Thánh Tản Viên: Trong tâm thức dân gian của người
Việt, Tản Viên là vị thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh
viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và
trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.
Trong khi đó theo quan niệm của mọi người, được thể hiện qua các bản
thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy
Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực.
Thánh Gióng: Thánh Gióng là một vị Thánh quá quen
thuộc với nhân dân ta. Truyền thuyết này gắn bó và lưu truyền với mọi
thế hệ người Việt. Thông qua một câu chuyện một đứa trẻ kì lạ, lên 3 rồi
mà chẳng biết nói cười gì cả. Vậy mà khi giặc Ân từ phương Bắc tới thì
cậu bé tầm thường kia bỗng nhiên đổi khác, đứng dậy nói năng hết sức
dõng dạc và mau chóng lớn thành một tráng sĩ. Đánh tan giặc Ân, vị anh
hùng bỏ lại tất cả, một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Trong tâm thức
của người dân đất Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca từ ngàn
xưa vọng lại.
Chử Đồng Tử: Chử Đồng Tử chính là người đi tiên
phong trong cuộc thụ phép thần tiên để tế độ và truyền dạy cho người
khác. Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu
thảo, nhân ái, mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng
đồng: mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi,
trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác. Chử Đồng
Tử và Tiên Dung đã mở một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên
sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh: Trong tiềm thức của nhân dân,
Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng,
nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo
phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia
đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt đã được ký thác
niềm tin vào biểu tượng người mẹ.
(Theo giaothongvantai.com.vn)