
|
Trước thềm năm mới Nhâm Thìn, mời bạn đọc cùng phóng viên báo Kinh tế VAiệt Nam nhìn lại kết quả đạt được trong hợp tác song phương cũng như một vài cảm nhận riêng về Tết của đại diện một số tổ chức, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Francis A. Donovan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam:
Trong năm 2011, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác phát triển kinh tế và hỗ trợ nhân đạo cho Việt Nam. Một trong những chương trình lớn là trong lĩnh vực y tế, bao gồm việc hỗ trợ chăm sóc, phòng ngừa và điều trị HIV; phòng tránh sự bùng phát cúm gia cầm; giúp trẻ em Việt Nam giảm tỷ lệ các bệnh về giun sán và đau mắt hột…
Ngoài ra, USAID tại Việt Nam cũng hoạt động tích cực trong các lĩnh vực khác như quản trị kinh tế, giáo dục đại học, hỗ trợ cho những nông dân nghèo tăng năng suất trồng ca cao; đấu tranh chống buôn người, và khắc phục hậu quả do dioxin gây ra.
Là một nước đã có mức thu nhập trung bình, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới liên quan đến cải cách chính sách kinh tế do đó chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục cung cấp những hỗ trợ khi cần thiết, đặc biệt là khi Chính phủ Việt Nam giải quyết tái cơ cấu kinh tế trong hệ thống tài chính, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân trong nền kinh tế để tận dụng tốt các cơ hội thương mại toàn cầu mới. Cụ thể, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực để Việt Nam có thể tham gia và có chỗ đứng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện được một số bước đi quan trọng để cải thiện môi trường pháp lý. Từ năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã giới thiệu một số cải cách quan trọng bao gồm dự báo tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật và đối thoại trao đổi công - tư.
Đối thoại chính sách giữa tư nhân với chính phủ là việc rất quan trọng để đảm bảo các quy định có hiệu quả và tránh không để xảy ra những áp đặt các chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp, từ đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh chung của Việt Nam. Minh bạch trong quá trình quản lý sẽ xây dựng được lòng tin giữa các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn hơn để mở rộng kinh doanh, củng cố cho sự phát triển của nền kinh tế bằng cách tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm.
Năm 2012, USAID sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển các chương trình mới nhằm giúp Việt Nam đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang làm tăng mực nước biển và gây ra những hậu quả thảm hại đối với cuộc sống và sức khỏe của những người dân tại vùng ven biển, vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các chương trình hỗ trợ của USAID sẽ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, phát triển lâm nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, USAID sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để phát hành ấn phẩm 2011 tập hợp những bí quyết phát triển năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các nhà lãnh đạo chính quyền tỉnh đã sử dụng thành công những bí quyết này và nó đã trở thành một công cụ hữu hiệu để cải thiện quản trị và thu hút đầu tư.
Nói về tết truyền thống của các bạn, trước đây, vợ chồng tôi đã từng được trải nghiệm tết tại Hà Nội và trong năm nay chúng tôi vẫn quyết định sẽ ở Việt Nam trong dịp tết này. Tết ở Việt Nam thực sự là một khoảng thời gian thú vị. Mỗi ngôi nhà Việt Nam trong dịp tết đều được trang trí với cây đào và quất, tô thêm cho không gian những dấu ấn màu sắc đầy hy vọng. Họ hàng tôi có một số người gốc châu Á, vì vậy chúng tôi cũng có nhiều gắn bó tới văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi cũng có cho riêng mình một cây quất và được tận hưởng sự hối hả và nhộn nhịp của thời gian trước tết, được trải nghiệm những khoảnh khắc yên bình khi tết đến và đón năm mới theo một cách đầy ý nghĩa. Đó thực sự là khoảng thời gian huyền diệu và là một kỷ niệm đáng nhớ mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên được về những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam.
Bà Ragnhild Dybdahl, Tham tán phụ trách hợp tác phát triển của Đại sứ quán và là Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam:
 |
Bà Ragnhild Dybdahl |
Năm 2011 là một năm có ý nghĩa quan trọng, kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy và cũng là năm đánh dấu những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ đối thoại trao đổi về quyền con người, giao lưu văn hóa, trao đổi thương mại… đặc biệt là đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến nhằm gắn kết cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng hướng tới sự hợp tác phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, hợp tác truyền thống giữa hai nước về nuôi trồng hải sản và đánh bắt cá cũng được tiếp tục đẩy mạnh; các hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường cũng là những lĩnh vực được hai nước quan tâm ở một tầm mới.
Cũng giống các nhà tài trợ khác, khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình thì hỗ trợ song phương truyền thống của Na Uy sẽ giảm đi. Tuy nhiên, Na Uy sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các nguồn hỗ trợ đa phương với trách nhiệm và hiệu quả cao nhất cho Việt Nam. Trong tương lai, tôi mong rằng hợp tác giữa hai nước sẽ đi vào chiều sâu và phát huy mở rộng trên nhiều lĩnh vực hơn nữa.
Hiện nay Na Uy là một trong những đối tác tích cực giúp đỡ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Na Uy tiếp tục ưu tiên cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam triển khai giai đoạn 2 Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát khí thải thông qua chống phá rừng và suy thoái rừng (REED).
Cá nhân tôi mới đến Việt Nam nhận nhiệm vụ từ tháng 8/2011 nhưng tôi đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ thú vị ở Việt Nam cùng với cả gia đình mình. Tôi và gia đình rất yêu quý và muốn gắn bó với Việt Nam. Năm nay chúng tôi dự định sẽ ở Việt Nam để đón tết truyền thống, và chắc chắn không thể bỏ lỡ dịp này để được tận hưởng và cảm nhận sâu sắc hơn hương vị, không khí tết ở Việt Nam.
Khi mới đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy nhiều hình ảnh con rồng, tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu về ý nghĩa hình ảnh này đối với Việt Nam. Tôi được biết, ở Việt Nam có câu: “Rồng gặp mây” tượng trưng cho sự phát triển và thịnh vượng và cũng là biểu tượng cho mưa thuận, gió hòa, những yếu tố quan trọng giúp phát triển nông nghiệp.
Tôi cũng đã tìm hiểu về ý nghĩa của rồng và được biết, hình dáng của con rồng có sự khác biệt theo từng thời đại trong lịch sử. Trong thời Lý, rồng là biểu tượng của hoàng gia và cũng là biểu tượng của trí tuệ, nó gồm 12 vòng lượn tương ứng với 12 tháng của năm và hàm rồng ngậm ngọc. Đó là hình ảnh rồng mà tôi ấn tượng và yêu thích nhất…
Nhân dịp năm mới, tôi muốn gửi gắm một thông điệp tới Việt Nam trong dịp này, đó là hãy tập trung đầu tư vào thế hệ trẻ, vì đó là đầu tư mang lại nhiều hiệu quả cao nhất.
Ông Nagase Toshio, Phó Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam:
 |
Ông Nagase Toshio |
Tôi rất kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản và nhận thấy rằng hiện mối quan hệ chiến lược này ngày càng phát triển sâu sắc hơn vì sự phát triển phồn vinh của khu vực châu Á, đặc biệt là sau sự kiện chính phủ hai nước ký kết công hàm trao đổi vào ngày 31/10/2011 tại Tokyo vừa qua. Nếu tính cả năm 2011, thông qua JICA, Nhật Bản đã ký các hiệp định cam kết vốn vay cho tổng số 11 dự án với trị giá 191,8 tỷ yên, tương đương 2,4 tỷ USD. Trong số này, định hướng chính dành cho 5 dự án mới được ký kết với trị giá 92,6 tỷ yên, tương đương 1,2 tỷ USD.
Theo đó, định hướng chính của các khoản vốn vay này là các dự án hợp tác công tư PPP và điểm nổi bật là dự án cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng). Định hướng thứ hai là tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, tiêu biểu là dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Bến Lức – Long Thành và xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực này.
Để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, JICA đã đưa ra khung chính sách hỗ trợ thông qua dự án trung tâm vũ trụ tại Hòa Lạc nhằm cung cấp những thông tin về trái đất một cách nhanh chóng nhất, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Chúng tôi đánh giá rất cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc kiểm soát, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối, thúc đẩy xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại. Trên cơ sở đó, JICA cùng các nhà tài trợ khác theo dõi rất sát sao và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Với tư cách là người cho vay vốn ODA, Nhật Bản cùng các nhà tài trợ khác như WB, ADB… mong muốn trong năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục huy động các giải pháp, tập trung nâng cao giá trị của mình và tạo ra nhiều giá trị tăng trưởng hơn nữa cho tổng thể nền kinh tế. Và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác nhằm tăng cường năng lực cũng như phát triển nguồn nhân lực./.
(Theo ven.vn)
|