
Kỳ thạch mang hình Sư tử biển
Ra khỏi Điện Kính Thiên của Hoàng Thành các du khách đã có dịp tham quan
khu trưng bày hàng ngàn sản phẩm gỗ lũa, gỗ hóa thạch, mẫu đá quý… của
nhà sưu tầm kỳ thạch Lê Mạnh Tuấn (người đã từng tuyển chọn 1.000 mẫu
cho kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm tuổi). Nhiều tuyệt tác của đá thiên nhiên
có giá trị cao được trưng bày nơi đây đã khiến các du khách nước ngoài
ngạc nhiên, trầm trồ khen ngợi. Theo ông Lê Mạnh Tuấn, ở kỳ thạch, sự
hấp dẫn đầu tiên là nghệ thuật thiên tạo. Có những viên đá giống người,
có viên giống những linh thú, có viên lại mang những họa tiết hoa văn
cho ta liên tưởng đến một bức tranh, một nội dung mang ý nghĩa văn hóa
nào đó. Màu sắc và độ trong của viên đá làm tăng tính kỳ diệu của nó.
Một viên đá với góc nhìn khác nhau, dù cùng một thế (đứng hay nằm) đã
cho những nội dung nghệ thuật khác nhau. Đây chính là sự lôi cuốn của kỳ
thạch. Không phải bỗng nhiên người ta không dùng từ “xem đá" mà dùng từ
thưởng lãm. Kỳ thạch là nghệ thuật của nghệ thuật, nó có cái đẹp về
chất, về hình thiên tạo, lại mang những nội dung văn hóa, giáo dục khác
nhau...

Ông Lê Mạnh Tuấn với những tuyệt tác bằng đá thiên nhiên
Mặc dù Triển lãm “Hà Nội giai đoạn 1873-1945” đã khép lại từ 31/1/2011,
nhưng những bức ảnh lịch sử về Hà Nội xưa, phản ảnh quá trình chuyển
biến của Hà Nội từ đô thị phương Đông sang đô thị hiện đại phương Tây
được trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vẫn được
nhiều người quan tâm. Người xem được chiêm ngưỡng các bức ảnh tư liệu
có giá trị cao như Phủ Toàn quyền Đông Dương năm 1906, nay là Phủ Chủ
tịch, Tòa thị chính Hà Nội năm 1897, nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành
phố, Sở Bưu điện Hà Nội năm 1924, Trường trung học Paul Bert năm 1897,
nay là Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, Chợ Lớn, nay là chợ Đồng
Xuân; các phương tiện giao thông, Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám…
Không ít người tỏ ra rất thích thú với những hình ảnh về Hà Nội 36 phố
phường với Hàng Bạc, Hàng Ngang, Lò Rèn, Hàng Thiếc, Đồng Xuân… cùng với
những khung cảnh và trang phục của Hà Nội xưa. Triển lãm do Trung tâm
Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp cùng Viện Viễn đông Bác cổ
thực hiện.

Hình ảnh Phố Đồng Xuân của đầu Thế kỷ trước
Ngoài ra, khu trưng bày các di tích phát lộ của Hoàng thành Thăng Long
cũ, cũng như khu trưng bày cây cảnh (phía trước Điện Kính thiên) đã lôi
cuốn được sự chú ý của nhiều khách tham quan. Một khách người Nhật Bản
cho biết, những di tích cổ xưa phát lộ như ở Hoàng Thành Thăng Long là
hiếm có trên Thế giới và ông rất thích khi được chiêm ngưỡng những di
sản như vậy tại Hà Nội…