Tìm đến tư gia của "Long thành lão nhân" Nguyễn
Văn Bách, chúng tôi như được lạc vào cõi trầm mặc, cổ kính. Chung quanh
là bộn bề những sách nghiên chữ Hán, những loại bút lông to, nhỏ khác
nhau cùng những bức thư pháp khó đếm xuể. Ngoài ban công, hương hoa ngâu
nhẹ nhàng đưa lại. Trong phòng hòa quyện mùi thơm của trầm hương cùng
mực Tàu. Bước vào tuổi 87, mặc dù đôi tai đã hơi kém thính nhưng đôi
mắt của người nghệ nhân già vẫn vẹn nguyên nét tinh anh sắc sảo, đôi
tay ông vẫn biến hóa thần kỳ trên từng phiến giấy. Nhấp chén trà nóng
thơm nức, ông chỉ tay lên vị trí trang trọng nhất trong căn phòng, giảng
giải cho chúng tôi nghe ý nghĩa của bức thư pháp cỡ đại với hai chữ
"thanh tịnh". Với ông, "thanh tịnh" chính là phép sống đắc nhân tâm giữa
đời thực. Thấp hơn một chút là bức thư pháp "Lạc thiện đồng nhân" được
viết chân phương, dạn dĩ như cách người nghệ nhân tự răn mình sống không
nên màng danh lợi. Xuất thân trong gia đình có truyền thống ba đời nổi
tiếng về bốc thuốc và chữ nghĩa, ngay từ khi lên chín, cậu bé tên Bách
đã được theo cha đi khắp nơi trên mảnh đất Hải Dương để chữa bệnh và
viết chữ thuê. Trưởng thành, ông tham gia sáng lập, làm việc tại Viện Y
học dân tộc. Ðến nay, việc kê đơn bốc thuốc ông đã truyền lại cho người
con trai để có nhiều thời gian cho đam mê thư pháp. Với ông, luyện chữ
chẳng phải để hướng đến cái gì cao siêu, mà đơn giản chỉ để thỏa mãn
"thú vui theo nếp nhà".
Lấy tự là "Lỗ Công", ông khiêm tốn nhận
mình là người "đần" trước sự thiên biến vạn hóa của những ý tứ chữ
nghĩa. Song bằng tất cả nhiệt tâm, "người đần" ấy đã ghi lại dấu ấn ở
khắp mọi nơi từ bắc chí nam. Từ tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Hoàn Kiếm tới
cổng thành Hà Nội thờ tổng đốc Hoàng Diệu, từ đền Cổ Loa tới đền Lệ
Mật,... đâu đâu cũng vương vấn nét bút tài hoa của bậc đại thư pháp họ
Nguyễn. Nếu ai đã từng đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hẳn sẽ không thể
quên ba chữ "Văn Miếu môn" ngự trên cổng Tam quan chính là thủ bút của
ông cách đây hơn ba mươi năm, khi Nhà nước có chủ trương đại trùng tu di
tích. Mấy ai biết được đó là chữ "đồ" lại, bởi từng nét bút đã đạt đến
độ chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị. Câu đối trong nhà bia Văn
Miếu và bức hoành phi trong nhà Thái học cũng được chính ông thổi hồn.
Ông được xếp vào một trong "tứ đại thư pháp gia" của Hà Nội ngày nay,
bao gồm: Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa, Lỗ Công Nguyễn Văn Bách, Vĩnh
Nguyên Lại Cao Nguyện, Nam Ba Cẩm Văn Cung Khắc Lược.
Vốn là người
có thể đọc thông làu các áng văn trác tuyệt tự cổ chí kim, năm 1990,
ông dành trọn tâm huyết để hoàn thành 1.351 chữ trong áng thiên cổ hùng
văn Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi nhân kỷ niệm 600 năm Ngày mất đại
thi hào này. Ông cũng là người chuyển thể "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc
Tuấn thành thư pháp nhân kỷ niệm 700 năm Ngày chiến thắng quân Mông -
Nguyên lần thứ ba... Với vốn Hán học uyên thâm, lại có bề dày kinh
nghiệm về y học, ông còn có công lớn trong việc khảo cứu và dịch nhiều
loại sách quý về thuốc. Trong đó, đáng kể nhất là cuốn "Những bài thuốc
Nam hay" đã được tái bản nhiều lần và bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh"
ông tham gia với vai trò chịu trách nhiệm lần cuối về bản thảo.
Những
ngày Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, khắp Văn Miếu - Quốc
Tử Giám, những bước chân du khách gần xa ra vào tấp nập. Ai ai cũng
hiếu kỳ về bức "Thiên Chiếu Ðô" - công trình thư pháp kỳ công bậc nhất
với gần 300 chữ của vua Lý Công Uẩn, trong đó Lỗ Công Nguyễn Văn Bách
trực tiếp đảm nhận vai trò viết chữ. Thưởng thức bút lực mạnh mẽ, phóng
khoáng trên bức thi pháp đó, hiếm ai nghĩ rằng ấy là thành quả của một
ông già đã ngót 90 niên.
Ông bộc bạch, người tìm đến xin chữ ông
có đủ các thành phần, từ quan chức đến doanh nhân, từ học giả tới các
bạn trẻ. Người xin đôi câu đối mang về nhà thờ Tổ, người xin khổ thơ
Ðường, người xin chữ Tâm, chữ Nhân, chữ Phúc,... để treo. Song với ông,
cho chữ không phải chuyện dễ, hễ cứ quý mến thì cho. Bởi "Ai không có
tâm, không có tính thiện đến với thư pháp thì chỉ là "vẽ chữ" ra những
tác phẩm vô hồn". Qua chữ mà hiểu được cốt cách, tâm hồn của gia chủ, vì
thế trước khi cho chữ cũng phải ngẫm xem đó là người thế nào, tâm tính
ra sao mới tặng chữ phù hợp, treo chữ ấy mới có ý nghĩa. Ðiều đó lý giải
tại sao mỗi ngày "Long thành lão nhân" đều ngồi thiền cho tâm thanh
tịnh, để lòng sáng, bút sắc, để nhập mình vào chữ mà thẩm cho kỳ hết cái
đẹp, cái hay. Ngồi hầu trà với "Long thành lão nhân" Nguyễn Văn Bách
mới nhận thấy vị lão trượng này chính là cây cầu nối hiện tại với một
nền văn hiến mang đậm bề dày văn hóa, lịch sử của dân tộc.