách này lần lượt trình bày về
những quy luật đó. Quyển sách viết về khoa học nhưng lại được mô tả dưới
ngòi bút văn học và thi ca. Một bài thơ trong quyển sách tôi đã viết:
“Nếu sự thật là bản ngã cuộc mưu sinh/Thì hòa bình mới là đỉnh cao tột
cùng của văn minh nhân loại”.
Lê Văn Tuấn bị ám ảnh bởi sự thôi thúc
từ sâu trong tâm can mình nên đã âm thầm gác lại mọi dự định… để dồn
sức cho một sự dẫn dắt lớn lao đó là lao vào thực hiện công trình nghiên
cứu khoa học Toàn phần về đấng siêu nhiên trong thế giới vũ trụ lớn lao
với những định đề, quy luật chi phối điều khiển cuộc sống con người
nhưng “lại giản dị đến vô cùng”. Ông dồn trí lực, lao vào viết “Giọt
nước mắt của đấng tạo hóa và Học thuyết vũ trụ” với nhiều đêm không ngủ.
Từ ngàn ngàn trang bản thảo – Tác phẩm dày 999 trang chính là sự chắt
lọc, trưng cất trong vắt từ bao mồ hôi, nước mắt, những chiêm nghiệm đớn
đau và cả niềm hân hoan hạnh phúc đến tột cùng của tác giả.
Qua những trang sách, tác giả nói tới
sự chi phối muôn loài vạn vật của Đại quy luật Phản diện – Đối xứng- Cân
bằng. Bằng suy luận khoa học lôgic và lối “tải đạo” bằng ngôn ngữ văn
chương, thi ca, tác giả cố tình làm mềm hóa cái cao siêu tưởng như khô
cứng, khô ráp… thành cái “tiếp dẫn” nhẹ nhàng len lỏi vào trái tim độc
giả. Một học thuyết trừu tượng được biến ảo du dương bằng ngôn từ, âm
điệu của thơ phú. Những suy luận, diễn giải triết học được “làm mềm”
bằng văn chương bay bổng. Có độc giả tưởng mình như đang được đi vào
ngóc ngách của sự khám phá, tìm tòi trên một con đường chưa ai mở lối.
Vì vậy “Giọt nước mắt của đấng tạo hóa và Học thuyết vũ trụ” đã được lựa
chọn làm quà tặng chính thức cho hơn 300 đại biểu quốc tế tham dự Đại
hội UNESCO thế giới lần 8.
Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn của
ông, mà còn là niềm tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và cũng là
dịp để thế giới vinh danh những trí tuệ của thời đại mới.
Làm khoa học bằng thơ văn, âm nhạc
Câu chuyện về ông cũng là một ví dụ
sinh động về sự kết hợp giữa văn học nghệ thuật và khoa học. Rời làng
quê thanh bình miền đất Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông theo học và tốt nghiệp kỹ
sư năng lượng tại Liên Xô năm 1971. Sau một thời gian dài làm việc tại
nước ngoài, ông hiện sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh.
Trong hai năm qua, cái tên Lê Văn Tuấn
được giới văn nghệ sĩ nhắc đến rất nhiều bởi ông là người tiên phong
chơi dòng nhạc CROR. Đó là ký hiệu viết tắt của các chữ Classic,
Romantic, Opera và Rock. Một thể loại không dùng dấu hóa trong ký âm và
rất mới mẻ ở Việt Nam.
Vào đầu năm 2011, ông đã có đêm công
diễn 8 tác phẩm âm nhạc CROR với chủ đề Sa mạc còn xanh tại Nhà hát
Thành phố để chào mừng sự ra đời của Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin
truyền thông. Đêm công diễn này được Giáo sư Trần Văn Khê đánh giá rất
cao về nghệ thuật và nội dung nhân văn: “Tôi thật sự bị thu hút bởi
chương trình âm nhạc “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc CROR”. Lê
Văn Tuấn đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ những
nét nhạc, giai điệu ngọt ngào đến cách hòa âm, phối khí rất đặc biệt.
Nội dung ca từ đầy thi vị và nhiều ban nhạc với những nhạc công xuất
sắc. Từ những cây đàn guitar với cách khảy đặc biệt đến cây kèn saxo dài
hơi hòa cùng cây đàn cell trầm âm. Cả dàn nhạc hợp sức làm cho những
đoạn hòa tấu rất nhuần nhuyễn. Tiếng đàn piano thêm duyên cho những đoạn
khúc tình ca. Tôi không ngờ đang lúc sức khỏe kém lại có thể ngồi nghe
không thấy mệt và thích thú trọn vẹn…”.
Cũng trong đêm nhạc này, Trung tâm
Sách Kỷ lục Việt Nam đã công bố xác lập kỷ lục cho “Giọt nước mắt cho
đại dương và âm nhạc Cror” của tác giả Lê Văn Tuấn. Cuốn sách đạt kỷ lục
này có bề ngang dài 1,2m, chiều cao 1,6m, độ dày 0,28m và nặng 250kg.
Ông Lê Văn Tuấn bật mí: “Hiện, tôi đang viết vở ca vũ nhạc kịch ba lê
Trên đồng cỏ và dành phần lớn thời gian giới thiệu công trình “khoa học
toàn phần” đến với mọi người…”.
Khi đọc những tác phẩm của ông, người
ta cảm nhận được tâm hồn ông còn rất trẻ, dù ông chuẩn bị bước vào tuổi
60. Ông cho rằng nghệ sĩ vẫn phải có tuổi, nhưng là tuổi… “ảo”. Thậm chí
có lúc vì quá nhạy cảm, quá rung động ưu tư, họ đã “chết” ngay lúc sáng
tác. Nhưng hôm sau lại sống lại vui tươi. Như nhà bác học M.V.Lomonosov
đã nói: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất
đi, mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Vậy nên lúc nào nó
cũng trẻ... Còn ông, ông gắn bó với khán giả và độc giả trẻ bởi ông yêu
cái trẻ, cái ngây thơ, cái thiếu hụt trong họ...
Vì thế, trong các tác phẩm của ông,
ông đặc biệt dành sự quan tâm đến hòa bình, tuổi già và các em nhỏ. “Vì
tuổi già là tiêu biểu cho các bậc tiền bối và là cái gốc của chúng ta.
Còn tuổi nhỏ chính là tương lai của nhân loại. Và chúng ta thì ai cũng
muốn sống trong hòa bình”.