Lễ hội mở màn sớm nhất năm nay có lẽ là kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc
Hồi - Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (tức
ngày 27-1-2012). Không chỉ diễn ra tại Hà Nội, lễ hội này đồng thời diễn
ra ở nhiều địa điểm như Tây Sơn, Bình Định - quê hương của vị anh hùng
áo vải và TPHCM với những phần lễ trang nghiêm và phần hội vô cùng sôi
động đem đến cho người dân ba miền một cảm xúc đặc biệt trong mùa xuân
an lành này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Ngày 28-1 (tức mồng 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), lễ hội chùa Bái
Đính (Ninh Bình) cũng chính thức khai mạc, mở đầu cho mùa lễ hội về miền
đất Phật. Những màn biểu diễn nghệ thuật trống hội Hoa Lư đặc sắc cùng
nhiều nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an diễn ra trong
lễ hội. Hàng ngàn tăng ni, phật tử trong cả nước về tham dự. Chùa Bái
Đính trước đây là một ngôi cổ tự linh thiêng nằm trên sườn núi. Chùa đã
được trùng tu, mở rộng và xây dựng hoành tráng, được xem là ngôi chùa
lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục đang lưu giữ tại đây. Trong ngày mồng
6 Tết Nhâm Thìn lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh, Hà Nội tưng bừng diễn
ra với sự tham gia của hàng vạn du khách thập phương cùng nhân dân trong
vùng. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng 6 đến
hết rằm tháng Giêng, lễ hội có nhiều nghi thức trang trọng như: bắt đầu
bằng đoàn anh cả Quậy vào tế lễ, đọc mật khẩn; tiếp đó là đoàn tế lễ của
hội đồng bát xã Loa Thành, các quan viên lễ nữ của bát xã Loa Thành.
Sau đó đến chương trình nghênh rước kiệu của hội đồng bát xã Loa Thành.
Phần hội sẽ có nhiều trò vui chơi như hát ca trù, hát tuồng, chơi bài,
đánh cờ, đánh đu, đấu vật, kéo co... Cũng trong ngày này tại huyện Sóc
Sơn, Hà Nội sẽ diễn ra lễ hội đền Sóc nhằm tưởng nhớ và ngợi ca công ơn
của Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc Ân cứu nước nhà thoát khỏi cảnh lâm
nguy. Tại Thừa Thiên - Huế vào ngày mồng 6 Tết, hội vật truyền thống
làng Thủ Lễ đã được khai mạc tại đình làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, thuộc
huyện Quảng Điền. Hội vật làng Thủ Lễ diễn ra với sự tham gia của hơn 60
đô vật nam, nữ đến từ thị trấn Sịa, xã Quảng Phước (Quảng Điền) và các
vùng lân cận thành phố Huế, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Hội vật
làng Thủ Lễ diễn ra vào dịp đầu xuân hàng năm là một sân chơi hấp dẫn
còn là cơ hội để rèn luyện thể lực và nhân cách sống cho các thế hệ trẻ
trong vùng.

Khai hội chùa Hương
Một trong những lễ hội lớn nhất và diễn ra trong thời gian dài là
trẩy hội chùa Hương. Từ ngày mồng 1 Tết đã có rất đông du khách đổ về
chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội). Theo ước tính của
Ban quản lý khu di tích Hương Sơn thì trong ngày khai hội có hơn năm vạn
du khách đến viếng chùa và trong mùa xuân năm nay sẽ có khoảng 1,5
triệu du khách đến trẩy hội. Trong lễ khai Hội chùa Hương năm nay, Hòa
thượng Yoshimizu Daichi đến từ Tokyo, Nhật Bản, trao tặng chùa Hương 30
cây anh đào để trồng trong khuôn viên chùa Thiên Trù. Ngày mồng 7 tháng
Giêng (ngày 29-1-2012), lễ hội đền Mẫu Âu Cơ vừa diễn ra tại Phú Thọ.
Trong ngày khai hội, hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã về
dâng hương tưởng nhớ đến Quốc mẫu Âu Cơ để cầu mong một năm mới gặp
nhiều may mắn. Cũng vào sáng 29-1 (tức mồng 7 tháng Giêng âm lịch), lễ
hội Tịch điền Đọi Sơn (tỉnh Hà Nam) đã khai mạc với sự tham dự của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là một trong những lễ hội lớn được UBND
tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức theo quy mô cấp tỉnh.
Lễ hội được nhiều người chờ đón nhất vào dịp đầu năm đó là lễ hội đền
Trần. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 4 đến 8-2-2012 (từ ngày 13 đến 17
tháng Giêng) được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Các nội dung
diễn ra suốt lễ hội gồm: Thi cỗ cá (14 tháng Giêng), thi gói bánh chưng
(15 tháng Giêng), thi thả diều (17 tháng Giêng), thi pháo đất (15 tháng
Giêng), thi vật cầu (14 tháng Giêng), thi kéo co (16 tháng Giêng). Đặc
biệt đêm khai mạc (tối 13 tháng Giêng) sẽ có chương trình nghệ thuật đặc
sắc với những trích đoạn chèo “Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần” và
phát ấn cầu may đầu năm.